08/01/2019 - 08:57

Đức sắp qua thời bội thu thuế 

 Dân Hàn thắt chặt chi tiêu 

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz (ảnh) ngày 6-1 cảnh báo thời kỳ mà các khoản thu thuế của nước này luôn vượt xa mong đợi đã đến hồi kết, khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang mất đà tăng trưởng.

Phát biểu với tờ Bild am Sonntag, ông Scholz cho biết năm 2018, Đức tiếp tục thặng dư thuế, song khoảng thời gian tốt đẹp mà nhà nước thu thuế nhiều hơn dự kiến sẽ chấm dứt. “Từ giờ trở đi, tôi không mong đợi bất kỳ khoản thu nhập bổ sung ngoài dự kiến nào nữa” - ông khẳng định.

Ảnh: AFP

 

Theo AFP, kể từ năm 2014 đến nay, Chính phủ Đức luôn chi tiêu ít hơn thu nhập nhận được hằng năm từ các khoản thu thuế nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, lương cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Điều này đã giúp họ luôn thặng dư ngân sách, trái với hầu hết các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU). Đơn cử, thặng dư ngân sách năm 2017 là 36,6 tỉ euro (41,7 tỉ USD).

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế của Đức dường như suy yếu sau khi nước này tăng trưởng âm vào quý 3-2018, lần đầu tiên sau hơn 3 năm. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn này đã giảm 0,2% so với quý trước, trong khi chỉ số niềm tin của giới đầu tư ở Đức trong tháng 12-2018 cũng giảm từ 15,6 xuống còn 7,2 điểm. Do vậy, chính phủ đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2018 xuống còn 1,5-1,6%, thấp hơn nhiều so với mức 2,2% của năm 2017.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các vấn đề của ngành công nghiệp xe hơi Đức và kế hoạch Anh rời khỏi EU (hay Brexit) khó đoán định được cho là những nguyên nhân khiến kinh tế Đức chựng lại. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Tài chính Scholz, người thay thế ông Wolfgang Schauble từ đầu năm 2018, tuyên bố sẽ duy trì chính sách “số 0 đen” (Black zero) của người tiền nhiệm nhằm duy trì ngân sách liên bang cân bằng và cố gắng giảm nợ công của Đức xuống dưới 60% GDP, mức trần của EU. Được biết, chính sách này từ lâu đã khiến các đối tác châu Âu và một số tổ chức quốc tế không hài lòng và kêu gọi Berlin tăng cường đầu tư công để giảm thặng dư thương mại khổng lồ với phần còn lại của thế giới. Đức là nước có thặng dư thương mại lớn nhất thế giới với 299 tỉ USD năm 2018.

Bất chấp dự báo ảm đạm, các chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng nguy cơ suy thoái kinh tế của Đức vẫn ở mức thấp dù tăng trưởng có chậm lại. Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW) dự báo GDP của Đức năm 2019 sẽ tăng 1,6%, trong khi Viện Weltwirtschaft ở Kiel (IfW) dự báo tăng 1,8%.

m Trong khi đó, tình hình kinh tế suy giảm đã khiến người dân Hàn Quốc thắt chặt chi tiêu trong năm 2018, theo đó giảm chi tiêu cho các bữa ăn tại nhà hàng. Đó là kết quả khảo sát mới nhất do Công ty Thương mại Ngư nông và Thực phẩm Hàn Quốc thực hiện, được công bố ngày 7-1.

Cuộc khảo sát này được tiến hành đối với hơn 3.000 người Hàn Quốc từ 20 đến 69 tuổi, cho thấy trong năm qua, trung bình mỗi tháng người dân nước này có 20,8 lần không ăn tối ở nhà, giảm so với mức 21,8 lần trong năm 2017. Trong đó, số lần ăn tối tại các nhà hàng là 13,7, còn lại là gọi giao thức ăn đến nhà và mua đồ ăn sẵn. Chi tiêu trung bình cho các bữa ăn ngoài là 292.689 won (260,4 USD), giảm khoảng 11.000 won so với năm 2017.

Cũng theo cuộc khảo sát nói trên, trong năm 2018, người tiêu dùng ở Hàn Quốc bớt hào hứng mua sắm trong bối cảnh nền kinh tế nước này tăng trưởng kém đi do nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm, mặc dù xuất khẩu tăng mạnh.

 

THANH TRÚC

 

 

Chia sẻ bài viết