07/05/2019 - 07:17

Địa chỉ đỏ giữa trùng khơi 

Từ TP Cần Thơ, đi xe khoảng 2 giờ đến bến cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng; thêm khoảng 2 giờ 30 phút để vượt 45 hải lý là đến Côn Đảo, thuộc địa giới hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ khi tuyến cao tốc Trần Đề - Côn Đảo mở, các chuyến tàu luôn đầy ắp hành khách. Những dịp cuối tuần, các kỳ nghỉ lễ, nhà tàu thường xuyên “cháy vé”. Nhiều du khách gần xa muốn thăm “địa chỉ đỏ giữa trùng khơi”, gắn liền với hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam.

Dấu tích lịch sử

Côn Đảo là quần đảo tiền tiêu nằm ở Đông Nam nước ta, có tổng diện tích khoảng 76km2, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ. Hòn đảo lớn nhất của quần đảo này, được sử sách ghi lại, có nhiều tên gọi như Côn Lôn, Côn Lôn Sơn, Côn Sơn, đến năm 1977 thì có tên chính thức do Nhà nước công nhận, gọi là Côn Đảo. Côn Đảo có hình dạng như một con gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông, hơn 51km2, chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả quần đảo.

Đoàn cán bộ tuyên giáo Cần Thơ tham quan hệ thống buồng giam tại khu chuồng cọp.

Do vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á, Côn Đảo được người phương Tây biết đến từ thế kỷ thứ XIII. Vào năm 1294, một đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý trú bão tại đây. Về sau, rất nhiều đoàn du hành châu Âu ghé lại nơi này với ý đồ chiếm cứ, nhưng các vương triều nước ta luôn chủ trương bảo toàn lãnh thổ. Cho đến năm 1858, khi Pháp tấn công Đà Nẵng mở màn cuộc chiến xâm lược nước ta, thì 4 năm sau, Côn Đảo chính thức bị thực dân biến thành địa ngục trần gian.

Ngày nay, ra Côn Đảo, hầu hết du khách đều đến thăm Khu di tích lịch sử Côn Đảo, một trong những di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Di tích lịch sử Côn Đảo gồm hệ thống các nhà tù thời Pháp, thời Mỹ ngụy và các sở tù. Trong 113 năm thống trị (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Các trại giam thời Pháp gồm các banh. Banh I là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo, mang đậm dấu tích các thời kỳ lịch sử, với thiết kế gồm nhiều phòng giam tập thể, phòng giam tù đặc biệt, xà lim (hầm đá), hầm xay lúa và khu đập đá khổ sai.

Trong hệ thống nhà tù thời kỳ thực dân Pháp, Khu chuồng cọp Pháp nổi tiếng về mức độ đàn áp, đày đọa dã man người tù, gồm các phòng biệt giam, phòng tắm nắng, được mệnh danh là “địa ngục của địa ngục”. Chuồng cọp Pháp gồm 120 phòng biệt giam, bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ tù nhân bằng cách ném vôi bột, dội nước bẩn từ trên xuống trong những ngày nắng nóng. Còn hệ thống phòng tắm nắng không có mái che dùng làm nơi hành hạ, phơi nắng, phơi mưa để tra tấn tù nhân. Không thua kém về mức độ dã man thời thực dân, chuồng cọp kiểu Mỹ với gần 400 phòng biệt giam đặc biệt bằng bê tông không có bệ nằm, tù nhân phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.

Cùng với hệ thống phòng giam, Côn Đảo còn có các sở tù hoạt động, vừa phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của địch, vừa là hình thức cải tạo tù nhân bằng lao động khổ sai. Ít nhất 18 sở tù đã hoạt động, gồm sở lưới, sở ruộng, sở làm đá, sở kéo cây, sở chuồng bò, sở lò gạch, sở lò vôi, sở muối... cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng của tù nhân bằng đòn roi và sức kiệt.

Côn Đảo anh hùng

Thực dân và đế quốc rắp tâm biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian để làm nhụt chí anh hùng cách mạng, nhưng chính tại nơi này, lớp lớp chiến sĩ cộng sản tiếp nối nhau đấu tranh, biến địa ngục thành trường học vĩ đại, muôn đời lưu danh cho hậu thế. Các bài học văn hóa - chính trị được truyền miệng trong từng nhóm, từng phòng giam.

Ở Banh I, những năm 1931 - 1932, các đồng chí Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Tống Văn Trân phổ biến tài liệu về tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên phản đế, cách tổ chức quần chúng. Năm 1933, đồng chí Ngô Gia Tự giới thiệu những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa cộng sản, đặc điểm giai cấp trong xã hội Việt Nam, đường lối và phương pháp lãnh đạo của Đảng. Năm 1935, Chi bộ đặc biệt tổ chức lớp học lý luận Chủ nghĩa Lênin do đồng chí Trần Văn Giàu làm giảng viên. Ở Hòn Cau, đồng chí Phạm Văn Đồng lược dịch Kinh tế chính trị học giảng cho anh em, đồng chí Nguyễn Kim Cương giới thiệu những tác phẩm văn học kinh điển thế giới… Chính “trường học đặc biệt” này đã đào tạo nên nhiều lãnh tụ của Đảng và Nhà nước như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng…

Nơi địa ngục trần gian, nhiều nữ chiến sĩ cách mạng cũng bị lưu đày, chịu muôn vàn đau đớn, khổ ải. Tính đến trước ngày giải phóng 30-4-1975, Côn Đảo có gần 500 nữ tù. Các chị đã kiên cường đấu tranh chống ly khai cộng sản, chống chào cờ, chống nội quy bị cấm cố khắc nghiệt. Năm 1952, nữ anh hùng Võ Thị Sáu bị đưa ra Côn Đảo hành hình. Cái chết của chị đã hóa thành bất tử với nhiều huyền thoại đầy tính nhân văn lưu truyền đến ngày nay. Qua khảo sát của các công ty lữ hành, hầu hết du khách đến thăm Côn Đảo đều viếng nghĩa trang Hàng Dương lúc nửa đêm để bày tỏ lòng thành kính tri ân trước mộ nữ anh hùng và các chiến sĩ cách mạng.

Anh Nguyễn Quốc Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ cảm tưởng trong lần đầu đến tham quan Côn Đảo: “Lòng vô cùng xúc động khi thắp nhang tại nghĩa trang Hàng Dương, cảm mến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ngưỡng mộ tinh thần bất khuất kiên cường của thế hệ cha anh. Nhất là hình ảnh nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, tấm gương ngời sáng để thế hệ trẻ noi theo, nối tiếp truyền thống yêu nước, góp sức trẻ xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Từ khi đất nước lập lại hòa bình, Côn Đảo thay da đổi thịt, từng bước phát triển các mặt đời sống kinh tế, xã hội. Dẫu thời gian có qua đi, Côn Đảo mãi là vùng đất thiêng liêng, là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ hôm nay tìm về, hiểu rõ truyền thống cách mạng, hun đúc lòng yêu nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết