03/12/2008 - 21:03

Gia đình anh Hùng đang cần giúp đỡ

Anh Trần Thanh Hùng (33 tuổi) quê xã Thanh Xuân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bị bệnh ung thư, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Hiện anh Hùng đang trong cơn nguy kịch...

Nhà anh Hùng đông người, lại ở vùng quê hẻo lánh, gia cảnh nghèo không được học hành đến nơi đến chốn. Là anh thứ 4 trong gia đình lại có sức khỏe, anh lặn lội ra Cần Thơ đi làm mướn lấy tiền phụ nuôi các em nhỏ với cha mẹ. Anh Hùng xin làm vào thuê cho một xưởng nhôm ở khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng. Xưởng nhôm này lại ở gần nhà chị Trần Tuyết Phương nên 2 người quen nhau. Khoảng mấy tháng sau anh chị tổ chức đám cưới.

Sau đó, vợ chồng anh chị dắt nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Hàng ngày, chị Phương giúp việc nhà cho người ta, anh Hùng đi sơn tường thuê, kiếm tiền nuôi con nhỏ và trả tiền trọ. Một hôm đang đi làm, anh Hùng thấy đau rát ở phần kín, chị Phương đi mua thuốc về cho anh uống, cứ như vậy kéo dài vài tháng. Cơn đau dai dẳng, anh không đi làm nổi, liền đi khám thì được bác sĩ báo anh bị ung thư dương vật. Vợ chồng anh quá đau buồn, gia cảnh lại neo đơn, không chỗ nương tựa, đành trở về Cần Thơ sống ở nhà mẹ vợ, chạy chữa thuốc thang.

Chị Phương bón từng muỗng cháo cho chồng để anh  có thể chống chọi lại bệnh tật. 

Ít tiền dành dụm cộng với khoản vay nóng bên ngoài, anh Hùng được đưa đi phẫu thuật nhưng vài tháng sau, căn bệnh lại tái phát. Gia đình lại chạy đôn chạy đáo mượn tiền hàng xóm để phẫu thuật thêm lần nữa nhưng bệnh tình anh Hùng không thuyên giảm, ngày càng nặng hơn. Bác sĩ nói phải vô hóa chất may ra kéo dài sự sống nhưng vì không có tiền nên gia đình đành cho anh về. Trong thời gian khoảng vài tháng trở lại đây thì bác sĩ nói anh không vô được hóa chất nữa vì bệnh quá nặng. Hiện, anh chỉ uống thuốc tây để cầm cự, mỗi ngày tiền mua thuốc khoảng 70.000-80.000 đồng, hôm nào thay băng gạc thì số tiền tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba lần. Chị Phương cho biết: Giờ chồng tôi bị nổi hạch đầy bẹn và đùi, ngày đêm đau nhức không sao chịu được. Kể từ đó anh Hùng phải ngủ ngồi trên giường. Gần đây hàng xóm thương tình cho anh chiếc võng để ngả lưng cho đỡ mỏi. Vết thương hành hạ, anh không ngủ được luôn rên la. Cơ thể sưng vù vì bị tích nước. Mọi sinh hoạt của anh đều do vợ đảm đương, người chị ngày một hao gầy. Mỗi ngày anh Hùng chỉ ăn được vài muỗng cháo.

Chị Phương thời còn con gái cũng chăm chỉ lao động, lúc 14 tuổi nhà nghèo chị phải nghỉ học theo cha của mình là Trần Văn Phước đi làm thuê cho nhà máy gạo gần nhà. Ông Phước là công nhân bốc vác, còn con gái thì may bao. Người cha vì lao động quá sức bị bệnh tai biến, kèm viêm phổi nặng. Khoảng 5 năm nay ông Phước không lao động được, phải nằm một chỗ. Giờ lại tới chồng của chị, nhà có 2 người đàn ông là trụ cột nhưng đều mắc bệnh hiểm nghèo, nguồn thu nhập chính trong nhà hiện do bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết (mẹ chị Phương), hàng ngày rong ruổi các con đường bán vé số dạo. Bản thân bà Tuyết cũng bị bệnh lao đã chữa hết, giờ lại thêm căn bệnh cao huyết áp. Có những lúc đi bán mệt, bà phải nghỉ chân nhà người quen khi nào hết mệt đi bán tiếp. Chị Phương thấy mẹ cực khổ nên muốn ghé vai tiếp mẹ phần nào. Hàng ngày chị chiên bánh tiêu bán ngoài đầu hẻm, vừa tiện chăm sóc cha và chồng. Mọi người sợ lây bệnh nên không ai dám ăn bánh của chị bán, có bữa bánh bị ế, 2 mẹ con chị phải ăn bánh tiêu trừ cơm. Riết chị đành giải nghệ nghề chiên bánh.

Con gái anh chị là Trần Tuyết Ngân (6 tuổi) đang học lớp 1, mỗi khi đi học về Ngân đều chạy đến hỏi xem cha có khỏe không, sau đó khoe những điểm khá, tốt mình đạt được rồi bi bô múa hát, kể chuyện cho cha vui. Chị Phương cho biết: “Tội nghiệp con nhỏ ham học lắm! Hôm nào trời mưa thì mẹ phải đưa đến trường. Con bé đi học được là nhờ hàng xóm người cho quần, áo, dép...”.

Ông Trần Hoàng Sơn, Phó trưởng khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng cho biết: “Gia đình anh Hùng rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Địa phương cũng đã giúp đỡ gia đình anh nhưng khả năng có hạn”.

Để có tiền trị bệnh cho chồng, cho cha, chị Phương phải cầm cố căn nhà đang ở, hiện giờ đang rao bán nhưng chưa ai mua. Hôm chúng tôi đến, bắt gặp ông Phước đang ho sặc sụa trên ghế bố, cùng nắm xôi còn đặt dưới nền gạch. Sáng nay vì quá nôn nóng đi bán vé số, gom góp tiền cho thằng con rể đi nằm viện mà bà Tuyết không kịp nấu cháo đút cho chồng. Với lại nhà cũng hết gạo, bà lấy hai ngàn mua gói xôi cho ông ăn đỡ, nuốt không trôi, nên ông đành để bụng đói. Cha mẹ anh Hùng hàng ngày phải đi lể ốc mướn, tích cóp được vài chục ngàn đồng lại đưa cho con trai thang thuốc. Có khi ông bà phải lội bộ hàng chục cây số ra thăm bệnh con, không dám đi xe ôm vì không có tiền.

Chị Phương nói với chúng tôi trong nước mắt: “Giờ tôi chỉ mong kéo dài sự sống cho chồng, cho cha, vì đó là chỗ dựa tinh thần cho mẹ con tôi. Tôi không muốn con gái tôi mồ côi cha khi còn quá nhỏ”.

M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết