16/01/2008 - 22:46

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đòn quyết định làm suy sụp ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ (kỳ 2)

II. TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968

1. Chuẩn bị và nghi binh “lừa” địch

Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch mùa khô 1966-1967, và mùa khô 1967, để cố giữ cho tình hình miền Nam không xấu thêm, tìm cách giành thắng lợi về quân sự để đi vào thương lượng trên thế mạnh; trước sức ép của phe hiếu chiến, L.Giôn-xơn liều lĩnh quyết định đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu Mỹ, nâng tổng số quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam lên 480.000 vào tháng 12-1967. Đầu năm 1968 số quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên chưa kể sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân đồng minh của Mỹ.

Về phía ta, để thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, đảm bảo hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền...

Cùng với quá trình chuẩn bị, ta mở đợt hoạt động tác chiến Thu Đông 1967 đánh bồi vào quân Mỹ và đồng minh, phá sự chuẩn bị mùa khô của địch, đẩy chúng vào thế bị động hơn, buộc địch phải phân tán lực lượng, trực tiếp tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định.

Trong đợt này, ở vùng ven đô thị và nông thôn đồng bằng, lực lượng ta được lệnh duy trì hoạt động như thường lệ để không gây sự chú ý đề phòng của địch. Ở vòng ngoài, ta mở các chiến dịch quy mô tương đối lớn tại các khu vực rừng núi nhằm phân tán chủ lực địch (Chiến sự sôi động và quyết liệt nhất là chiến dịch Bình Long - Phước Long từ 27/10/1967 - 5/12/1967 và chiến dịch Đắc Tô 1 ở bắc Tây Nguyên từ 3-11 đến 22-11-1967).

 Đồng bào ấp Trà Mẹt, Tiểu Cần, Trà Vinh xay lúa, giã gạo cung cấp cho tiền tuyến trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Ảnh: BẢO TÀNG QK9

Chiến thắng Đắc Tô mùa đông 1967 cùng với chiến thắng chiến dịch Bình Long - Phước Long và các chiến trường khác đã buộc quân Mỹ và quân chủ lực ngụy Sài Gòn phải co dần vào thế phòng ngự chiến lược.

Cùng với chiến thắng của quân và dân ta ở miền Nam, trên miền Bắc mặc dù không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, nhưng 6 tháng cuối năm 1967, quân dân miền Bắc bắn rơi 631 máy bay, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong năm lên 1.067 chiếc. Nhiệm vụ chi viện cho miền Nam gấp 6 lần năm 1965 (1).

Trước sức tiến công và công tác nghi binh, lừa địch của ta, Oétmolen hốt hoảng ra lệnh hủy bỏ kế hoạch phản công lần thứ 3, triệt thoái các đơn vị đã triển khai đánh vào chiến khu D, C để về giữ Sài Gòn - Gia Định, hủy bỏ lệnh điều động sư đoàn kỵ binh không vận số 1 đang ở Bình Định, Phú Yên về Đông Nam bộ để cùng lữ đoàn bộ binh 196, sư đoàn American tăng cường cho mặt trận Quảng Trị.

Như vậy, tất cả các lực lượng chủ lực của địch từ chuẩn bị phản công để giành quyền chủ động chiến trường phải quay về phòng ngự bị động chống đỡ. Lực lượng của chúng bị căng ra, kế hoạch quân sự và thế bố trí lực lượng trên chiến trường bị đảo lộn, vỡ từng mảng. Điều này càng tạo ra sơ hở trong thế phòng ngự, bị động của chúng để ta triệt để khoét sâu.

Để tiếp tục nghi binh, căng kéo lực lượng của địch, đẩy chúng tiếp tục bị động về chiến lược, ta và bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào (từ ngày 12-1- 1968); chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (từ ngày 20-1-1968 đến 27-1-1968) tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh và tuyến phòng thủ Đường 9, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm Làng Vây, Tà Cơn.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng. Khe Sanh đã khiến nước Mỹ lo lắng về một “Điện Biên Phủ” mới. Giôn- xơn lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá; 40% các tiểu đoàn chiến đấu Mỹ ở miền Nam được dồn vào khu vực Trị - Thiên.

2. Diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân

Các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam (MACV) và giới lãnh đạo Washington bị lạc hướng. Trong khi họ dồn toàn trí và lực lượng ra hướng Đường 9 - Khe Sanh và nhận định Khe Sanh là chiến trường chính, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.

Trước Tết, miền Bắc công bố lịch mới, Tết Nguyên đán Mậu Thân sớm một ngày so với lịch cũ. Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị lui cuộc Tổng tiến công lại một ngày để thống nhất hành động giờ G trên toàn chiến trường. Tuy nhiên, ở Khu V và Tây Nguyên, lực lượng của ta đã ém sẵn không rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được, nên đã đề nghị cho nổ súng vào đêm 28 rạng ngày 29-1-1968 (tức đêm 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi), trước Tết giao thừa theo (lịch miền Nam) một ngày.

Tỉnh nổ súng sớm nhất là Khánh Hòa. Lúc 23 giờ ngày 28-1-1968, pháo binh ta bắn phá Trung tâm Huấn luyện hải quân ngụy ở Nha Trang.

Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc) ta tiến công địch trong thị xã Tuy Hòa (Phú Yên).

- Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), thị xã Plây Cu (Gia Lai), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An (tỉnh Quảng Đà, Quảng Tín), thành phố Qui Nhơn (Bình Định)... Như vậy cả dải đất miền Trung đã nổ súng.

Hôm sau, đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mùng một Tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn- Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức...

Ngày 31-1 và 1-2-1968, quân dân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn, Huế, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Kiến Tường, Long Khánh và nhiều nơi khác.

Trong khí thế sôi sục Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam thành phố Huế, Sài Gòn - Gia Định ra đời. Ủy ban lãnh đạo toàn quốc của Liên minh đã ra lời kêu gọi “quốc dân đồng bào” , “không chịu tủi nhục vì mất nước”, “không thể tiếp tục cảnh tôi đòi”, hãy “đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, hòa bình, tự do và cuộc sống trong sạch ấm no”.

Lời kêu gọi của Liên minh đã thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân cả thành thị và nông thôn nổi dậy, sát cánh cùng với quân giải phóng, lực lượng cách mạng thừa thắng xốc tới tiến công vào hang ổ địch trên khắp miền Nam.

Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam.

Để bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, Mỹ - ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia. Đặc biệt vào đầu năm 1968, khi phát hiện ta chuyển quân về các vùng trung tâm dân cư, Mỹ đã hủy bỏ các cuộc hành quân dự kiến co về vùng vành đai Sài Gòn, hình thành ba tuyến phòng thủ. Lực lượng chủ lực của chúng trực tiếp phòng thủ Sài Gòn - Gia Định gồm: 4 sư đoàn, 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn quân Mỹ, 1 lữ đoàn quân Thái Lan, 1 trung đoàn quân Australia, 3 sư đoàn quân ngụy cùng nhiều liên đoàn biệt động, giang thuyền, chưa kể lực lượng an ninh, cảnh sát, bảo an dân vệ.

(Còn tiếp)

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương

---------------------

(1) - Năm 1965, 1968, quân dân miền Bắc chi viện kịp thời cho miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thuốc men.

Năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ miền Bắc bổ sung cho các chiến trường miền Nam nâng tổng số quân giải phóng lên 220.000 quân chủ lực, 57.000 quân địa phương (chưa kể dân quân tự vệ).

Chia sẻ bài viết