25/11/2022 - 08:33

Đồng minh Mỹ - Pháp rạn nứt? 

MAI QUYÊN (Theo Washington Times,  Japan Times)

Là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ, Pháp dường như đang nghiêng về Trung Quốc thay vì Washington khi Tổng thống Emmanuel Macron (ảnh) khởi động lại chiến lược của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh: Getty Images

Đầu tháng 12 tới, Tổng thống Macron sẽ tới Mỹ trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Joe Biden. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chuyến thăm sẽ chứng minh mối quan hệ “có chiều sâu và đầy sức sống” giữa Mỹ với đồng minh truyền thống.

Năm ngoái, ngoại giao hai nước trở nên xấu đi khi Úc đơn phương hủy thương vụ mua tàu ngầm của Pháp để chuyển sang đóng tàu ngầm hạt nhân theo hợp đồng với Mỹ hoặc Anh dựa trên hiệp ước quân sự ba bên AUKUS. Kể từ đó đến nay, Washington liên tục có động thái xoa dịu nhằm hàn gắn quan hệ với Paris cũng như những đồng minh phương Tây khác, nhất là khi Nhà Trắng cần thiết lập mặt trận thống nhất đối phó Trung Quốc.

Theo giới phân tích, cạnh tranh Mỹ - Trung là vấn đề địa chính trị then chốt của thời đại này. Việc Washington có tiếp tục duy trì trật tự quốc tế thiết lập sau năm 1945, hay Bắc Kinh sẽ thay thế bằng quy tắc do họ khởi xướng đều mang tính quyết định đối với tự do và thịnh vượng toàn cầu. Hiện Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc và sự hỗ trợ của các đồng minh đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhưng động thái gần đây của Pháp tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho thấy, Paris dường như không muốn làm hài lòng các nhà lãnh đạo bên kia Đại Tây Dương.

Cụ thể, Tổng thống Macron trong bài phát biểu ở hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã bác bỏ nỗ lực chia rẽ thế giới thành các khối cạnh tranh. Nhấn mạnh nhu cầu về một “trật tự toàn cầu duy nhất”, ông Macron cho biết đối đầu gia tăng giữa Mỹ - Trung Quốc đã buộc một số quốc gia phải chọn phe. Với cách tiếp cận “cân bằng” ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Macron tuyên bố Pháp tin vào sự ổn định và kêu gọi hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh. Theo giới phân tích, lời kêu gọi “chấm dứt đối đầu” của lãnh đạo Pháp có vẻ đang bảo vệ trật tự quốc tế dân chủ hiện có. Nhưng so sánh với nhận định trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng thế giới nên cùng nhau loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, các khối đối đầu và xây dựng một cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương, giới chuyên môn cho rằng bài phát biểu của ông Macron là sự bác bỏ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ về Trung Quốc.

Tiếp nối chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden đang thúc đẩy các nước phương Tây cứng rắn hơn trước hành vi của Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan, tài sản trí tuệ và nhân quyền. Tất cả đều nhằm củng cố thông điệp đến nay hết sức rõ ràng của Mỹ, đó là Bắc Kinh đang muốn thay thế trật tự dân chủ do Washington lãnh đạo. Và Mỹ cần sự hỗ trợ của đồng minh để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Phương Tây hiểu rõ điều này, nên có thể nói bài phát biểu của Tổng thống Macron tại APEC rõ ràng không có lợi cho Mỹ. Nhưng với Pháp, ủng hộ Trung Quốc có thể giúp họ tăng cường triển vọng xuất khẩu sang thị trường tỉ dân.

Diễn biến này đặt ra thách thức cam go với Mỹ. Nó phản ánh thực tế, đó là khi đối mặt với vấn đề Trung Quốc, ngay cả các đồng minh lâu đời và thân cận nhất của Washington cũng không còn đáng tin cậy. Theo đó, các nước này có thể nói về ổn định trật tự toàn cầu, nhưng chỉ khi nó phù hợp với lợi ích của họ.

 

Chia sẻ bài viết