16/07/2008 - 20:37

Đổi đời...

Dù công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là xuất khẩu lao động - XKLĐ) còn gặp một số khó khăn nhất định và ngành chức năng TP Cần Thơ đang cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động làm việc ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc... Không chỉ góp phần nâng cao kinh tế gia đình, người lao động còn có cơ hội tiếp cận, học tập tác phong làm việc nghiêm túc, kỷ cương và sống có trách nhiệm... ở nước bạn.

 Ngọc Nữ và Kim Phụng (đứng thứ nhất và thứ ba, từ trái sang) trong trang phục người Nhật.

1- Trong căn nhà thoáng mát, bà Bùi Thị Tiến, ở khu vực Phú Quới, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đang lui cui gói ghém một ít đồ dùng để gởi cho con gái Triệu Thị Ngọc Nữ, đang làm công nhân cho một xưởng may ở Nhật. Bà Tiến vui vẻ cho biết, cuối năm nay, Nữ hoàn thành hợp đồng 3 năm làm việc tại Nhật. Rồi, bà khoe album ảnh của Nữ và các bạn đang làm việc ở Nhật, ai cũng khỏe khoắn, trẻ trung.

Để được đi làm việc ở Nhật, Ngọc Nữ phải đấu tranh quyết liệt với gia đình. Chi phí đi Nhật rất cao, gia đình không lo nổi. Thời điểm đó Nữ đang là công nhân của một công ty chế biến thủy sản ở Sóc Trăng, có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, đang phụ lo kinh tế gia đình, nhưng Nữ bảo muốn đi làm việc ở Nhật để tìm cơ hội đổi đời. Bà Tiến nói: “Tui đâu có đồng ý, nhưng biết rõ tính con bé. Còn nhỏ nhưng suy nghĩ chín chắn lắm, ít khi sai chạy”. Thấy Nữ quyết tâm quá nên bà Tiến thế chấp giấy tờ nhà để vay tiền ngân hàng, hỗ trợ con gái chi phí làm các thủ tục. Để tiết kiệm chi tiêu, Nữ và người em bạn dì Trần Kim Phụng chở nhau bằng xe hon-đa từ TP Cần Thơ đến TP Hồ Chí Minh làm thủ tục, dự phỏng vấn. 9 lao động nữ trúng tuyển trong tổng số 39 lao động nữ tham gia phỏng vấn, trong đó có Nữ và Phụng. Với tổng các chi phí 170 triệu đồng (kể cả tiền thế chân), cuối năm 2005, cả hai sang Nhật làm việc trong xưởng may.

Vừa xuống sân bay, chủ xưởng may đã ra đón, sắp xếp nơi ở rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, rồi nhận việc ngay hôm sau. Thời gian đầu, mọi việc đều mới mẻ, xa lạ, Nữ và Phụng học hỏi và làm quen dần. Khó nhất là làm quen các thao tác trên dây chuyền sản xuất hiện đại, tác phong công nghiệp, tự học tiếng Nhật trong quá trình làm việc, giao tiếp. Nữ và Phụng rất tích cực làm thêm giờ. Sau 3 tháng làm việc, cả hai đã gởi về nhà 50 triệu đồng/người. Ở Nhật, chi phí sinh hoạt, ăn uống khá cao, Nữ và Phụng phải lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng, gói ghém trong khoản tiền làm thêm giờ, để dành lương hàng tháng gởi về cho gia đình. Ngày chủ nhật, chị em tranh thủ trồng các loại rau cải quanh khuôn viên nhà xưởng, ký túc xá để cải thiện bữa ăn, giảm chi phí mua thực phẩm. Nhờ chăm chỉ, siêng năng nên Nữ và Phụng được chủ đối xử tốt, công việc ngày càng thuận lợi hơn. Cả hai cho rằng, chủ người Nhật rất quan tâm sức khỏe, đời sống, sẵn sàng giúp đỡ khi công nhân gặp khó khăn, nhưng rất nghiêm khắc trong giờ giấc, kỷ luật lao động, theo dõi sát ngày, giờ công, không được lo ra, lãng công. Chỉ cần chăm chỉ, thật thà, sống hòa đồng với mọi người, thì sẽ có được việc làm, thu nhập ổn định.

2- Trở về quê nhà ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cô gái người dân tộc Khmer Thạch Thị Thanh Trình trông trẻ trung, hoạt bát hơn trước rất nhiều. Riêng Trình thấy mình chín chắn, trưởng thành hơn.

Thạch Thị Thanh Trình cùng mẹ bên chiếc xe máy mới mua từ những đồng tiền dành dụm sau thời gian đi làm việc ở Đài Loan. 

Do gia cảnh khó khăn, đông chị em, đến lớp 7, Trình phải nghỉ học để đến TP Hồ Chí Minh phụ bán căng tin trong trường học suốt 7 năm. Mỗi tháng, Trình dành dụm gởi về cho mẹ vài trăm ngàn đồng để trang trải các khoản chi tiêu của gia đình. Trình luôn suy nghĩ tìm việc làm khác để có thu nhập khá, lo cho mẹ và các em đầy đủ hơn. Trong một lần về thăm nhà, đúng dịp địa phương vận động đưa lao động nữ đi giúp việc nhà ở Đài Loan. Không bỏ lỡ cơ hội, Trình bàn với gia đình và đăng ký đi làm việc theo chương trình này. Bà Đào Thoại, mẹ của Trình, nói: “Trình làm việc gì cũng đến nơi đến chốn và rất có trách nhiệm với gia đình. Tôi luôn tin vào quyết định của con gái”.

Sau khi hoàn tất thủ tục, Trình tham gia học tiếng Đài Loan, giáo dục định hướng (trong đó có hướng dẫn các thao tác giúp việc nhà). Năm 2005, Trình sang Đài Loan làm việc. Xứ lạ, quê người, Trình bỡ ngỡ, e dè và rất nhớ nhà. Trình nhận việc chăm sóc một bà cụ gần 90 tuổi cho một gia đình công chức ở Đài Trung. Hằng ngày, Trình kề cận chăm sóc bà cụ từ miếng ăn, giấc ngủ, phục vụ việc uống thuốc, vệ sinh cá nhân... Trình thực hiện các việc ấy dễ dàng, thành thạo, bà cụ lúc nào cũng sạch sẽ, nên được mọi người trong gia đình quý mến và xem như người nhà. Trình cho biết: “Người Đài Loan sống rất tình nghĩa và quý trọng người ngay thẳng, thật thà”.

Sau 3 năm làm việc, Trình tích lũy được trên 200 triệu đồng, giúp mẹ trả nợ vay ngân hàng, nợ vay bên ngoài, sửa lại nhà, mua sắm đồ dùng, cưới vợ cho anh trai, giúp chị em vốn làm ăn và tậu chiếc xe Click mới toanh để làm phương tiện đi lại. Trình vui vẻ nói: “Thành công của tôi là do chăm chỉ, ngay thẳng, chân thành và biết đối nhân xử thế”. Nếu gia đình ở Đài Loan tiếp tục cần Trình chăm sóc bà cụ, Trình sẽ làm thủ tục sang bên đó ngay hoặc “lên” kế hoạch học một nghề phù hợp để gầy dựng sự nghiệp tại quê nhà.

3- Lê Phong Sơn, con trai đầu lòng của bà Mai Thị Nguyện, ở khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn đi làm việc ở Hàn Quốc đến nay đã 8 tháng. Đều đặn hàng tháng, bà Nguyện đến ngân hàng nhận tiền của Sơn gởi về, lòng bà rộn vui. Vui không chỉ vì với số tiền này, gia đình bà có cuộc sống đầy đủ hơn, các con có điều kiện học hành, bà có thể tích lũy vốn liếng cho con trai khi hết hợp đồng về nước, mà còn vì sự trưởng thành của Sơn ở môi trường làm việc mới.

 Lê Phong Sơn đứng bên dãy ký túc xá của công ty Sơn đang làm việc. 

Đến Hàn Quốc với nghề sản xuất chế tạo động cơ máy nổ, sau khi được chủ sắp xếp chỗ ăn, ở, Sơn nhận việc ngay. Mọi điều khoản trong hợp đồng được chủ sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, mức lương, tiền làm thêm giờ cũng được công khai rõ ràng hàng tháng. Vốn cần cù, chăm chỉ, Sơn được anh em đồng nghiệp đến từ các nước yêu mến. Làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, mọi thứ đều tự động hóa, Sơn học hỏi rất nhiều điều, nhất là tác phong công nghiệp, giờ giấc, kỷ luật trong lao động... Khi mới sang Hàn Quốc, Sơn chỉ nói và hiểu được tiếng Hàn, tiếng Anh thì rất yếu. Nhờ chú tâm rèn luyện hằng ngày nên hiện nay giao tiếp khá hơn nhiều. Đến nay, Sơn đã gởi về gia đình số tiền tổng cộng trên 150 triệu đồng. Bà Nguyện cho biết thêm: Theo lời khích lệ của Sơn, bà chuẩn bị tiếp tục cho đứa con trai út sang Hàn Quốc làm việc cùng anh. Trước mắt, bà phải hỗ trợ con trai trang bị tay nghề, kiến thức ngoại ngữ vững vàng cùng một quyết tâm nỗ lực làm việc để đổi đời.

* * *

Đó là những người đại diện cho lớp lao động trẻ quyết đoán và luôn muốn được trải nghiệm bản thân. Dù xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, môi trường sống khác nhau nhưng họ có cùng một mục đích, một hoài bão tốt đẹp là muốn vươn lên thay đổi cuộc đời bằng chính sức lao động của mình. Với sức trẻ, giàu nghị lực và niềm tin, họ đã nhanh chóng hòa nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và trở thành người công dân hữu dụng cho đất nước.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết