21/10/2009 - 07:09

Hai tấm gương vượt khó, học giỏi

Sống trong hoàn cảnh khó khăn, chật vật, cha mẹ người làm thuê, người bán vé số nhưng hai em học sinh này vẫn vượt qua nghịch cảnh, học tập thật tốt để xứng đáng với những gì cha mẹ, thầy cô đã dành cho mình.

 

Tú Nguyên đọc truyện vừa học cho bà ngoại nghe.

1.Cuộc sống bấp bênh do cha mẹ làm thuê, thường xuyên dời đổi chỗ ở từ nơi này đến nơi khác, nhưng 4 năm liền em Bùi Thị Tú Nguyên học sinh lớp 5A Trường Tiểu học An Bình, luôn đạt thành tích học sinh giỏi. Vóc dáng nhỏ nhắn với hai bím tóc xinh xắn, Tú Nguyên nói: “Cả nhà con ở trọ tại khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều, cha đi làm mướn suốt ngày, mẹ mới sinh em bé nên ở nhà không có đi làm nữa”. Trong gian phòng trọ chưa đầy 20m2, chị Hồ Thị Thanh (mẹ Tú Nguyên) loay hoay với đứa con nhỏ, kể: “Nhà nghèo, tôi và anh Tú (cha Tú Nguyên) trước phải lên TP Hồ Chí Minh làm mướn, sau khi Tú Nguyên tới tuổi đi học, chúng tôi về quê ở Hậu Giang sống với bà ngoại nhưng làm mướn không đủ ăn, lại chuyển đến Cần Thơ. Giờ anh Tú làm thợ hàn tiện, tôi thì mắc con nhỏ, chuyện học hành Tú Nguyên phải tự sắp xếp”. Tuy còn nhỏ nhưng Tú Nguyên đã biết phụ mẹ việc nhà. Đi học về ăn uống xong là em quét nhà, dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp bàn học của mình. Rồi thỉnh thoảng lại chạy vào xem mẹ có cần gì thì giúp. Làm mọi việc xong, đúng 19 giờ, Tú Nguyên ngồi vào bàn học, em xem bài kỹ, học bài, làm bài tập đến khoảng 21 giờ là đi ngủ. Từ khi mẹ sinh em bé, nhà có bà ngoại lên ở, mỗi sáng đúng 5 giờ Tú Nguyên thức dậy cùng với bà ngoại dọn dẹp nhà cửa rồi học bài. Hôm thì Tú Nguyên được bà ngoại rang cơm nguội cho ăn, hôm thì ăn cơm với trứng chiên. Đoạn đường từ nhà đến trường gần 1 cây số, sáng chiều Tú Nguyên phải đi bộ, nhưng em không hề than vãn. Tú Nguyên nói: “Thấy vậy chứ không xa đâu, con lội bộ quen rồi!”. Được học tập trong môi trường mới, Tú Nguyên líu lo: “Lúc trước học ở dưới quê, con chưa được học tiếng Anh, lên đây được học tiếng Anh, con thích lắm. Cuối năm rồi, con có giấy khen về môn tiếng Anh đấy! Chị Thanh tâm sự: “Giờ tôi sinh cháu thứ 2, thời gian lo cho Tú Nguyên không được nhiều, nhưng cháu vẫn ý thức được việc học tập của mình. Tội nghiệp lắm, đợt rồi cháu lãnh học bổng được 400.000 đồng, mua được cái cặp da, tiền còn lại đưa cho tôi, kêu mẹ để dành mua đồ cho em. Hai vợ chồng tôi giờ ráng lo cho cháu đi học, thấy mình không học đã khổ nên sợ con mình sau này khổ như mình”. Bà Dương Thị Búp (ngoại Tú Nguyên) bộc bạch: “Cha Tú Nguyên đi làm mỗi ngày được vài chục ngàn đồng, lớp tiền nhà trọ, tiền lo cho Tú Nguyên, giờ nhà có thêm con nhỏ, khổ trăm bề... Quần áo, sách vở của Tú Nguyên phần thì người ta cho, phần thì mượn. Thấy hai vợ chồng làm không đủ ăn, lâu lâu tôi lại gởi gạo lên cho. Dù vất vả thế nhưng hai vợ chồng cũng quyết cho Tú Nguyên đi học đàng hoàng”. Nói về ước mơ của mình, Tú Nguyên nói: “Con mong muốn học thật giỏi sau này đi làm, nuôi cha mẹ, em con và bà ngoại nữa. Con thích nhất là được vẽ tranh, ước mơ trở thành họa sĩ!”.

Cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm của Tú Nguyên, nhận xét: “Tú Nguyên có hoàn cảnh khó khăn nhưng học rất giỏi, trong lớp em luôn năng nổ phát biểu ý kiến, tiếp thu bài rất nhanh. Nhà trường có học bổng thường quan tâm, xem xét đến trường hợp của Tú Nguyên”.

Quốc Huy (bìa phải) cùng với mẹ và em trai.

2. Tuy cả nhà không phải ở trọ nhưng hoàn cảnh của em Nguyễn Quốc Huy, sống ở hẻm 5, đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, học sinh lớp 7A Trường THCS Trần Hưng Đạo cũng khó khăn không kém gia đình Tú Nguyên. Đã học lớp 7 rồi mà Huy nhỏ con như cậu bé lớp 5. Huy kể: Trước đây ba con chạy xe ba gác, mẹ đi bán vé số, nhà đỡ vất vả hơn. Nhưng sau này xe ba gác bị cấm, cha con phải kiếm việc khác làm, khi thì đi đẩy hàng hóa, hoặc ai mướn gì làm nấy. Nhà chỉ còn con và mẹ đi bán vé số, đến năm nay mẹ cũng kêu con nghỉ bán, tập trung vào việc học. Cứ mỗi buổi sáng sau khi lo các con xong, chị Trần Thị Xinh (mẹ Huy) lại đi bán vé số. Chị Xinh nói: “Nhà khó khăn, cha Huy việc làm bấp bênh. Huy biết lo cho gia đình lắm, thấy nhà khổ nó cũng xin theo tôi đi bán vé số dạo”. Huy nói: “Lúc trước, ngày đi học một buổi, còn một buổi con chia vé số với mẹ đi bán, riết con quen dần các ngã đường. Tối về phụ mẹ làm việc nhà rồi tranh thủ học bài”. Anh Nguyễn Thanh Quốc (cha Huy) nói: “Tôi với mẹ Huy chữ nghĩa không bao nhiêu. Từ lớp 1 đến giờ, Huy mày mò tự học, không phải đợi cha mẹ nhắc nhở”. Chị Xinh tâm sự: “Nhiều lúc nhà túng thiếu, sáng tôi phải đi bán một vòng mới có tiền mua đồ ăn cho các con. Còn em của Huy giờ 5 tuổi đã gởi đi nhà trẻ, chứ lúc trước khổ lắm, nay phải gởi nhà này, mai gởi nhà khác, để tôi rảnh tay đi bán vé số. Hai vợ chồng tôi thấy năm nay Huy lên lớp 7 rồi, bài vở cũng nhiều hơn nên kêu nghỉ bán vé số, để chuyên tâm vào việc học”. Huy cho biết: “Giờ nghỉ bán vé số, con sẽ cố gắng học tốt hơn, thời gian ở nhà con giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm để trưa cha mẹ về ăn. Cô Lê Thị Lan Phương, giáo viên chủ nhiệm của Huy nói: “Tôi mới chủ nhiệm Huy năm nay nhưng trong lớp thấy em ngoan hiền, năng nổ trong học tập, hòa đồng với các bạn chung lớp. Biết hoàn cảnh em khó khăn nên tôi cũng thường xuyên động viên gia đình nên cố gắng lo cho em học tốt”.

Còn cô Lê Thị Thúy, giáo viên tổng phụ trách, kể: “Tôi nhớ như in cái ngày Huy mới chuyển lên học lớp 6, lúc gần đóng học phí, em gặp tôi nói: Cô ơi cho con nợ học phí, đợi vài bữa mẹ con lo đủ tiền con sẽ đóng cho cô, nghe xong tôi thấy nghẹn lời. Sau đó nhà trường mới tìm hiểu, biết nhà Huy rất khó khăn nên khi nhà trường có học bổng thường ưu tiên xét trường hợp của Huy. Chúng tôi thấy Huy rất có chí trong học tập, dù đi bán vé số nhưng em vẫn đảm bảo học tốt, không sa sút. Đó là điều rất đáng quý ở em”.

Huy tâm sự: “Con sẽ cố học thật giỏi để trở thành bác sĩ, sau này có thể khám chữa bệnh cho người nghèo. Vì con thấy có người bệnh vì nghèo không có tiền chữa bệnh rất khổ”.

Cố gắng học tập tốt để sau này có trách nhiệm chăm lo cho gia đình và sống có ích cho xã hội là ước mơ thật giản dị của Tú Nguyên và Quốc Huy. Dù hiện tại phía trước các em còn quá nhiều thử thách phải vượt qua nhưng tin rằng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của bản thân, sự động viên của gia đình, sự quan tâm, chia sẻ của địa phương và nhà trường, đoàn thể, thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm sẽ giúp các em vượt qua các trở ngại trong cuộc sống để vươn lên thực hiện được ước mơ của mình.

Bài, ảnh: Phi Yến

Chia sẻ bài viết