26/03/2008 - 23:21

Xung quanh việc thực thi chính sách hỗ trợ cho những người chạy xe lôi, xe ba gác:

Đùn đẩy trách nhiệm ?

Từ khi thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về cấm xe ba bánh tự chế hoạt động, TP Cần Thơ đã giải quyết hỗ trợ cho 500 xã viên hợp tác xã xe lôi, xe ba gác số tiền 1,5 triệu đồng/người để giúp họ một phần nào trong việc mưu sinh. Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ cũng ban hành quy định về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ học phí cho con của xã viên. Nhưng quy định này đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, trong khi người chạy xe lôi, xe ba gác đang lao đao tìm kế sinh nhai.

Qui định còn trên giấy

Chiếc thùng xe lôi, công cụ mưu sinh hàng ngày của gia đình anh Lợi (ở đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa) được xếp gọn vào một góc nhà. Năm 23 tuổi anh kết hôn, lấy chiếc xe lôi làm nghề mưu sinh, nuôi vợ và 2 con. 17 năm qua chiếc thùng xe này đã gắn bó với anh, giúp gia đình vượt qua biết bao khó khăn.

Rồi xe lôi, xe ba gác bị cấm lưu hành. Không nghề gì trong tay, để có tiền lo cho gia đình và các con, hằng ngày, anh Lợi thuê xe ba gác đạp rong ruổi các con đường để chở mướn. Đứa con gái út của anh, ngoài giờ đến lớp cũng phải đi bán vé số, “hy sinh” cho người chị học tốt nghiệp năm cuối cấp. Nhìn cảnh gia đình phải chạy ăn từng bữa, anh quyết định đến gặp cơ quan Liên đoàn Lao động TP để được giới thiệu cho vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ theo quy định tại Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND (QĐ 05) ngày 23-1-2008 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với xã viên hành nghề xe lôi, xe ba gác máy trên địa bàn TP Cần Thơ. Nhưng rồi anh đành tuyệt vọng ra về. Anh Lợi bức xúc nói: “Thành phố ban hành quyết định nào là nói hỗ trợ chuyển đổi nghề, cho vay vốn, nhưng khi chúng tôi liên hệ các cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ thì đều nhận được câu trả lời không biết, không có kinh phí. Vậy QĐ 05 có hiệu lực không hay chỉ ban hành để báo cáo với Chính phủ rồi “đem con bỏ chợ”? Chúng tôi bây giờ đang phải tự tìm mọi cách mưu sinh, nên rất cần một nguồn vốn vừa phải mới có thể chuyển nghề được”.

Những người chạy xe lôi, xe ba gác máy đang chờ chính sách hỗ trợ của thành phố, trong khi ngày cấm xe lôi, xe ba gác đạp cũng gần kề. 

Chú Nguyễn Văn Lực chạy xe lôi 20 năm qua nuôi cả nhà 5 miệng ăn. Nay chiếc xe lôi bị cấm lưu hành, lớn tuổi, không nghề, chú đành chuyển qua chạy xe Honda ôm, có khi chạy cả ngày lẫn đêm chỉ kiếm được 30 ngàn đồng, vừa đủ tiền xăng. Đứa con trai của chú Lực phải chuyển sang học bổ túc để có thời gian phụ giúp gia đình, vợ chú ở nhà trông hai đứa cháu ngoại. Chú buồn rầu nói: “Từ lúc nói có chủ trương cấm xe lôi, xe ba gác chạy trên một số tuyến đường, tui tính bỏ nghề, nhưng bỏ rồi thì lấy gì sống. Nghĩ vậy, tui ráng cầm cự tính đến ngày cấm hẳn sẽ được hỗ trợ phần nào, nhưng rốt cuộc chỉ được vỏn vẹn 1,5 triệu đồng. Tụi tui chấp hành chủ trương, nhưng những hứa hẹn của thành phố như hỗ trợ chuyển đổi nghề, cho vay vốn, miễn giảm học phí cho con em xã viên sao đến nay vẫn im lìm? Trong khi đó, ở Vĩnh Long những người hành nghề xe lôi, xe ba gác ngoài việc được nhận một khoản hỗ trợ nhiều hơn, được gia hạn chạy đến tháng 6-2008, còn được cho vay vốn chuyển đổi nghề. Chúng tôi muốn vay vốn cũng phải tính toán kỹ lưỡng, có khả năng trả mới dám vay, chứ đâu “quịt” của Nhà nước được. Con trai tôi đang học có được miễn giảm học phí gì đâu!”.

Trách nhiệm: Đẩy qua đẩy lại...

QĐ 05 quy định: Giao Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng phương án mở các lớp học nghề cho xã viên hoặc con của xã viên từ nguồn kinh phí quỹ đào tạo việc làm của thành phố; giao Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố có phương án cho xã viên vay vốn với lãi suất ưu đãi để họ có vốn chuyển đổi nghề; giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án miễn, giảm học phí cho con của xã viên (ở cả 3 cấp học) từ nay đến năm 2010... Nhưng khi những xã viên có nhu cầu đi liên hệ thì được các cơ quan này đẩy qua, đẩy lại. Trường hợp anh Lợi là một ví dụ. Khi anh đến liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ thì bị từ chối với lý do ngân sách địa phương không chuyển qua, nên không có nguồn cho vay. Đến Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội TP Cần Thơ, anh Lợi cũng nhận được câu trả lời tương tự: Đợi khi nào UBND TP có kinh phí chuyển đổi nghề gởi qua Sở thì mới có đề án chuyển đổi nghề cho đối tượng này. Đến khi anh Lợi cầm tờ giấy “đỏ” đi vay thì cũng không được, ngân hàng đòi phải có phương án kinh doanh mới cho vay. Trong khi QĐ 05 được ban hành dựa trên căn cứ Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố họp vào cuối năm 2007 về ban hành một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với xã viên hành nghề xe lôi, xe ba gác máy, vậy mà những khó khăn của người chạy xe lôi, xe ba gác vẫn không được giải quyết.

Ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện việc miễn giảm học phí cho con em của đối tượng chạy xe lôi xe ba gác từ năm học 2006-2007. Tùy vào từng hoàn cảnh gia đình mà nhà trường xét miễn hoặc giảm. Học sinh muốn được xét phải làm đơn, có xác nhận của địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những chính sách hỗ trợ thêm để giảm bớt phần nào khó khăn cho cuộc sống của họ. Để giải quyết vấn đề này lâu dài, bền vững thì xã hội phải tạo điều kiện cho họ chuyển đổi nghề nghiệp, phải có lộ trình thích hợp”. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người chạy xe lôi, xe ba gác thì con họ năm học vừa qua có làm đề nghị miễn, giảm học phí nhưng chưa được giải quyết, như trường hợp con chú Lực nêu trên, con trai chú Ánh ở đường Trần Phú...

Đối với trường hợp chuyển đổi nghề, vay vốn, bà Đặng Thị Thúy Lâm, Phó Trưởng Phòng quản lý lao động- việc làm Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, lý giải: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được QĐ 05, chỉ biết qua báo chí. Còn việc xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề thì Sở Giao thông công chính thành phố phải làm chuyển qua. Đến nay, tôi vẫn chưa thấy đề án đó như thế nào. Việc cho vay vốn, chúng tôi chỉ có nguồn từ chương trình mục tiêu quốc gia, còn địa phương thì chưa có nguồn này. Những người chạy xe lôi, xe ba gác muốn được giới thiệu việc làm, đăng ký học nghề thì vẫn phải bị thu lệ phí theo quy định. Nếu người chạy xe lôi, xe ba gác thất nghiệp, kịp thời làm hồ sơ vay vốn của quỹ quốc gia giải quyết việc làm thì chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn làm phương án để vay vốn, nhưng không có chính sách riêng cho đối tượng này”.

Còn Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ thì cho rằng, việc cho người hành nghề xe lôi, xe ba gác vay vốn là chương trình của địa phương. Do đó ngân hàng chỉ giải ngân khi nhận được kế hoạch, dự án của Ban chủ nhiệm HTX và nhận được nguồn vốn từ thành phố chuyển sang. Trong khi đó, Ban chủ nhiệm HTX xe lôi đã giải thể ngay khi xe lôi, xe ba gác bị cấm lưu hành thì dự án này ai sẽ làm?

Đã hơn 2 tháng nay, từ khi QĐ 05 được ban hành, nhưng chính sách hỗ trợ những người chạy xe lôi, xe ba gác vẫn nằm trên giấy. Các cơ quan được giao trách nhiệm thì đùn đẩy trách nhiệm, còn người từng hành nghề xe lôi, xe ba gác máy vẫn đang lo lắng tìm đến các cơ quan để mong được giải quyết những chính sách ổn định cuộc sống. Đã đến lúc các ngành chức năng cần ngồi lại tìm giải pháp thực thi, đưa QĐ 05 của UBND thành phố vào cuộc sống, giải quyết một phần khó khăn trước mắt cho người chạy xe lôi, xe ba gác máy và gia đình họ.

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết