29/06/2019 - 20:17

Đóng học phí bằng chai nhựa 

Đó là câu chuyện tại Trường Quốc tế Moritz ở Nigeria, nơi các phụ huynh có thể thu gom chai nhựa (hay còn gọi chai PET) để đóng học phí cho con em họ.

Chị Oluwaseyi (trái) giao chai nhựa cho giáo viên trường Moritz.

Chị Oluwaseyi (trái) giao chai nhựa cho giáo viên trường Moritz.

Chiến lược vì người nghèo

Hàng ngày, chị Oriola Oluwaseyi sẽ rảo bước dọc qua những con phố nhộn nhịp của khu ổ chuột Ajegunle để thu gom rác thải nhựa, đặc biệt là các loại chai PET từ những cửa hàng bán lẻ. Cứ hai lần/tháng, bà mẹ bốn con người Nigeria chỉ cần mang những túi đầy chai nhựa đã nhặt đến Trường Quốc tế Moritz là có thể đổi lấy học phí cho cô con gái 8 tuổi Rebecca đang theo học tiểu học tại đây.

Chị Oluwaseyi vốn sinh sống nhờ buôn bán nhỏ ở chợ náo nhiệt Ajegunle, thuộc thủ phủ kinh tế Lagos của Nigeria. Nguồn thu nhập ít ỏi không giúp Oluwaseyi trang trải khoản học phí của con gái vốn khoảng 18.000 naira, tức gần 50 USD/năm. Theo kết quả nghiên cứu do Viện Brookings công bố năm ngoái, Nigeria hiện là một trong những quốc gia có số người nghèo cao nhất thế giới. Trong đó, có khoảng 87 triệu người tương đương ½ dân số quốc gia châu Phi này đang sống với mức thu nhập dưới 1,90 USD/ngày.

Nhưng giờ đây, gánh nặng đối với chị Oluwaseyi và nhiều gia đình khác có con em theo học tại Moritz đã giảm phần nào khi ngôi trường này hiện chấp nhận thu tiền học phí bằng vỏ chai nhựa dựa trên dự án hợp tác với tổ chức Sáng kiến ​​Dọn dẹp Châu Phi (ACI). Ngoài Moritz, ACI đang phối hợp với nhiều trường khác trong cộng đồng thu nhập thấp thông qua chương trình có tên RecyclesPay. Theo đó, các bậc phụ huynh không có khả năng đóng học phí cho con em mình giờ đây có thể chi trả bằng cách đổi chai nhựa thu gom được. Chẳng hạn trường hợp chị Oluwaseyi, với mỗi 200kg chai nhựa tái chế, bà mẹ này có thể tiết kiệm được 4.000 naira (gần 11 USD) trong khoản học phí 24 USD mỗi học kỳ. Nhờ số tiền này, Oluwaseyi cho biết chị có thể mua sắm thêm sách vở, giày dép mới cho con gái.

Tính đến hiện tại, ACI đã nhân rộng mô hình hỗ trợ tại 5 trường học ở Lagos và tiếp cận hơn 1.000 học sinh. Người sáng lập ACI Alexander Akhigbe hy vọng dự án trên có thể giúp nhiều trẻ em Nigeria được đến trường. Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef), trẻ em phải nghỉ học ở Nigeria đang ở mức báo động 10,5 triệu trẻ - cao nhất trên thế giới. 

…và vì môi trường

Ngoài tiếp sức cho các em nhỏ đến trường, Akhigbe cho biết chương trình RecyclesPay còn mang lại giải pháp cho các vấn đề môi trường và khí hậu của Nigeria khi khuyến khích người dân xử lý chất thải nhựa đúng cách. Được biết, chai nhựa do phụ huynh thu thập sẽ được doanh nghiệp xã hội Wecyclers phân loại và xử lý, đảm bảo tất cả chúng đều được chuyển đổi thành vật liệu có thể tái sử dụng. Nigeria đang tạo ra lượng chất thải nhựa khổng lồ với hơn 450.000 megaton (1 megaton = 1 triệu tấn) bị thải ra vùng biển Lagos mỗi năm. Trong báo cáo của Ocean Atlas năm 2017, quốc gia châu Phi này xếp thứ 11 trên thế giới về ô nhiễm nhựa, gây rủi ro sức khỏe cho người dân và ảnh hưởng môi trường.

Thật ra, sáng kiến đóng tiền học phí bằng rác thải nhựa không phải là mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và lượng rác thải nhựa khổng lồ thải ra môi trường đang trở thành vấn đề toàn cầu. Được biết, hình thức này cũng đang được áp dụng tại Akshar, một ngôi trường nhỏ thuộc tiểu bang Assam của Ấn Độ nhằm tăng ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết