28/02/2008 - 21:56

Gian nan nghề bới rác

Hầu như ngày nào bà cụ này cũng quảy bao đi khắp các con đường, ngõ hẻm lượm rác để mưu sinh. Ảnh: B.A

Họ là những người sống cảnh nhà trọ, không có nghề nghiệp ổn định. Công việc hàng ngày của họ là lang thang nhặt nhạnh những thứ rác thải: bọc ni - lông, vỏ lon, chai lọ... để đổi lấy chén cơm, manh áo. Với mong ước cuộc sống sẽ tốt hơn trong tương lai nên bất kể đêm hay ngày, ở đâu có rác là nơi đó có họ.

Chị T.T.N. quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lên TP Cần Thơ ở nhà trọ đã 12 năm. Gia đình chị (2 vợ chồng, 2 đứa con) hiện ở trọ tại khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Hai con chị đang đi học, đứa học lớp 9, đứa lớp 11. Chồng chị làm phụ hồ bữa có việc làm, bữa không nên chị phải đi lượm rác để tiếp chồng nuôi con. Mới 4 giờ sáng chị N. đã phải cầm bao rảo quanh các con đường, hẻm để lượm vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn ở các hàng quán và lục lọi từ mấy bọc rác của người dân để trước nhà trong thời gian chờ xe rác đến vận chuyển đi. Chị N. nhặt rác đến 9-10 giờ trưa thì về nhà lo cơm nước, đến 5 giờ chiều các hàng quán dọn dẹp có rác, chị N. lại đi lượm rác tiếp. Sau đó, đợi đến hơn 22 giờ đêm các quán cóc vỉa hè, lề đường, góc hẻm dọn nghỉ thì một lần nữa chị N. lại tranh thủ lượm rác để kiếm thêm thu nhập. Các vật dụng phế thải bán được, chị N. đem về nhà để trưa hay sáng sớm có xe mua ve chai đi ngang thì bán.

Chị N. tâm sự: “Tui biết nghề này có thể gặp nhiều bệnh về sau nhưng nếu tui không đi lượm rác thì sao có thêm ít tiền lo cho 2 đứa con đang ăn học. Lúc trước, 2 vợ chồng tui cũng là công nhân, một tháng kiếm được mỗi người vài trăm ngàn đồng, 2 con còn nhỏ nên gia đình còn xoay xở được. Hiện tại, các con tui đã lớn, tiền ăn học càng nhiều hơn. Vợ chồng tui lại mất sức lao động, tui thì bị viêm giác mạc, mắt mờ không còn làm công nhân may được nữa, còn chồng tui bị chấn thương sọ não sau một tai nạn giao thông, giờ đầu óc chẳng còn minh mẫn như xưa. Tui không đi lượm rác thì chồng, con sẽ ra sao đây?”. Chị N. cho biết, lượm rác một ngày bán kiếm được vài chục ngàn đồng, có bữa hên thì kiếm bạc trăm ngàn. Nhưng điều làm chị nhiều khi cảm thấy buồn tủi là có một số người giả đò lượm rác để lấy cắp tài sản của người khác, nhất là lợi dụng buổi trưa mọi người nghỉ ngơi, sơ hở, cửa mở, để lẻn vào trộm cắp. Vì thế, có lần thấy chị vừa tới sau, nhiều hộ nghi ngờ chị là đồng bọn của bọn trộm nên họ xua đuổi không cho lượm rác. Những lúc như vậy chị đã giải thích hết lời, có người hiểu thì không sao, người không hiểu xua như đuổi tà, chị chỉ còn biết bước đi mà rớt nước mắt.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến căn nhà tạm của chị T.T.K.L. Hằng ngày khi trời vẫn còn tối, chị L. đã tất tả đi bới rác, để lại vài đồng bạc lẻ cho 2 đứa con ăn xôi. Có hôm chị thức dậy làm hai con tỉnh giấc, chúng đòi theo, thế là 3 mẹ con cùng nhau đi bới rác. Quê của chị L. ở xã Tân Quới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, do làm ăn thất bại nên chị xuôi ngược về Cần Thơ tìm kế sinh nhai. Lúc đầu có vốn, chị đi bán vé số, thời gian sau do bị bệnh không đi bán được, hết vốn, chị phải đi bới rác đến giờ. Đứa con trai lớn của chị 12 tuổi phải bỏ học do chị không đủ điều kiện cho con đến lớp. Người chồng bỏ đi, một nách 2 con, chị phải quần quật lao động kiếm sống nhưng gia cảnh của mẹ con chị hết sức chật vật.

Đã khá lâu, chị L. chưa về thăm quê, vì không có tiền chi phí tàu xe. Chị kể: “Nhiều khi 3 mẹ con đi bới rác, ngang qua trường mẫu giáo đứa con gái út đòi đi học, nói muốn vào lớp với các bạn mà tôi ứa nước mắt”. Những lần chị đi bới rác đến trưa 2 đứa con ở nhà cứ ra trước cửa ngóng mẹ về. Thường chị hay xin vào những khu vui chơi giải trí quét dọn, để con mình có điều kiện chơi đùa. Nhiều khi chị đi lượm rác ban ngày vất vả, đêm về nhức mỏi hết cả người, không sao chợp mắt được, nghĩ về tương lai mờ mịt của 2 đứa con, chị nhủ lòng phải cố gắng làm việc. Người dân ở đường Lê Lợi, tổ 10, khu vực 1, phường Cái Khế đã quen thuộc với âm thanh phát ra từ chiếc xe đạp cà tàng của chị vào mỗi buổi sáng tinh sương. Có khi chiếc xe giở chứng hư giữa đường, báo hại chị phải lội bộ cả gần chục cây số để đi bới rác. Chị L. luôn mong có một mái ấm đàng hoàng và có một công việc ổn định để có thể nuôi dạy 2 đứa con ăn học nên người.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đẹp, Phó Chủ tịch UBND phường Cái Khế, nói: “Người dân trong phường còn hơn mấy trăm hộ nghèo, chúng tôi lo chưa xuể, cũng muốn giúp những người nghèo làm nghề bới rác, thu nhặt phế liệu nhưng chưa có khả năng. Nếu giúp bằng cách đứng ra tín chấp cho họ vay vốn, họ không chỗ ở ổn định, lỡ bỏ đi chỗ khác thì biết đường nào mà lần. Lúc đó, UBND phường đứng ra gánh nợ sao nổi”.

Chị Lê Cẩm Thoa, Phó trưởng Phòng Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, cho biết: “Một số người dân ở địa phương không có công ăn, việc làm, gặp khó khăn, sinh sống bằng cách đi lượm rác. Đối với các hộ có hộ khẩu thường trú, sống ổn định ở địa phương, nếu UBND phường đứng ra bảo lãnh thì chúng tôi sẽ cho các hộ dân đó vay vốn làm ăn. Còn các hộ dân tạm trú ổn định từ 6 tháng trở lên thỏa mãn các điều kiện nếu được địa phương xem xét cấp hộ khẩu, xét hộ nghèo thì họ sẽ được các đoàn thể, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ; còn lại những hộ ở tạm trú không ổn định, rày đây mai đó thì chúng tôi chưa có điều kiện giúp đỡ. Vì nếu lỡ một khi họ vay vốn rồi bỏ đi nơi khác, mình không quản lý được, chẳng biết họ đi đâu mà tìm...”.

Kiếm sống bằng “nghề” lượm rác cũng là công việc chân chính. Nhưng đây là công việc không ổn định, về lâu dài có nhiều nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật, sức khỏe bị tổn hao mà chính bản thân người bới rác chưa lường trước được hậu quả. Thiết nghĩ, địa phương và các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn nữa đến các hộ nghèo, khó khăn tạo điều kiện cho họ có công ăn, việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình.

• LIÊN HOA-MINH HOÀNG

 

Chia sẻ bài viết