02/02/2018 - 20:31

Dạy con việc Tết, gắn kết yêu thương 

Con gái chị H. (quận Bình Thủy) tuy vào lớp 10 nhưng vẫn chưa biết làm việc nhà hay tự mình dọn dẹp phòng, đồ dùng cá nhân. Đặc biệt, khoảng thời gian cận Tết bận bịu, mặc chị H. tất tả dọn dẹp, con của chị vẫn thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra… Chị H. tâm sự: “Nhiều người nói, tôi nên tập tành bé làm việc nhà, nhất là các khâu chuẩn bị trong Tết, giúp bé trải nghiệm những điều mới mẻ và cảm nhận sâu sắc hơn không khí đầm ấm gia đình cũng như giá trị Tết cổ truyền dân tộc”.  

Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đồng hành trong các hoạt động mua sắm, chuẩn bị đón Tết giúp trẻ cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Q.LAM

Nhiều phụ huynh thế hệ 7X, 8X không khỏi ngạc nhiên trước hiện tượng giới trẻ, gần nhất là con cháu trong gia đình, dường như thiếu sự háo hức, mong chờ đến Tết như họ trước kia. Chị Lê Thanh Kiều (quận Bình Thủy) nhớ lại: “Vui nhất là không khí chuẩn bị đón Tết. Nhà tranh thủ đất trống trồng hoa, rau, làm khô, nuôi thêm bầy gà, vịt… nhà lặt mai, quét vôi, chùi lư, đánh bóng tủ, bàn, ghế... Ai cũng háo hức, phấn khởi, lũ trẻ chúng tôi lúc nào cũng lăng xăng theo người lớn học hỏi mọi thứ. Cứ thế, mỗi năm là mỗi tích lũy kinh nghiệm nhiều hơn...”.

Chia sẻ vấn đề này, nhiều người cho rằng, Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ, còn là thời điểm “vàng” để chia sẻ với con nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích trong cuộc sống. Chị H. (quận Bình Thủy) bộc bạch: “Nhiều người thấy tôi vất vả, lo toan chuẩn bị mọi thứ thì khuyên nên san sẻ việc nhà và hướng dẫn, tập tành con gái phụ mẹ. Chuyện gì đơn giản, gọn nhẹ được thì giản tiện. Riêng tôi muốn tự chuẩn bị Tết, trước để vừa ý mình, sau tạo môi trường gắn kết hơn các thành viên trong gia đình”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Phượng (huyện Cờ Đỏ) thường tranh thủ dịp Tết dạy hai con gái làm việc nhà và nhất là trau dồi kỹ năng nữ công gia chánh. Chị Phượng kể: “Ngày nay, thức ăn chế biến sẵn tuy tiện lợi, đa dạng nhưng ngày Tết tôi muốn tự tay làm một số món ăn, hay các loại bánh mứt truyền thống. Những lúc cả nhà quây quần cắt củ kiệu, muối dưa cải hay ngào chuối, sên mứt dừa..., tôi dạy các con rất nhiều điều. Qua đó, giúp các con thêm yêu quý gia đình và hướng về cội nguồn dân tộc”. Cũng theo chị Phượng, mấy năm trước, hai con gái của chị phần còn nhỏ, phần bận rộn việc học nên vợ chồng chị quán xuyến việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Hai năm nay, chị Phượng bắt đầu lên kế hoạch phân chia công việc cụ thể từng thành viên; ông xã chị đảm nhiệm việc nặng nhọc, ngoài trời, còn chị và hai con gái phụ trách những phần việc nhẹ nhàng, tỉ mỉ trong nhà, như: quét dọn, trang trí...

Nhiều phụ huynh cho rằng, không phải con trẻ nào cũng hứng thú với việc chuẩn bị Tết. Vì vậy, những cách nêu trên chỉ có thể áp dụng đối với trẻ vị thành niên, biết quan tâm, còn những bé nhỏ hơn cần có “bí quyết” để “lôi kéo”. Đó có thể là biến việc nhà thành trò chơi vui nhộn, thay đổi những hành vi, thói quen, đưa ra mục tiêu, ý nghĩa, thử thách nhiều hơn, khích lệ đúng lúc... Tuy nhiên, cần nhất để trẻ có quyền tự quyết, sẽ đạt kết quả cao hơn.

ĐAN NHƯ

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dạy con