29/03/2016 - 20:05

Hạn, xâm nhập mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016

Hành động ngay vì một ĐBSCL trù phú

 Thanh Long

Bài 3: Phòng chống hạn, mặn: Cần cấp bách đầu tư cho thủy lợi

Từ một vùng hoang hóa, ĐBSCL giờ đã thành một vùng đất trù phú, đóng vai trò an ninh lương thực quốc gia. Thành công này, phần lớn là nhờ đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi dẫn nước ngọt, rửa phèn, ngăn mặn. Tuy nhiên, đến nay, ở ĐBSCL nhiều công trình đã và đang xuống cấp, không thể phát huy tác dụng. Thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn (XNM), không con đường nào khác hơn là tập trung giải pháp công trình: quản lý, điều tiết hệ thống thủy lợi một cách hiệu quả.

Các dự án ngăn mặn đang ở đâu?

Những năm đầu giải phóng, hàng loạt các dự án ngăn mặn được đầu tư xây dựng dọc khắp miền ven biển Đông, biển Tây thuộc vùng ĐBSCL. Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, toàn ĐBSCL có trên 15.000km kênh trục và kênh cấp I; gần 27.000km kênh cấp II; khoảng 50.000 kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5m, trên 800 cống rộng 2-4 m và hàng vạn cống, bọng nhỏ, trên 1.000 trạm bơm điện lớn và vừa, hàng vạn máy bơm nhỏ để chủ động tưới, tiêu. ĐBSCL đã hình thành hệ thống đê và bờ bao kiểm soát lũ với tổng chiều dài khoảng 13.000km. Vùng ven biển ĐBSCL đã xây dựng 450km đê biển, 1.290km đê sông và khoảng 7.000km bờ bao ven các kênh rạch nội đồng để ngăn mặn, triều cường và sóng bão... Tuy nhiên, hiện nay, nhiều công trình thủy lợi đã không còn khả năng ngăn mặn, giữ ngọt.

Đến trung tuần tháng 3, hầu hết các kênh rạch ở Cà Mau đều kiệt nước, đặc biệt là vùng ngọt hóa Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, U Minh. "Qua kiểm tra, mực nước tại các kênh trục chính, kênh cấp I chỉ còn từ 0,7-1m, các kênh cấp II, cấp III và nội đồng còn từ 0,2-0,5m và nhiều kênh rạch đã cạn khô. Ngoài ra, Cà Mau còn có 18 tiểu vùng Nam Cà Mau và 3 tiểu vùng Bắc Cà Mau chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Do đó, kiểm soát mặn, điều tiết nước phục vụ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn" - ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết. Không chỉ vậy, nhiều nơi có công trình ngăn mặn, nhưng nước mặn vẫn xâm nhập vào trong đồng – thậm chí ngay cả những năm không có đột biến về hạn hán, XNM. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, chủ yếu do: Công tác quản lý các cống ngăn mặn bị sao nhãng. Do hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm hơn hẳn việc trồng lúa nên nhiều vùng ngọt mở cống ngăn mặn để nuôi tôm. Trong khi đó, theo ý kiến của các chuyên gia, khi thiết kế, nhiệm vụ của tất cả các dự án đều phải nêu rõ "ngăn mặn, lấy ngọt", không có kết hợp nuôi trồng thủy sản. Việc người dân mở cống lấy mặn, phá đê cho nước mặn vào đã vô tình làm vô hiệu quả các cống ngăn mặn. "Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi từ trước đến nay còn khá manh mún. Nhiều địa phương tranh thủ làm cống, đắp đê một cách cục bộ. Nhưng, những công trình này mang tính liên vùng chưa? Chưa ai trả lời được! Sóc Trăng và Bạc Liêu gần kề nhau, nhưng có những mâu thuẫn phải ngồi lại với nhau giải quyết. Bạc Liêu thì cần lấy nước mặn cho nuôi trồng thủy sản. Sóc Trăng thì muốn có nước ngọt để trồng lúa. Hai địa phương cứ "dùng dằng"…" – ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nói.

Các công trình đê biển nhiệm vụ chủ yếu là ngăn mặn cũng đã và đang chịu ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu. Dù ngành chức năng hằng năm gia cố, khắc phục nhưng nhiều đoạn đê bị xói mòn, sạt lở. Vào ngày 25-2, triều cường kết hợp gió lớn đã làm vỡ khoảng 50m đê tại đoạn đê K43 thuộc ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuyến đê này còn đoạn xung yếu tại vị trí cống 16 đến đoạn K43, khu vực rọ đá đoạn K41... Tuyến đê bảo vệ bờ biển Tây dài hơn 350km, bắt đầu từ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) kéo dài đến Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) những năm qua cũng được cảnh báo sạt lở nghiêm trọng, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất và đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân.

Cần nguồn đầu tư lớn

 Công trình cống Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: T.LONG

Ứng phó với hạn hán, XNM, nhiều địa phương vùng ĐBSCL tập trung gia cố cống bọng, khai thông kênh rạch... Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện đã và đang quá sức. Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Hệ thống thủy lợi ở Bến Tre chưa khép kín, nhất là các dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hằng năm Bến Tre chịu tác động của XNM, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Bến Tre đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ 192 tỉ đồng đầu tư khẩn cấp các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ sản xuất; các công trình đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân và nâng cấp, sửa chữa đê bao tạm vùng cây ăn trái, các cống, nạo vét kênh mương… Về lâu dài, Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí để đầu tư một số dự án ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh, như: Dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án Nam Bến Tre, Dự án hỗ trợ hạ tầng gây bồi, tạo bãi rừng phòng hộ…

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: Trong tháng 3, sẽ có thêm 9.230ha lúa hè thu sớm bị thiệt hại từ 30-50% và trên 11.770 ha bị thiếu nước tại các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, phía Nam thị xã Kiến Tường, ven sông Vàm Cỏ Đông huyện Đức Hòa, phía Bắc huyện Bến Lức. Trong tháng 4, sẽ có khoảng 5.400ha lúa hè thu sớm tiếp tục bị thiệt hại từ 30-50% và khoảng 20.000ha có khả năng thiếu nước ở các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường, ven sông Vàm Cỏ Đông huyện Đức hòa, Đức Huệ, phía Bắc huyện Bến Lức, phía Bắc huyện Thủ Thừa… "Đề nghị Bộ NN&PTNT cho nạo vét các công trình để phục vụ sản xuất vụ hè thu 2016 và các năm tiếp theo với các trục kênh chính, như: hệ thống thủy lợi Nhật Tảo – Tân Trụ, hệ thống thủy lợi Trị Yên – Rạch Chanh, hệ thống thủy lợi Đôi Ma-Mồng Gà, xây dựng cống Bà Hai Màng, cống Rạch Chùa, cống Cầu Chùa… Tổng kinh phí ước khoảng 60 tỉ đồng" – ông Nguyễn Văn Được đề nghị. Tỉnh Kiên Giang đề nghị hỗ trợ khoảng 5.500 tỉ đồng xây dựng hệ thống cống hoàn chỉnh để khép kín tuyến đê biển từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh). Tỉnh Đồng Tháp đề nghị hỗ trợ 80 tỉ đồng nạo vét cấp bách 21 công trình kinh mương bị cạn kiệt…

Trạm bơm điện ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, góp phần chủ động tưới tiêu cho hàng trăm héc-ta đất trồng lúa của HTX Nông nghiệp Phước Trung. Ảnh: T.LONG

Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: Hệ thống thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống hạn hán, XNM. Tại ĐBSCL, thời gian qua nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa, nuôi thủy sản… đã được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu, nhất là chủ động nguồn nước để phòng, chống hạn, mặn một cách hiệu quả. Hạn hán, XNM lịch sử lần này cho thấy nhu cầu hoàn thiện hệ thống thủy lợi cho vùng ĐBSCL vô cùng cấp bách. Từ nay đến năm 2020 sẽ ưu tiên bố trí đầu tư một số hạng mục công trình để phát huy hiệu quả, đưa vào sử dụng phòng, chống hạn hán, XNM. Điển hình như: Đê ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) dài 30km; trạm bơm cống Xuân Hòa (Tiền Giang), cống Thủ Cựu (Bến Tre)… Đặc biệt sẽ ưu tiên bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án quan trọng có tính chất liên vùng. Bao gồm: cống Cái Lớn – Cái Bé; cống Tha La – Trà Sư; Âu Ninh Quới với hệ thống chuyển nước cho Nam quốc lộ 1A; sạt lở bờ Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau; hệ thống Nam Bến Tre...

"Bức tranh" về dòng vốn cho thủy lợi sẽ sáng hơn?

Theo Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng giai đoạn 2012-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi khoảng 90.000 tỉ đồng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2015 đã bố trí khoảng 16.500 tỉ đồng; dự kiến giai đoạn 2016-2020 các nguồn đã rõ khoảng 32.000 tỉ đồng. Như vậy, nhu cầu tối thiểu đến năm 2030 cần khoảng 42.000 tỉ đồng, chưa kể nhu cầu vốn cho trồng rừng ngập mặn, bố trí dân cư, vốn bổ sung sau khi có quy hoạch vùng. Ngoài ra, do diễn biến của biến đổi khí hậu phức tạp, nhanh hơn dự báo; đồng thời, nhiều công trình đã được đầu tư song chưa đồng bộ nên chưa phát huy hiệu quả đầy đủ. Vì vậy sẽ phát sinh thêm một số dự án cần đầu tư sớm, đẩy nhanh thực hiện ngay trong những năm tới. "Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính tìm nguồn, nhất là nguồn vốn ODA, trái phiếu Chính phủ… Từ đó, đầu tư trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở rà soát các dự án đầu tư dở dang, sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí vốn tập trung, dứt điểm, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác sử dụng có hiệu quả. Ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt là bố trí vốn cho các dự án dở dang, vốn đối ứng cho các dự án ODA chuyển tiếp, các dự án cấp bách khởi công mới…" – ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, đến nay, ĐBSCL đã có bản đồ và dự báo XNM mùa khô năm 2015-2016 với vùng nhiễm mặn thường xuyên, vùng nhiễm mặn lớn, vùng có thể ảnh hưởng XNM lớn. Nên xem đây là bước đệm để quy hoạch tổng thể vùng với những vùng sản xuất chuyên biệt. Từ đó, các địa phương cần bám sát thực hiện và quản lý nghiêm theo các quy hoạch được duyệt; đảm bảo đồng bộ, phù hợp giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành khác để khai thác các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế.

***

ĐBSCL đang "oằn mình" đối phó với hạn hán khốc liệt, XNM sâu trên diện rộng. Những nguyên nhân, những tác hại và cả những định hướng về giải pháp công trình cũng đã và đang được vạch ra. Nhưng hơn lúc nào hết, theo một số nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, các ngành hữu quan, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ những mô hình ứng phó, thích ứng, nhất là những giải pháp hiệu quả từ nước ngoài và gấp rút nhân rộng phù hợp trong cộng đồng.

(Còn tiếp)

Bài 4: Những mô hình thích ứng đáng học hỏi

Chia sẻ bài viết