03/02/2016 - 21:38

Nhịp cầu dân cử

Đề nghị định hướng cho nông dân sản xuất khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương

Trước kỳ họp thứ 18 HĐND thành phố, cử tri quận Bình Thủy và quận Thốt Nốt đề nghị thành phố cho biết thành phố có định hướng gì cho nông dân khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Nội dung trả lời của Sở Công thương thành phố như sau:

Để nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, phát triển nông thôn, chủ động hơn trong hội nhập quốc tế nói chung, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) nói riêng, thành phố cũng đã có các hoạt động định hướng cho người nông dân. Một số công tác tiêu biểu như:

- Tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các mô hình trồng cây màu có hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã chuyển đổi được 8.891 lượt ha đất lúa sang trồng cây ăn màu có hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo đúng định hướng.

- Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ, vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học tích hợp các công nghệ tiên tiến tạo ra 12 công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản,… đưa vào hoạt động sản xuất thực tế như: công nghệ sản xuất nước uống ion+O2, công nghệ vật lý- oxy hóa sâu để xử lý nước ngầm cấp cho sinh hoạt ở nông thôn; công nghệ xử lý cáu cặn lò hơi- không dùng hóa chất; công nghệ xử lý cáu cặn gỉ sét tháp giải nhiệt- không dùng hóa chất; công nghệ xử lý mùi.

- Tổ chức tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản,… Sử dụng nguồn kinh phí địa phương và Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để hỗ trợ giống cho nông dân phát triển các loại hình sản xuất (lúa, cây ăn trái, trồng ấu, sen và thủy sản).

- Khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng, theo thống kê 2014, toàn thành phố có 726 máy gặt đập liên hợp và 869 lò sấy đáp ứng cắt gặt trên 83% diện tích vụ đông xuân, 92% diện tích vụ hè thu và 100% diện tích vụ thu đông.

- Khuyến khích nông dân tham gia xây dựng chuỗi nông sản chủ lực của thành phố gồm: chuỗi liên kết lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn với sự liên kết "4 nhà", có 63 ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGap (được đăng ký nhãn hiệu Gạo thơm Đồng Vạn) và 100 ha lúa đạt tiêu chuẩn Global Gap; phát triển vùng rau màu và cây nông nghiệp ngắn ngày cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp: đã có 304 ha được công nhận hoặc tự công bố sản xuất rau an toàn, trong đó, có 4 xã sản xuất rau an toàn liên kết với siêu thị Metro và siêu thị Coopmart; phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái, gồm: vùng vú sữa Phong Điền với diện tích 950 ha, vùng dâu Hạ Châu với diện tích 70 ha, vùng cát Hòa Lộc với sản lượng 10.000 tấn/năm, vùng cam mật với diện tích 70 ha, vùng nhãn với diện tích mỗi vùng trên 120 ha...

- Khuyến khích nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và bảo quản, chế biến nông sản một cách có trọng tâm, trọng điểm thông qua việc triển khai các hợp phần đề án lĩnh vực nông nghiệp; đối với tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ ở nông thôn, gắn với thị trường tiêu thụ.

- Tiếp tục triển khai các đề tài, dự án, mô hình giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trong sản xuất như: dự án CoriGAP, WB6, "xây dựng mô hình công nghệ sinh thái quản lý dịch hại trên lúa tại TP Cần Thơ", các mô hình khuyến nông năm 2015,…

Chia sẻ bài viết