13/08/2009 - 08:31

Ngày thứ hai xét xử vụ lập quỹ trái phép ở Nông trường Sông Hậu

HĐXX tập trung thẩm vấn làm rõ số tài sản bị thiệt hại và trách nhiệm của từng bị cáo

* Luật sư muốn chứng minh nông trường được phép tự chủ tài chính, tài sản mua thêm bằng vốn tự có, không gây thiệt hại

(CT)- Tiếp tục phần thẩm vấn, cả ngày hôm qua (12-8-2009), HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) và các luật sư lần lượt hỏi và nghe các bị cáo trình bày về việc duyệt chi, đề nghị chi và sử dụng tiền được chi trong tổng số 9,1 tỉ đồng từ quỹ trái phép (QTP) ở Nông trường Sông Hậu (NTSH).

Đối với ngôi nhà số 22 đường Đinh Tiên Hoàng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được mua hóa giá cho bị cáo Trần Ngọc Sương, với số tiền từ QTP là 246,4 triệu đồng, thì đại diện Viện KS dành nhiều thời gian trong phần thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan để làm rõ ai là người chỉ đạo, đề xuất mua nhà cho bị cáo Sương và khi sử dụng nguồn tiền QTP để mua nhà, bị cáo Sương có biết không? Kết quả, những người được thẩm vấn khai nhận có sự thống nhất bàn bạc trong tập thể và BCH-CĐ có biên bản cùng đề xuất việc mua ngôi nhà này cho bị cáo Sương, do xét thấy bị cáo nhiều năm công tác tại nông trường (NT) là Anh hùng Lao động, chưa được hưởng chính sách nhà ở,…

HĐXX cũng thẩm vấn để làm rõ trong tổng chi từ 9,1 tỉ đồng QTP (trong 6 năm: từ đầu năm 2001 đến cuối 2007) thì theo cáo trạng GĐ Trần Ngọc Sương trực tiếp duyệt chi trên 4,1 tỉ đồng; PGĐ Trương Hồng Nhung trực tiếp duyệt chi hơn 2,9 tỉ đồng (trong đó có phần chi cho bị cáo Sương: mua nhà là 246,4 triệu đồng, mua quà tết và sinh nhật 129,3 triệu đồng; chi lương kiêm nhiệm cho ông Trần Ngọc Hoằng 254,4 triệu đồng – dù ông Hoằng qua đời từ năm 2000); còn kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng chỉ đạo cho thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn chi theo lệnh của GĐ Sương và PGĐ Nhung hơn 2 tỉ đồng,... Hầu hết các bị cáo phụ trách tài vụ đều đổ trách nhiệm về việc quyết định mọi khoản chi từ QTP cho 2 bị cáo trong BGĐ NT là Sương và Nhung. Nhưng bị cáo Sương thì khai quỹ Công đoàn (tức quỹ không báo cáo tài chính, được coi là QTP) nhằm chăm lo đời sống CB-CNV thì do PGĐ Nhung và BCH-CĐ theo dõi và quyết định các khoản chi, không liên quan đến bị cáo Sương. Thế nhưng qua thẩm vấn các bị cáo và những người liên quan cho thấy quỹ này nhiều người biết, có nhiều trường hợp được hưởng tiền lương kiêm nhiệm, tiền hỗ trợ cất nhà từ quỹ này nhưng do không báo cáo tài chính, nằm ngoài sổ sách nên việc quản lý khá đơn giản: Tiền ngân sách hay tiền ngoài sổ sách đều do thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn giữ; lúc thì xuất ngân sách, lúc thì chi QTP. Và có khi ngân sách âm quỹ thì mượn tiền bỏ vô chi, có khi chuyển từ QTP qua để chi và thu vào cũng vậy. Và dĩ nhiên, chính vì không phải báo cáo tài chính nên sổ sách giản đơn. Thủ quỹ Sơn tự mở sổ ghi chép các khoản thu chi, không theo mẫu mã qui định; còn kế toán Hoàng Thị Bình cũng thoải mái mang chứng từ, sổ sách về nhà ghi chép, cất giữ, hàng tháng thủ quỹ và kế toán QTP đối chiếu số liệu với nhau, rồi báo cho kế toán trưởng và BGĐ.

Giữa hai loại quỹ: vốn ngân sách phục vụ hoạt động của nông trường và QTP cũng nhập nhằng nên có tình trạng, khi bán các lô đất (có khi mua bằng vốn ngân sách, có khi mua bằng QTP) thì BGĐ NT cũng chỉ đạo nhập vào 2 quỹ này. Tại tòa, bị cáo Sơn khai khi vụ LQTP bị phát hiện, bị cáo Sương đã chỉ đạo cho thủ quỹ Sơn đốt sổ sách. Lời khai này bị bị cáo Sương bác bỏ; còn việc yêu cầu thủ quỹ Bích Sơn (trước giai đoạn Nguyễn Văn Sơn làm thủ quỹ) sửa sổ quỹ tiền mặt năm 1997 từ “mua đất” thành “mua cát” thì bị cáo Sương khai là do bộ phận tài vụ có sự nhầm lẫn nên đã tự điều chỉnh cho đúng, chứ bị cáo không chỉ đạo.

Phần tham gia thẩm vấn của LS Nguyễn Trường Thành, một trong ba LS bào chữa cho bị cáo Trần Ngọc Sương, cũng như các LS bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo khác tại phiên tòa đều tập trung vào hướng chứng minh nguồn hình thành quỹ đời sống (tên gọi ban đầu của QTP) là nguồn thu do NT tự sản xuất (trồng và bán bạch đàn), không theo chỉ tiêu sản xuất mà NT được giao và quỹ này tồn tại từ thời GĐ Trần Ngọc Hoằng, bị cáo Sương cứ thế tiếp tục thực hiện; trong đó có những khoản nợ, khoản chi từ thời ông Hoằng không bị cáo buộc và xử lý.

LS Thành bị HĐXX nhắc nhở nhiều lần vì trong quá trình thẩm vấn đã đặt những câu hỏi, định hướng câu trả lời cho bị cáo như đang bào chữa. LS Thành đã viện dẫn các quyết định của UBND tỉnh (cũ) để nêu ý kiến NTSH là đơn vị được phép hạch toán kinh tế độc lập, thuộc Sở Nông nghiệp, không còn là đơn vị thuộc Sở Tài chính, nên không cần báo cáo cho Sở Tài chính. Đồng thời, đặt nhiều câu hỏi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cùng nguyên đơn dân sự: đại diện NTSH, với mục đích làm rõ việc hiện nay NTSH còn dôi ra hơn 70 ha đất và nhiều tài sản so thời điểm UBND tỉnh (cũ) giao đất cho NT, để chứng minh việc Viện KS cáo buộc bị cáo Sương bán 4 lô đất nhập QTP hơn 2,6 tỉ đồng thực sự không gây thiệt hại, vì LS cho rằng NT mua một phần bằng vốn tự có, sau đó bán lại có lời và trả vốn ngân sách (nếu có xuất vốn ngân sách), còn lại thì đưa vào QTP, không gây thiệt hại gì.

Chiều hôm qua phiên tòa đã kết thúc phần thẩm vấn. Hôm nay, bước vào tranh luận tại tòa.

LAN HƯƠNG

Chia sẻ bài viết