24/01/2010 - 20:42

MÔ HÌNH “SINH HOẠT DÂN CHỦ RA DÂN”:

Hiệu quả thiết thực, cần nhân rộng

Được triển khai thực hiện đầu tiên ở phường An Bình, năm 2007, mô hình “Sinh hoạt dân chủ ra dân” (trước đây là “sinh hoạt chính trị ra dân”) được Quận ủy Ninh Kiều chọn triển khai nhân rộng ra 13 phường trên địa bàn. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình đã đạt được hiệu quả thiết thực. Thông qua mô hình này, Đảng ủy, UBND các phường đã kịp thời giải quyết được những vấn đề bức xúc nảy sinh ở khu dân cư, tạo niềm tin trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương...

Tham quan con hẻm nhánh của hẻm 22 thuộc khu vực 2, phường Hưng Lợi, chúng tôi vui lây với niềm vui của bà con nơi đây khi con hẻm lầy lội ngày nào giờ được bê tông hóa sạch đẹp. Ông Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng khu vực 2, nói: “Trước đây, hẻm này là đường đất, mùa mưa đi lại khó khăn, địa phương vận động bà con đổ gạch đá đi tạm nhưng chỉ qua một vài mùa mưa lại trở nên lầy lội. Trong những lần địa phương tổ chức sinh hoạt dân chủ ra dân, bà con kiến nghị chính quyền sớm nâng cấp hẻm để việc đi lại thuận tiện và giải quyết tình trạng ngập nghẹt, ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Tiếp thu ý kiến của bà con, lãnh đạo phường cùng với khu vực tổ chức họp dân, vận động bà con đóng góp 370 triệu đồng để nâng cấp tuyến hẻm”. Mặc dù kinh phí xây dựng hẻm hoàn toàn do dân đóng góp, chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò vận động, tổ chức, nhưng trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con ở đây đều bày tỏ sự hài lòng. Ông Trần Kế Bửu, 79 tuổi, cán bộ hưu trí nhà ở hẻm này, cho biết: “Khi đề nghị nâng cấp hẻm, nhiều người dân có ý kiến là chính quyền nên đầu tư kinh phí. Nhưng tại buổi sinh hoạt dân chủ ra dân, khi chính quyền công bố tình hình thu chi ngân sách trên địa bàn, giải thích cho bà con hiểu nguồn ngân sách địa phương hạn chế, không thể cùng lúc đầu tư nhiều công trình dân sinh bức xúc, thì bà con đã đồng tình đóng góp. Khi làm hẻm, cán bộ khu vực tổ chức họp dân nhiều lần để xin ý kiến về phương thức và thời gian thi công, mức đóng góp... Cuối cùng, bà con thống nhất là sau khi nhà thầu làm xong phần đường phía trước nhà của hộ nào thì gia đình tự nghiệm thu, trả tiền, còn cán bộ khu vực chỉ vận động, giám sát để đảm bảo về chất lượng”.

Hẻm nhánh thuộc hẻm 22, đường Trần Hoàng Na, khu vực 2, phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều) được nâng cấp khang trang nhờ phát huy dân chủ, khơi dậy sức đóng góp của nhân dân. 

Cũng từ những phản ánh của nhân dân trong các buổi “Sinh hoạt dân chủ ra dân” mà khu vực 8, phường Xuân Khánh đã được cấp đất để xây dựng Nhà thông tin Khu vực, dự kiến sẽ thi công vào quý II năm 2010. Ông Dương Văn Thuận, người dân khu vực 8, cho biết: “Nhiều năm qua, do không có nhà thông tin nên mỗi lần họp dân là cán bộ khu vực phải chạy mượn địa điểm khắp nơi. Còn cán bộ khu vực thì phải làm việc ở chốt gác của khu vực vừa chật hẹp, vừa nóng bức. Bây giờ có đất rồi, bà con rất mong nhà thông tin sớm được xây dựng để có nơi cán bộ khu vực làm việc và nhân dân sinh hoạt”. Ở phường Hưng Lợi, khi tổ chức sinh hoạt dân chủ ra dân đợt I-2009, một số bà con phản ánh cách làm việc của cán bộ địa chính còn gây phiền hà cho dân, tác phong tiếp xúc với nhân dân chưa nhã nhặn, đề nghị chấn chỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Ly Ly, Bí thư Đảng ủy phường Hưng Lợi, cho biết: “Lãnh đạo phường đã tìm hiểu các vấn đề người dân phản ánh, sau đó trực tiếp mời cán bộ địa chính đến nhắc nhở để đồng chí này sửa chữa. Từ đó đến nay, chúng tôi không còn nghe bà con phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ công chức phường nữa”.

Theo đánh giá của lãnh đạo quận Ninh Kiều, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đại trà ở 13 phường, mô hình “sinh hoạt dân chủ ra dân” đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Qua các buổi sinh hoạt, chính quyền địa phương tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Những ý kiến của nhân dân, lãnh đạo phường xem xét giải quyết, những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết thì kiến nghị về quận, thành phố và thông báo kết quả giải quyết cho dân trong lần họp sau. Đồng thời, các buổi sinh hoạt cũng tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, từ đó có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao... Nhờ đó, trong các năm qua, quận Ninh Kiều đã khơi dậy và phát huy tốt sức dân trong việc phối hợp cùng Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, như: Hàng năm, thu ngân sách các địa phương đều đạt và vượt chỉ tiêu; nhân dân đóng góp hàng tỉ đồng thực hiện nâng cấp mở rộng các hẻm, lắp đặt hệ thống thoát nước, chiếu sáng... Từ đó, đời sống nhân dân từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần; an ninh quốc phòng được củng cố và giữ vững. Đảng bộ quận nhiều năm liền đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh...

Nói về hiệu quả từ mô hình “Sinh hoạt dân chủ ra dân”, bà Nguyễn Thị Thạnh, người dân ở khu vực 8, phường Xuân Khánh, cho biết: “Tham dự các buổi sinh hoạt dân chủ, tôi được nghe các cán bộ thông tin về kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công khai việc thu và sử dụng các nguồn quỹ do dân đóng góp, việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về thực hiện cải cách hành chính... Cuộc họp cũng tạo cơ hội để bà con trực tiếp trình bày nguyện vọng, hoặc những vấn đề bức xúc của mình để lãnh đạo địa phương xem xét giải quyết”. Ông Trần Hùng Hải, cán bộ hưu trí ở phường Hưng lợi, nói: “Ở địa phương tôi, ngoài những vấn đề cần phổ biến chung, mỗi kỳ sinh hoạt, chính quyền địa phương đều chọn một trong những vấn đề người dân quan tâm, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương để bà con bàn bạc đóng góp, như việc chỉnh trang nâng cấp đô thị; việc thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức... Đây cũng là dịp để các hộ dân đóng góp xây dựng nhau trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Tôi nhận thấy cách làm này rất phù hợp, gần gũi và khuyến khích được tinh thần làm chủ của nhân dân”.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình “Sinh hoạt dân chủ ra dân” ở quận Ninh Kiều, năm 2009, Ban Dân vận Thành ủy đã chọn mô hình này nhân rộng ra tất cả các quận, huyện trong thành phố; phấn đấu mỗi quận, huyện có ít nhất 50% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, ngoài quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh tổ chức nhân rộng mô hình này, thì các địa phương còn lại vẫn đang trong giai đoạn “xây dựng kế hoạch” chứ chưa tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình tổ chức các buổi sinh hoạt còn một số hạn chế cần được khắc phục, như: Nội dung sinh hoạt còn dàn trải, thiếu tập trung nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao; việc tuyên truyền còn rập khuôn theo văn bản, chưa thu hút được người dân tham gia phát biểu. Ở một số địa phương, cán bộ khu vực chưa phổ biến, giải thích ý nghĩa nội dung “Sinh hoạt dân chủ ra dân” nên số lượng người dân tham gia chưa nhiều. Việc giải quyết các vấn đề người dân bức xúc, góp ý chưa kịp thời, nhất là những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương như quy hoạch, tái định cư, vệ sinh môi trường, tệ nạn xã hội... Đồng chí Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ, cho biết: “Thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ sẽ kiểm tra, giám sát việc tổ chức nhân rộng mô hình này ở các địa phương. Đồng thời, tiếp cận với người dân để giám sát, kịp thời chấn chỉnh để việc tổ chức mô hình này đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở”.

Việc tổ chức các cuộc “Sinh hoạt dân chủ ra dân” vừa để người dân phát huy quyền làm chủ của mình, vừa tạo điều kiện để cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương gần gũi và gắn bó hơn với nhân dân, qua đó đổi mới phong cách lãnh đạo, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Thiết nghĩ Ban Dân vận Thành ủy cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời để mô hình được nhân rộng và ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết