04/06/2010 - 20:37

Gắn bó tình quê

Cán bộ và nhân dân khu vực 6 nâng cấp, sửa chữa đoạn đường bị sạt lở ở hẻm tổ 7.

Năm 2007, khu vực Lợi Dũ A, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được chia tách thành hai khu vực: 5 và 6. Với sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn thể nhân dân, khu vực 6 ngày càng phát triển: đường sá thuận lợi, đời sống người dân được nâng cao, tình xóm giềng thêm khắn khít. Đã ba năm, khu vực 6, phường An Bình được công nhận là “Khu vực văn hóa” và hai năm liền (2008, 2009) được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ tặng Bằng khen “Khu dân cư tiên tiến”.

Kết quả của sự đồng thuận

Nằm dọc theo rạch Cái Sơn, khu vực 6, phường An Bình có 4 tổ nhân dân tự quản: 6,7,8,9 được nối liền bằng trục đường chính rộng 2 m, dài gần 2 km. Trên con đường bê tông khang trang, xe cộ chạy bon bon. Các cây cầu được nâng cấp, mở rộng. Có dịp đi trên đường, màu xanh tươi của những hàng cây hai bên đường cùng với những luồng gió mát từ dưới rạch thổi lên làm người đi đường cảm thấy dễ chịu. Năm 2009, đường hẻm liên tổ 6,7,8,9 này được UBND quận Ninh Kiều trao giải A “Đường, hẻm xanh- sạch- đẹp” trong Liên hoan Các mô hình văn hóa của quận.

Nhà thông tin khu vực 6 là một căn nhà tạm làm bằng cây, tôn cũ. Thế nhưng bên trong vẫn đầy đủ những thiết chế văn hóa và một chiếc ti-vi khá mới. Trưởng khu vực Phạm Văn Suông kể lại: “Lúc chia tách khu vực, nhà thông tin cũ nằm trên địa bàn khu vực 5, còn khu vực 6 chưa có nhà thông tin. Một người dân là Phan Công Hải cho mượn một phần đất rồi cán bộ và bà con mỗi người góp một ít, người góp tiền, người góp vật liệu làm nhà thông tin này. Một số bà con còn tặng nhà thông tin ti-vi, tủ, bàn, ghế... Tuy chưa thật khang trang nhưng nhờ nhân dân hỗ trợ, khu vực đã có nơi làm việc tươm tất”.

Được biết, người dân nơi đây còn rất đồng tâm hiệp lực trong việc thực hiện các công trình giao thông. Do nằm ven kênh rạch nên mỗi khi thủy triều lên xuống, nhiều đoạn đường, cầu cống trong khu vực thường bị sạt lở, lún sụp, ảnh hưởng đến việc đi lại của mọi người. Khu vực tổ chức họp dân vận động đóng góp sửa chữa, nâng cấp những nơi hư hỏng. Bà con rất đồng thuận quyên góp kinh phí và khu vực triển khai thực hiện. Chỉ trong một thời gian, các sự cố cầu đường được khắc phục, để việc lưu thông trên địa bàn thuận lợi, dễ dàng.

Ở khu vực 6 có một cây cầu gỗ rộng khoảng 2 m, dài trên 10 m được bà con gọi vui là “cầu sạt lở tổ 8”. Cán bộ và người dân địa phương kể lại: cuối năm 2007, một đoạn đường ở tổ 8 bị sạt lở nghiêm trọng, đi không được. Ban nhân dân khu vực mượn phần đất bọc sau nhà của hai hộ dân và tổ chức phát quang, san lấp thành lối đi tạm cho nhân dân. Đầu năm 2008, khu vực vận động bà con cùng đóng góp xây dựng một cây cầu ván ngay đoạn đường bị sạt lở. Ai cũng nhiệt tình ủng hộ nên việc quyên góp thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Để tiết kiệm một phần chi phí, khu vực liên hệ xin sườn lan can và ván của cầu Cái Sơn cũ để tận dụng, bà con tham gia lao động. Sau hơn một tháng thi công, với kinh phí làm cầu hơn 38 triệu đồng, cây cầu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan, phấn khởi của cán bộ, nhân dân.

Khó có thể thống kê hết những công trình được khu vực 6 thực hiện với phương châm “tự lực cánh sinh”. Năm 2009, nhân dân đóng góp hơn 32 triệu đồng để xây hố ga, đặt cống thoát nước, nâng cấp đường hẻm tổ 7, khắc phục tình trạng ngập nghẹt trong mùa mưa, mở rộng cầu Rạch Nọc từ 1,1 m lên 2 m, thay ván cầu hẻm tổ 7, làm kè đoạn đường dài 20m có nguy cơ sạt lở ở cuối hẻm tổ 9... Đầu năm 2010, một đoạn đường khác của hẻm tổ 7 dài 165 m tiếp tục được nâng cấp với kinh phí hơn 20 triệu đồng. Cuối tháng 5-2010, khu vực vừa tổ chức khắc phục một đoạn đường sạt lở khoảng 50 m của hẻm tổ 7 bằng cách xây kè, đổ cát đá bằng phẳng. Ông Lê Hồng Thanh, Bí thư chi bộ khu vực 6, cho biết: “Làm xong 50 m đoạn đường này là khu vực đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa những đoạn đường hư hỏng. Sắp tới, khu vực dự kiến nâng cấp mở rộng cầu Rạch Bần vì cây cầu khá nhỏ và thấp”.

Cái tình, cái nghĩa ở vùng ven

Khu vực 6 có đến 85% hộ dân sống bằng nghề nông nên đời sống còn khó khăn. Tuy vậy, nếp sống của bà con nơi đây chan hòa tình nghĩa, tương thân tương ái và đoàn kết.

Khu vực có 281 hộ, trong đó có 8 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo. Bên cạnh sự nỗ lực của các hộ cố gắng vươn lên thoát nghèo, còn có sự giúp đỡ của các đoàn thể, sự chia sẻ, hỗ trợ nhiệt tình của bà con lối xóm. Chị Trịnh Thị Thắm- một hộ nghèo- kể lại: “Nhà tôi thường được chính quyền và bà con quan tâm, giúp đỡ. Hai con tôi được khu vực tặng tập vở và giúp làm giấy khai sinh để đi học. Năm ngoái, chồng tôi qua đời, họ hàng và bà con lối xóm đã hỗ trợ gia đình lo được đám tang”. Không riêng gì chị Thắm, những trường hợp khó khăn đều được Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận, các đoàn thể và bà con khu vực quan tâm hỗ trợ. Cách đây hơn một tháng, anh Nguyễn Văn Phương qua đời vì bệnh. Gia cảnh quá khó khăn, bà con cùng các mạnh thường quân đã chung tay giúp gia đình anh lo đám tang chu đáo. Lực lượng dân quân tự vệ có hai thành viên hoàn cảnh khó khăn, một mạnh thường quân là Trần Kim Chung đã hỗ trợ mỗi người hằng tháng 15 kg gạo...

Phong trào khuyến học, khuyến tài ở khu vực 6 phát triển khá mạnh nhờ có sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Hằng năm, Chi hội khuyến học khu vực đứng ra vận động bà con và mạnh thường quân hỗ trợ học sinh nghèo đến trường, trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi. Năm 2009, chi hội đã tặng 3 suất học bổng và sách giáo khoa, tập vở, quần áo cho các em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 3,6 triệu đồng. Chi hội cùng cán bộ khu vực tạo điều kiện làm khai sinh, làm đơn xin nhập học và hỗ trợ tập vở cho 3 cháu nghèo vào lớp 1. Dịp Tết Trung thu hằng năm, khu vực đều tặng quà và tổ chức cho thiếu nhi vui trung thu. Mọi kinh phí tổ chức việc thiện, việc nghĩa ở địa phương hầu hết đều do nhân dân đóng góp.

Các đoàn thể như: Chi hội Cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ, đoàn thanh niên... đều quan tâm và có những hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế và tương trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Câu lạc bộ gia đình văn hóa sinh hoạt thường kỳ đã giúp các hộ gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận với xóm giềng và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương.

Nếp sống đoàn kết chan hòa của bà con cùng với nỗ lực giữ gìn trật tự trị an xóm làng của Tổ bảo vệ dân phố và Lực lượng dân quân tự vệ đã khiến khu vực 6 duy trì được sự yên bình. Hằng năm khu vực đều được công nhận đạt chuẩn 3 không: “Không tội phạm, không ma túy, không mại dâm” và năm 2009, khu vực được công nhận thêm tiêu chuẩn thứ 4 là “Không có người lang thang, ăn xin”.

***

Đoàn kết, gắn bó đã trở thành nếp nghĩ, nếp làm của nhân dân khu vực 6, phường An Bình. Tinh thần vì cộng đồng là nền tảng giúp khu vực 6 ngày càng phát triển và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Phạm Văn Suông, Trưởng khu vực 6, cho biết: “Khu vực chúng tôi đang tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào, khắc phục những hạn chế; vận động cán bộ và nhân dân thực hiện tốt Luật Giao thông, giữ gìn nếp sống văn minh đô thị và tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo còn lại thoát nghèo...”.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết