26/12/2010 - 21:24

Quán cơm 2.000 đồng

Giảm khó khăn cho cho người nghèo

Khó có thể tin một suất cơm giá chỉ 2.000 đồng, nhưng đó là chuyện có thật ở Quán cơm 2.000 đồng, địa chỉ số 8A3, hẻm 3T2, đường 30-4, quận Ninh Kiều. Quán cơm ra đời là nơi tiếp sức để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn no bụng. Giản dị nhưng ân cần, chu đáo, đến đây nhiều người già neo đơn, nhiều bạn trẻ sinh viên không chỉ được bữa cơm giá rẻ mà còn có cảm giác ấm cúng như đang cùng người thân dùng bữa.

* PHỤC VỤ ÂN CẦN

Khách vừa mới ghé, chỉ cần quay xe ngang là đã vào được bãi đậu nhưng em Nguyễn Trung Hiến, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, tình nguyện viên giữ xe của quán cơm, hiền hòa nói: “Để em dẫn xe cho!”. Ở bãi đậu xe, đã có hơn chục chiếc được sắp xếp ngay hàng thẳng lối. Trong căn phòng chừng 60m2, một số nhân viên đang ngắm nghía đặt lại nước chấm để khách tiện sử dụng. Tất cả đều gọn gàng, sạch sẽ. Tôi ngỏ ý muốn vào tham quan nơi nấu ăn, một nữ nhân viên tuổi đôi mươi đưa cho tôi chiếc tạp dề nói: “Anh thông cảm! Ở đây qui định nghiêm lắm, vào nhà bếp phải mặc tạp dề để đảm bảo vệ sinh”. Chị Nguyễn Thị Thúy Hòa, ở quận Ninh Kiều, đang tất bật rửa rau, nói: “Rau đã rửa 2 lần nhưng phải ngâm với nước muối để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho khách”, rồi chị tỉ mỉ lặt lựa từng cọng rau như đang chuẩn bị bữa ăn cho gia đình mình. Trong bếp, em Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên năm thứ 3, ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Cần Thơ, đang trổ tài làm món thịt heo xào mặn với tép. Là con một, được cha mẹ dành hết tình thương, nên từ nhỏ Bích Ngọc chỉ biết ăn học, chớ không biết nấu nướng. Đã 3 năm sống xa nhà nhưng Bích Ngọc ít khi nào nấu ăn, thường là ăn cơm “bụi” cho tiện việc học hành. “Em nấu ăn tệ lắm! Để chuẩn bị cho công việc này, hè vừa rồi, em phải về quê nhờ mẹ dạy cách nấu ăn”- Bích Ngọc khiêm tốn nói. Những vết bỏng ở hai tay vẫn còn mụn nước nhưng em Nguyễn Thanh Huệ, sinh viên Trường Đại học Tây Đô, tỏ ra hào hứng: “Làm ở đây không chỉ đơn thuần là giúp bà con nghèo mà bản thân còn có thêm vốn sống”. Công việc tuy vất vả nhưng trong quán cơm không ngớt tiếng cười, nói vui vẻ của những tình nguyện viên phục vụ, trông họ đều toát lên nguyện vọng cùng nỗ lực vì những hoàn cảnh khó khăn.

 Đông đảo khách đến ăn ở quán cơm 2.000 đồng.

Quán cơm 2.000 đồng phục vụ từ 11 giờ đến 13 giờ vào các ngày chẵn trong tuần. Chưa đến 11 giờ nhưng quán đã đông nghẹt, khách hàng chủ yếu là sinh viên, người bán vé số, lao động thời vụ,... Dù đông nhưng không có cảnh chen lấn, mất trật tự. Tay cầm chiếc gậy, bà Nguyễn Thị Nọ, ở quận Ninh Kiều, bước từng bước chậm chạp, khập khiễng. Bà Nọ chưa đến cửa đã được bạn Nguyễn Văn Út Mười, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Cần Thơ, tình nguyện viên phục vụ của quán, chạy ra dắt bà vào quán và nói như với người thân: “Ngoại ngồi đây, để con đi lấy cơm cho! Cần gì ngoại cứ gọi tụi con!”, rồi Út Mười nhanh chân chạy vào bếp mang cơm ra cho bà.

Nghe quán cơm có giá 2.000đồng/suất, nhiều người hiếu kỳ tìm đến ăn để xem cung cách phục vụ, món ăn như thế nào. Khi ăn xong ra về, ai nấy đều không ngớt lời khen ngợi. Anh Lê Chí Linh, làm việc cho một ngân hàng ở đường 30-4, quận Ninh Kiều, nhận xét: “Tuy giá suất cơm chỉ bằng 1 cây sing-gum nhưng các nhân viên ở đây phục vụ rất chu đáo”.

Chị Hà Thúy Vy, người chịu trách nhiệm quản lý quán cơm cho biết: “Nếu không lấy tiền sợ bà con mặc cảm, tự ti nên chúng tôi đưa ra giá 2.000 đồng/suất cơm. Quán rất coi trọng tác phong phục vụ, đảm bảo “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”.

* MỘT MIẾNG KHI ĐÓI...

Theo anh Nguyễn Hồng Ánh, thành viên trong Ban quản trị trang web Người tôi cưu mang, suất ăn 2.000 đồng là ý tưởng của một thành viên trong diễn đàn Người tôi cưu mang. Hiện quán ăn 2.000 đồng có mặt ở nhiều tỉnh, thành, như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, TP Cần Thơ,... Các thành viên của diễn đàn đang nỗ lực triển khai khắp 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy suất cơm giá chỉ 2.000 đồng nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí về dinh dưỡng, gồm đủ cá, thịt, rau, món tráng miệng. Quán cơm ra đời nhằm tiếp sức cho người nghèo vượt qua khó khăn. Kinh phí hoạt động do các mạnh thường quân, thành viên của diễn đàn đóng góp.

Trong số những người tôi gặp tại quán cơm có em Hà Văn Nhân, quê ở tỉnh Sóc Trăng. Nhân kể: “Nhà em nghèo lại đông anh em, 3 năm học đại học cũng là ngần ấy thời gian em đi làm thuê kiếm tiền phụ gia đình, trang trải chi phí học tập. Năm cuối, em muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập nhưng thỉnh thoảng vẫn đi làm mướn”. Hôm khai trương, Nhân cùng mấy người bạn đến ăn. Sau đó, Nhân tham gia vào nhóm tình nguyện viên phục vụ ở quán. Nhân cho biết: “Do em sắp xếp thời gian hợp lý nên công việc không làm ảnh hưởng đến việc học tập. Ra trường sau này em có việc làm ổn định, em cũng sẽ mở quán cơm giá rẻ ở quê cho bà con nghèo”.

Cụ Lê Văn Thân, bán vé số dạo, nói: “Tôi bán vé số cả ngày, đi hết con phố này đến con phố khác, có khi bán ế phải ăn mì gói qua buổi. Đến đây, đồ ăn cũng chẳng thua kém mấy quán cơm bình dân nhưng giá cực rẻ, tôi có thể tiết kiệm, dành tiền thuốc thang khi trở bệnh”.

Mỗi đợt mở cửa, quán cơm cung cấp 200 suất ăn, nhưng có khi khách đến muộn, quán vẫn rộng cửa chào đón. Chị Thúy Vy cho biết thêm: “Nhiều khi khách đến muộn, dù đã hết giờ phục vụ nhưng chúng tôi vẫn vo gạo, chiên hột vịt làm cơm phục vụ, chứ bà con từ xa đến mình từ chối sao đành”. Theo chị Thúy Vy, tình nguyện viên phục vụ trong quán đa phần là thành viên của trang web Người tôi cưu mang, họ là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết với công tác từ thiện xã hội. Tuy hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhưng tất cả đều cùng suy nghĩ chung tay góp sức làm công tác xã hội để bớt gánh nặng cho người nghèo khó.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết