09/12/2009 - 10:01

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố

Đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế, ổn định xã hội

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhận xét về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Q.T 

Chiều hôm qua, kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố đã diễn ra hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Nhìn chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này ít có tranh luận, do thiếu sự tham gia chất vấn trực tiếp của các đại biểu HĐND thành phố. Mặc dù vậy, với sự chủ động, gợi mở của Thường trực HĐND thành phố nhiều vấn đề cử tri quan tâm, bức xúc đã được thủ trưởng các sở, ban, ngành tiếp thu, đề ra các giải pháp giải quyết.

* Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG: CHƯA CẢI THIỆN

 Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Cần Thơ trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Q.T.

Cũng như các kỳ họp HĐND thành phố trước đây, vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều cử tri quan tâm. Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Môi trường là vấn đề quan tâm của toàn xã hội, do đó ý thức bảo vệ môi trường phải được thể hiện ở người dân, các tổ chức. Nhưng trên thực tế, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đều chưa thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cụ thể là chưa xây dựng được hệ thống xử ký nước thải tập trung. Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố đã giao cho Công ty TNHH Cấp thoát nước làm chủ nhà máy xử lý nước thải công suất 15.000m3/ngày đêm tại khu công nghiệp Trà Nóc. Dự án này sẽ xây dựng trong năm 2010 và hoàn thành vào năm 2012. Còn đối với các khu công nghiệp còn lại, thời gian tới cũng phải thực hiện các giải pháp khắc phục môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom nước thải từ các doanh nghiệp, xử lý trước khi thải ra môi trường...

Ông Dương Bá Diện cũng thừa nhận, hiện nay nước thải và khí thải của các doanh nghiệp chưa được quản lý nghiêm ngặt, nên còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền giáo dục, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường; xử phạt, thu hồi giấy phép môi trường, tạm đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm; đồng thời, đề nghị thành phố từng bước có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đối với công tác công tác thu gom, xử ký rác, thành phố đang chọn lựa địa điểm để xây dựng một nhà máy xử lý rác thải ở phường Phước Thới, quận Ô Môn để thu gom, xử lý rác tốt hơn. Hiện nay, đã có 37 nhà đầu tư tham gia dự thầu xây dựng nhà máy xử lý rác thải này...

* XÂY DỰNG KHU TÁI ĐỊNH CƯ, NHÀ Ở SINH VIÊN: CÓ CHUYỂN BIẾN

Trả lời câu hỏi của Thường trực HĐND thành phố về việc triển khai và tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thời gian qua, do nguồn kinh phí địa phương gặp khó khăn, nên các dự án nhà ở xã hội chưa được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Do đó, thành phố kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Kết quả, về nhà ở cho người thu nhập thấp có 3 dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2010 hoàn thành vào năm 2011 với quy mô 4.819 căn hộ (70-100m2/căn) trên tổng diện tích đất xây dựng là 16,6 ha. Về nhà ở sinh viên, có 2 dự án được thực hiện bằng vốn trái phiếu chính phủ với tổng diện tích sàn là 38.146m2, đáp ứng được 5.586 chỗ ở cho sinh viên. Hai dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Về nhà ở công nhân, UBND thành phố đã quy hoạch và giao cho Liên đoàn Lao động thành phố làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở Mái ấm công đoàn (6,4 ha tại phường Phước Thới, quận Ô Môn). Theo ông Lê Hồng Phát, do các chủ đầu tư nhận thấy đầu tư vào nhà ở xã hội ít lợi nhuận, nên chưa mặn mà tham gia đầu tư.

Ông Lê Hồng Phát cho biết, năm 2009 công tác này đã có nhiều tiến bộ. Hiện nay, có 6 khu tái định cư đã hoàn thành; 18 khu đang bồi thường giải phóng mặt bằng; 25 khu đang thực hiện thủ tục đầu tư. Hiện nay, các khu tái định cư đang được các chủ đầu tư khẩn trương thi công, nhằm phục vụ nhu cầu bố trí tái định cư của các dự án. Sở Xây dựng đã xây dựng và đang trình UBND thành phố ban hành cơ chế xã hội hóa việc xây dựng các khu tái định cư để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng thành phố đầu tư các khu tái định cư, nhằm giảm áp lực cho ngân sách thành phố.

* TIẾN ĐỘ CÁC CÔNG TRÌNH PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG: VẪN CHẬM...

Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an thành phố trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Ảnh: Q.T. 

Một lần nữa, tiến độ các công trình giao thông lại được đặt ra tại kỳ họp này. Ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết: Công trình thi công các cầu trên tỉnh lộ 921, đoạn từ cầu Ngã Tư đến thị trấn Cờ Đỏ, chưa hoàn thành là do việc giải phóng mặt bằng của địa phương chậm. Còn tỉnh lộ 923 có 7 cầu, đến nay đã giao 3 cầu, còn vướng các cầu: Cái Sơn, Tràng Tiền, Rạch Kè. Nhưng Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lê Tấn Học “hứa” phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán 2010 người dân sẽ đi lại trên cầu mới toàn tuyến. Đồng thời, khi cầu mới thông xe sẽ dỡ ngay cầu tạm giao cho huyện Phong Điền làm cầu giao thông nông thôn. Công trình cầu Đầu Sấu, cầu Cái Răng do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, nhưng theo ông Lê Tấn Học, cầu Đầu Sấu dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2010, nhưng mới đây nhà thầu Trung Quốc tham gia thi công xin gia hạn đến tháng 6-2010. Cầu Cái Răng dự kiến tháng 6-2010 xong, cũng xin gia hạn tháng 2 - 2011 sẽ hoàn thành. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thức, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng thành phố, cho biết dự án quốc lộ 91B đã hoàn thành phần đường và đã thi công xong 20/22 cầu, 2 cầu Kinh Thủy và Bình Thủy sẽ hoàn thành thông xe kỹ thuật Tết Nguyên đán tới.

Đại biểu Tăng Hồng chất vấn: “Công trình kè sông Cần Thơ bao giờ khởi công, có chia ra nhiều giai đoạn đầu tư, chợ Tân An có di dời...?”. Ông Nguyễn Hoàng Thức thừa nhận, đây là dự án vô cùng khó khăn, phức tạp, sẽ ảnh hưởng gần 1.000 căn nhà phải di dời, do đó sớm nhất cũng phải tới quí III-2010 mới có thể khởi công. Nhưng dự án không chia từng đoạn thi công, mà triển khai đồng loạt từ Nhà khách số 2 tới cầu Cái Sơn. Hiện nay, thành phố đã chuẩn bị một số khu tái định cư để phục vụ dự án này, như: Khu tái định cư Phú An (Nam Cần Thơ) với 400 nền, khu tái định cư Thới Nhựt 2 và một số khu khác đang triển khai xây dựng.

* NÔNG DÂN TIẾP CẬN VỐN VAY: QUÁ NHIỀU RÀO CẢN

Liên quan đến vấn đề được nông dân quan tâm là hỗ trợ lãi suất để mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 497/QĐ-TTg. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ - Hà Hồng Ngọc cho biết, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn thành phố đạt 12.361 tỉ đồng, chiếm 3% cả nước và cao nhất vùng ĐBSCL. Thế nhưng, dư nợ cho vay hỗ trợ nông dân để mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 497/QĐ-TTg chỉ đạt 2,361 tỉ đồng. Ông Ngọc chia sẻ, việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 497/QĐ-TTg hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do điều kiện, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn so với cho vay thông thường. Cụ thể, chỉ hỗ trợ đối với khoản vay để mua hàng hóa sản xuất trong nước; phải có xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay; mức tiền vay tối đa để mua vật tư nông nghiệp là 7 triệu đồng/ha, không đủ để trang trải chi phí sản xuất...

Ông Ngọc cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để trình Chính phủ trong quí IV-2009 ban hành nghị định về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó có chính sách tạo điều kiện cho hộ sản xuất, chủ trang trại và hợp tác xã vay vốn. Mặt khác, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trước mắt rà soát các thủ tục và rút ngắn quy trình xét duyệt cho vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận vốn vay... Hy vọng, chủ trương mới sẽ “cởi trói” cho nông dân vay hỗ trợ lãi suất được tiếp cận nguồn vốn nhằm đẩy mạnh phát triển “tam nông”.

* VĂN HÓA - XÃ HỘI: CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Theo ông Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho y tế tuyến cơ sở, ngành y tế có những giải pháp chính, như: củng cố nguồn nhân lực tại trạm y tế để ổn định nhân lực tại trạm, tăng cường đào tạo theo nhiều hình thức, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường bác sĩ về trạm y tế, tăng cường giáo dục y đức trong đội ngũ, hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trả lời câu hỏi của thường trực HĐND về kết quả của công tác phòng chống HIV/AIDS, ông Lê Hùng Dũng cho biết ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình, như: phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, nhiễm trùng cơ hội, tuyên truyền, triển khai các phòng khám ngoại trú... Nhờ đó, từ năm 2008 Cần Thơ đã thoát ra khỏi nhóm 10 tỉnh, thành có số ca nhiễm HIV/AIDS cao nhất nước. Trong khi đó, việc thực hiện thí điểm đều giảm tác hại Methadone hiện đang gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất.

 Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 17 HĐND thành phố tham gia thảo luận tại tổ. Ảnh: Q.T.

Về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là phải làm thường xuyên, liên tục và phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban ngành, chính quyền địa phương. Phía ngành y tế sẽ củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Đồng thời, kết hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép hoạt động.

Việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và tài chính (NĐ 43) đã giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng thu nhập cho đội ngũ giáo viên, tự chủ trong chi tiêu, biên chế... Theo ông Trần Trọng Khiếm, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay ngành giáo dục có 365/376 trường học thực hiện NĐ 43, đạt tỷ lệ 98%; còn 7 đơn vị chưa thực hiện do mới thành lập, chưa có kế toán, năng lực chưa đảm bảo. Năm 2009, việc phân bổ ngân sách ở các quận huyện chưa thống nhất theo cử tri và hội đồng nhân dân là có xảy ra. Cụ thể, có nơi do phòng giáo dục phân bổ, nhưng có nơi do phòng tài chính huyện giao. Tuy nhiên, việc cấp phát kinh phí này vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường học đúng theo NĐ 43. Riêng việc thực hiện quyền tự chủ quản lý biên chế thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố và cấp độ thực hiện nghị định, trình độ năng lực, điều kiện vùng sâu vùng xa, chất lượng... Như vậy, việc quyết định nâng lương, bổ nhiệm, tuyển dụng... cần có qui định cụ thể. Hướng tới, ngành sẽ có hướng dẫn thống nhất cụ thể, phù hợp để các trường thực hiện tự chủ biên chế tốt hơn.

Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, cho biết để hạn chế tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, công an thành phố sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong phòng chống tội phạm. Ngoài ra, công an các cấp tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp ủy và UBND các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia xây dựng mô hình 3 không (không tội phạm, không ma túy, không mại dâm). Phối hợp với dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, dân phòng, vận động thanh niên tốt tham gia tuần tra canh gác, đảm bảo trật tự tại cơ sở. Công an sẽ tăng cường công tác phòng ngừa nghiệp vụ, rà soát quản lý chặt các đối tượng tội phạm có tổ chức, chuyên nghiệp, tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, đâm thuê, chém mướn, bảo kê, cho vay nặng lãi, các tụ điểm đánh bạc, số đề... đối tượng vi phạm thì đấu tranh, truy tố. Đối tượng chưa đến mức xử lý bằng pháp luật thì giao đoàn thể quản lý, giáo dục, tạo công ăn việc làm ổn định...

Về trật tự giao thông và các giải pháp làm giảm tai nạn giao thông, đồng chí Thiếu tướng cho rằng giải pháp trước mắt là tiếp tục tuyên truyền pháp luật giao thông để người dân nắm vững và chấp hành. Đề xuất các ngành chức năng kẻ vẽ làn đường, xây dải phân cách một số tuyến đường cần thiết... Tăng cường cảnh sát giao thông ở các điểm đen, điểm thường xảy ra tai nạn giao thông. Sắp tới thành phố sẽ lắp đặt camera đường phố, giám sát trật tự an toàn giao thông, phấn đấu giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới...

Nhận xét về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành Ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng việc trả lời chất vấn của nhiều lãnh đạo sở, ban, ngành đã đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, nêu được các giải pháp tổ chức thực hiện thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trả lời chung chung, chưa mạnh dạn nhận trách nhiệm, để tìm ra giải pháp thực hiện phù hợp.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chia sẻ bài viết