31/01/2009 - 07:58

Giữ vững bản lĩnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, vững bước đi lên

 

Đầu Xuân Kỷ Sửu 2009, đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Tạp chí Cộng sản xung quanh những vấn đề về kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng. Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn này.

* Biên tập viên Tạp chí Cộng sản (BTV): Xin chân thành cảm ơn Tổng Bí thư đã dành cho Tạp chí Cộng sản cuộc phỏng vấn này. Thưa đồng chí, năm 2008 đã khép lại với những ấn tượng tốt đẹp về sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và những kết quả rất đáng ghi nhận đạt được trong cuộc phấn đấu “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý”. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu khác thấp hơn so với dự kiến của kế hoạch điều chỉnh. Xin Tổng Bí thư cho biết nhận xét của mình về vấn đề này.

- Tổng Bí thư: Để đánh giá đúng những cố gắng và kết quả đạt được, cần đặt vấn đề này trong bối cảnh tình hình cụ thể. Năm 2008, chúng ta thực hiện kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động hết sức phức tạp và khó lường. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm khốn đốn nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, thậm chí một số quốc gia có tốc độ tăng GDP giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hàng chục năm lại đây. Đồng hành với nó là tình trạng phá sản của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, kéo theo nạn thất nghiệp tràn lan... Tình hình đó đã tác động rất bất lợi tới các nước, nhất là các nước đang phát triển và kém phát triển, trong đó có nước ta.

Trong nước, cùng với việc khắc phục những khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế, chúng ta phải đối mặt với không ít thách thức như thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và kéo dài, nhất là lũ lụt lớn, quy mô rộng trên phạm vi cả nước, gây tổn thất nặng nề về người và của... làm suy giảm đà phát triển kinh tế đất nước, gây nhiều khó khăn đối với đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Có đặt trong bối cảnh ấy mới thấy được những cố gắng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là to lớn; những kết quả đạt được là đáng ghi nhận, và trong một chừng mực nhất định, có thể nói là khá toàn diện. Lạm phát chẳng những kiềm chế được về tốc độ mà còn nằm trong vòng kiểm soát. Ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 6,23% tuy thấp so với nhiều năm trước, nhưng nếu so với tương quan mặt bằng của nhiều nước khác, thì đó vẫn là mức tăng trưởng khá cao.

Khẳng định điều đó không có nghĩa là chúng ta không thấy hết nhiều mặt yếu kém, khó khăn và tồn tại, cả về dự báo tình hình, về chỉ đạo và quản lý, điều hành cũng như sự chấp hành thông suốt của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở. Nếu không có những thiếu sót ấy thì kết quả và những chỉ tiêu đạt được còn có thể cao hơn.

* BTV: Thưa đồng chí, trong quá trình lãnh đạo của mình, đặc biệt là về kinh tế, nhiệm vụ trung tâm, trong năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương đã có những quyết sách gì?

- Tổng Bí thư: Trong vòng hơn sáu tháng, từ tháng 4 đến tháng 10, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã 3 lần ra Kết luận và Nghị quyết về kinh tế – xã hội. Nội dung là chủ động đánh giá tình hình, nhìn thẳng vào sự thật, kịp thời đưa ra những quyết sách ứng phó, quyết tâm đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, thách thức. Ngày 14-4-2008, Bộ Chính trị ra Kết luận số 22-KL/TW về tình hình kinh tế – xã hội quý I, chủ trương chuyển hướng một số nhiệm vụ trọng tâm. Đến giữa năm, Hội nghị Trung ương 7 ra nghị quyết chỉ đạo thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 6 tháng cuối năm. Đầu tháng 10, Hội nghị Trung ương 8 lại dành gần như toàn bộ chương trình nghị sự cho việc đánh giá tình hình năm 2008 và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2009.

Trên cơ sở các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nói trên, Quốc hội, Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình và đưa ra các quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chuyển hướng một số nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời điều chỉnh cần thiết một số mục tiêu tăng trưởng cho phù hợp với tình hình mới. Lần thứ nhất, vào đầu quý II, đã chuyển nhiệm vụ trọng tâm từ tăng trưởng cao (8,5% đến 9%) sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; trong đó, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Lần thứ hai, vào cuối năm, lại chuyển mục tiêu ưu tiên hàng đầu từ kiềm chế lạm phát sang ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.

Kết quả đạt được trong năm 2008 như tôi đã nói trên, cần nhấn mạnh rằng, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, thì sự quản lý và điều hành của Chính phủ cũng rất quyết liệt và năng động. Tám nhóm giải pháp đề ra trước đây nhằm kiềm chế lạm phát và 5 nhóm giải pháp hiện nay cho việc ngăn chặn suy giảm kinh tế đều là những giải pháp kiên quyết, kịp thời và có tính khả thi. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế đồng thuận ủng hộ và thực hiện một cách tích cực các chủ trương của Đảng và Chính phủ là rất đáng biểu dương. Thực tiễn năm 2008 một lần nữa chứng tỏ rằng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội luôn là ba trụ cột vững vàng của hệ thống chính trị nước ta.

BTV: Thưa đồng chí, phải chăng trước mắt chúng ta, những khó khăn và thách thức còn rất lớn?

- Tổng Bí thư: Đúng như vậy! Tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng tuy được kiểm soát, nhưng vẫn còn rất cao. Bội chi ngân sách còn lớn. Ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội còn tiềm ẩn những mối đe dọa. Đáng chú ý là đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và vùng bị thiên tai gặp nhiều khó khăn. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm chưa đạt được kết quả như mong đợi. Công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy quản lý các cấp còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Đó là những vấn đề tồn tại của năm trước, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực khắc phục trong năm tới.

BTV: Xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt trong các nhiệm vụ cách mạng. Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Đồng chí đánh giá như thế nào về việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng hiện nay?

- Tổng Bí thư: Xây dựng Đảng ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng vừa là đòi hỏi chính đáng của xã hội, vừa là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Chỉ có như vậy, Đảng mới thật sự xứng đáng với sự ủy thác của nhân dân để lãnh đạo đất nước. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X vào đầu năm 2008 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” là một nghị quyết rất quan trọng. Bởi lẽ, tổ chức cơ sở đảng có vị trí đặc biệt trong hệ thống tổ chức của Đảng, nơi trực tiếp đem chủ trương đường lối của Đảng đến với nhân dân, tổ chức thực hiện những chủ trương, đường lối đó trên địa bàn cơ sở, đồng thời đem tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân phản ánh với Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người trực tiếp thực hành những công việc của Đảng. Chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là xây dựng Đảng từ tế bào, xây dựng cầu nối bền vững giữa Đảng với nhân dân. Nghị quyết đã đánh giá sát, đúng thực trạng tình hình tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay; làm rõ ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc, bất cập ở cơ sở; đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện trong những năm tới.

Quan điểm nhất quán là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở cơ sở. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Lấy hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở làm thước đo kết quả tổng hợp của công tác xây dựng Đảng.

Sau một năm thực hiện, Nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống với những chuyển biến tích cực. Nhiều tổ chức cơ sở đảng giữ vững kỷ cương, hoạt động có nền nếp, thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo, tổ chức nhân dân phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Có nhiều tấm gương điển hình của cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên là cấp ủy đã tự giác nhận khuyết điểm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với mình. Những biến chuyển đó bước đầu tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào việc thực hiện nghị quyết.

Năm 2009 và những năm tiếp theo, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, kết hợp chặt chẽ công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, đưa từng cơ sở vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội X của Đảng.

BTV: Với tư cách Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, xin đồng chí sơ bộ đánh giá hai năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

- Tổng Bí thư: Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Đảng và toàn xã hội từ ngày 3-2-2007, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Gần hai năm qua, với nhiều cố gắng trong việc triển khai, Cuộc vận động đã trở thành sinh hoạt chính trị sâu rộng trong xã hội, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia và thu được nhiều kết quả tốt.

Trước hết, đó là sự chuyển biến khá rõ về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ hai, đó là việc tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tuy chưa đều, nhưng ở tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực công tác đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc đã lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu. Quan hệ giữa các cơ quan công quyền và cán bộ với nhân dân có nhiều tiến bộ. Trách nhiệm trong công tác của cán bộ, công chức được nâng cao hơn. Nhiều phong trào xã hội thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong xã hội, giúp nhau vượt qua khó khăn thể hiện rõ hơn. Những chuyển biến tích cực này đã góp phần khắc phục một bước suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Tuy nhiên, kết quả làm theo chưa thực rõ, chưa đều, nhiều nơi phong trào còn mang tính hình thức, thiếu tính cụ thể, thiết thực.

Trong năm 2009 cũng như nửa nhiệm kỳ khóa X còn lại, cần tiếp tục đẩy mạnh và đưa vào chiều sâu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự thống nhất nhận thức ngày càng cao và tự giác trong Đảng, trong xã hội, lấy tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm chuẩn mực đạo đức chung, là thước đo phẩm chất cán bộ, đảng viên và của mỗi người dân. Đồng thời tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong “làm theo”. Cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mỗi cấp, mỗi ngành, từng cơ quan, đơn vị tới cá nhân, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào công tác, cương vị được giao hoặc công việc đang làm mà cụ thể hóa các chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức Hồ Chí Minh thành nền nếp trong công tác, thành chương trình hành động cụ thể. Cứ mỗi ngày, mỗi người, mỗi tổ chức tăng thêm một việc tốt, giảm đi một việc tiêu cực thì toàn xã hội sẽ có chuyển biến tốt hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống theo tấm gương của Bác. Đó chính là biểu hiện sức sống của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đó cũng là mục tiêu mà chúng ta hướng tới để xây dựng văn hóa và con người, lấy văn hóa làm một động lực cho phát triển kinh tế, xây dựng Đảng.

* BTV: Nhân dịp xuân mới Kỷ Sửu, đồng chí Tổng Bí thư có thông điệp gì gửi tới toàn Đảng và toàn dân?

- Tổng Bí thư: Năm 2009 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội X. Chúng ta phải đối mặt với một năm được dự báo là có nhiều khó khăn hơn cả năm 2008 vừa qua, những khó khăn và thách thức do những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta và đặc biệt do sự tác động mạnh của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp và biến động khôn lường.

Với bản lĩnh chính trị của Đảng, từ những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong điều hành nền kinh tế trong năm 2008, từ sự ổn định chính trị - xã hội và các nguồn lực khác của đất nước, chúng ta có đủ cơ sở tin tưởng rằng, năm 2009, chúng ta sẽ tiến lên hoàn thành tốt những mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Mỗi cấp, mỗi ngành, từng cơ quan, doanh nghiệp và mỗi người, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ đơn vị, chức trách được giao, công việc đang làm, hãy cùng lắng nghe và nhận thức rõ tiếng gọi bứt lên thiêng liêng của đất nước trong thời kỳ hội nhập; bằng tình yêu Tổ quốc, nỗ lực cao nhất, hãy giữ vững bản lĩnh chính trị, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng 79 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; bám sát Nghị quyết Trung ương 9, gắng sức hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2009... đoàn kết cùng nhau đưa đất nước vững bước tiến lên. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc đối với mỗi chúng ta không chỉ trong năm 2009 mà trong cả năm 2010 sắp tới, nhằm thẳng vào các mục tiêu của Đại hội X, đưa nước ta vào hàng ngũ các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xuân mới Kỷ Sửu, thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc các đồng chí, đồng bào cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

* BTV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư!

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết