21/04/2009 - 08:46

Hạ hồi phân giải !

Cộng hòa Czech, nước đang giữ ghế chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), vừa thông báo sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa EU và 6 nước cộng hòa từng nằm trong “không gian Xô-viết” vào ngày 7-5 tới nhằm phát động một chương trình đầy tham vọng gọi là Đối tác phương Đông, theo sáng kiến được Ba Lan và Thụy Điển đưa ra hồi năm ngoái. Đối tác phương Đông ban đầu chỉ nhằm cạnh tranh với sáng kiến thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ Địa Trung Hải (mà nhiều người cho là bất khả thi) của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhưng sau đó nó được xem như một biện pháp tranh giành ảnh hưởng với Nga, nhất là từ sau “cuộc chiến 5 ngày” ở Gruzia hồi tháng 8 năm ngoái. Theo một nhà ngoại giao Thụy Điển, cuộc khủng hoảng khí đốt tại Ukraina và vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản ở Moldova là hai nguyên nhân mới thúc giục EU phải can dự vào khu vực phía Đông này. Còn Ngoại trưởng Czech Alexandr Vondra tuyên bố mục tiêu chiến lược của EU trong việc tăng cường hợp tác và viện trợ cho Armenia, Azerbaijan, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraina là nhằm giúp họ “đảm bảo chủ quyền, độc lập, dân chủ và cải cách kinh tế thị trường”.

Tuy nhiên, các nước này dường như không mấy mặn mà hay có cùng động cơ khi tham gia chương trình Đối tác phương Đông. Cụ thể, Azerbaijan và Armenia chỉ hy vọng chương trình này giúp họ có thêm cơ hội mở rộng thương mại và tìm kiếm việc làm tại EU. Gruzia, Ukraina và Moldova thì lo ngại chương trình này không nằm trong tiến trình gia nhập EU của họ. Belarus và gần đây là Moldova thậm chí nghi ngờ rằng EU có thể tìm cách can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của nước mình.

Chính vì thế, để chứng minh “động cơ trong sáng” của chương trình Đối tác phương Đông, EU quyết định “làm lơ” vấn đề nhân quyền của Belarus khi gởi thư mời Tổng thống Alexander Lukashenko, người bị Mỹ và phương Tây gọi là “nhà độc tài cuối cùng tại châu Âu”, đến tham dự hội nghị. Nếu ông Lukashenko nhận lời sang Czech thì đó là một sự kiện gây tranh cãi lớn trong lòng EU, bởi nhà lãnh đạo này vẫn còn bị EU cấm vận ngoại giao.

Theo các nhà phân tích, dù không mấy mặn mà nhưng 6 nước kể trên cũng không dại gì từ chối tham gia chương trình Đối tác phương Đông, vì biết đâu đây là cơ hội họ nhận được viện trợ nhiều hơn từ EU, mà điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng. Tuy nhiên, vấn đề là liệu EU có dám hào phóng vung tiền nhằm lôi kéo các nước đó vào phạm vi ảnh hưởng của mình trong thời điểm mà chính khối này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn? Câu hỏi này chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Le Monde)

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Monde)

Chia sẻ bài viết