10/12/2007 - 11:12

Dạy con bằng chính bản thân mình

Những tia nắng sáng dịu nhẹ chan hòa trước sân nhà. Lối đi vào vườn lan vẫn còn ẩm ướt sau cơn mưa đêm, bà nhắc ông: “Coi chừng trơn trợt nghe ông!”. 40 năm, vợ chồng ông Ba Lập (ông Lê Thành Lập- nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ và bà Võ Thị Nhị) đã đồng cam cộng khổ nuôi dạy 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Trong câu chuyện của ông bà, tôi cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ, sự nghiêm khắc của người cha. Có lẽ đó là các yếu tố cộng hưởng thành những bài học để giáo dục con cái nên người.

 Vợ chồng ông Lê Thành Lập bên vườn lan nhà mình.  

Nhắc đến chuyện nuôi dạy con cái, ông Ba Lập không quên sự “hy sinh” của vợ mình. Sau ngày giải phóng miền Nam, khi ông được phân công về làm Hiệu phó Trường Y Dược khu Tây Nam Bộ (nằm trong Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ), bà và các con từ Cà Mau cũng theo về Cần Thơ. Bà quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con. Giọng bà nhẹ nhàng: “Mình cũng từng tham gia công tác Dân y khu 9 nên khi nghỉ việc cũng tiếc lắm chứ! Nhưng mình đi làm thì ai lo việc nhà, chẳng lẽ để con chịu dốt”. Tiếng là về Cần Thơ theo chồng nhưng ông Ba Lập lại đi miết, hết xuống Vị Thanh để xây dựng cơ sở mới của Trường Trung học Y tế tỉnh Hậu Giang đến đi học ở TP Hồ Chí Minh, học ở nước ngoài. Vì vậy, việc lớn việc nhỏ trong nhà một tay bà quán xuyến.

Thời bao cấp, một mình ông Ba Lập đi làm nuôi vợ và 4 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn không phải là chuyện đơn giản. Vợ chồng ông nghĩ và làm đủ cách để có đồng ra, đồng vào lo cái ăn, cái học cho con. Được Bệnh viện Đa khoa giao cho căn nhà tập thể, bà quây lấy ngay một góc nhà để nuôi heo. Ông thì rủ bạn bè, đồng nghiệp chung vốn qua cồn Khương mướn xáng cạp bao đê làm ruộng, làm rẫy.

Có những buổi bà Ba dậy từ 4- 5 giờ sáng, chạy ra cửa hàng nộp sổ cám rồi lại quầy quả quay về lo cho con đi học, xong mới chạy ra cửa hàng lấy cám về cho heo ăn. Có lúc lúa gần thu hoạch thì nước lũ dâng lên, ngập mênh mông, ông Ba Lập lại huy động vợ con qua cồn, ngâm mình dưới nước, gặt được bao nhiêu hay bấy nhiêu. 3 công ruộng mà chỉ được chục ngoài giạ, chở về đến nhà thì nhà cũng ngập lênh láng, phải trải lúa ra bàn, ra giường mà hong cho khô.

Năm 1986, được đồng đội cũ cho mượn 2 chỉ vàng (lúc ấy, trị giá 90.000 đồng), ông mua 2 công đất ở đường Cái Sơn - Hàng Bàng. Có đất, ông bắt đầu lên liếp, trồng cây; bà thì bày biện một quán cóc, buôn bán lặt vặt hàng tạp hóa, bánh, kẹo, nước đá bào... Ông hào hứng kể: “Bây giờ, ở nhà vẫn còn giữ bàn bào nước đá hồi đó mua để bào đá bán cho trẻ con. Giữ để nhớ giai đoạn khó khăn mà cả nhà đã trải qua. Để có tiền lo cho con ăn học, cực khổ mấy, vợ chồng tôi cũng không ngại”.

Thương con là thế nhưng ông cũng rất nghiêm khắc với con. Ngày lễ, ngày hè, chủ nhật, con nghỉ học ở nhà, ông phân công lao động hẳn hoi: làm cỏ vườn, vun gốc cây, dội chuồng heo... Hàng xóm đi ngang thấy thế cũng cảm phục cách dạy con của ông. Còn bà Ba Lập thì cứ rủ rỉ rù rì khuyên bảo: “Ba đi công tác, đi học xa, các con ở nhà ráng tiếp việc nhà để có tiền đi học”. Nói về các con mình, ông Ba Lập nhận xét thẳng thắn: “Mấy đứa con của tôi học không xuất sắc lắm nhưng lên lớp thì đều đều. Nuôi con, thương con nhưng mình phải hiểu con để hướng cho con bước đi phù hợp”.

Năm học lớp 10, con trai thứ 3 của ông - anh Lê Việt Trung, hiện công tác tại Bưu điện Cần Thơ - đột nhiên xin đi bộ đội. Ông tìm hiểu và biết con mình hết ham học rồi. Buồn nhưng ông chấp nhận đề nghị của anh Trung vì tin rằng môi trường quân đội sẽ rèn luyện để con mình trưởng thành hơn. Sau khi anh Trung xuất ngũ, ông mới hỏi anh muốn đi học tiếp hay muốn đi làm và anh Trung đã quyết định đi học trở lại. Ông kể: “Tôi cho thằng Trung đi học bổ túc chứ không học phổ thông vì lo khi học với bạn bè nhỏ tuổi hơn, con mình sẽ tự ái, không học được. Vào lớp bổ túc, học với những người lớn tuổi hơn, con mình sẽ không bị sĩ diện và học tập hăng hái”. Thực tế cho thấy ông đã nghĩ và làm đúng. Anh Lê Việt Trung học một mạch hết cấp 3 rồi vào đại học và trở thành kỹ sư điện tử.

Ông bà Ba Lập quan niệm rằng dạy con bằng lời nói tác dụng không cao so với dạy con bằng hành động. Ông nói: “Con cháu mình nhìn vào mỗi hành động, cử chỉ, sinh hoạt, cách đối nhân xử thế của mình để học tập”. Sau giải phóng, công việc ổn định, ông làm đơn xin đi học bổ túc lớp 11, 12. Thấy tôi ngạc nhiên vì tại sao ông đã có bằng bác sĩ từ năm 1972 rồi quay lại học phổ thông, ông cười, bộc bạch: “Trong chiến tranh, khi học lớp 10 (theo hệ 10 năm của miền Bắc), tôi chỉ học 3 môn: Lý, Hóa, Sinh. Vì vậy, tôi xin đi học để được học lại đầy đủ các môn. Học bổ túc nhưng tôi cũng xin ngưng làm việc hẳn để tập trung cho việc học. Tôi nghĩ được bổ sung thêm kiến thức là rất quý cho công việc của mình sau này”.

Chính bởi quan niệm như vậy, ông luôn đầu tư thỏa đáng cho việc học của con cái, của bản thân mình. Trên kệ sách ở phòng khách trong nhà, ông vẫn đặt trang trọng chiếc cassette cũ kỹ. Ông khoe: “Hồi tôi đi học ở TP Hồ Chí Minh, nhà nghèo quá, không có tiền, tôi trả lại 3 công đất bên cồn Khương cho hải quan, được một ít tiền. Tôi mua cái cassette để học tiếng Anh và chiếc xe đạp để tiện việc học”. Bận bịu công việc cơ quan, việc học hành nhưng ông vẫn thường xuyên theo dõi việc học của con, dạy cho con từng phép tính, từng bài văn. Điều ông lo nhất là những tiêu cực bên ngoài xã hội sẽ tác động làm con cái “gãy đổ”. Vì vậy, con đi chơi với ai, bạn bè của con tốt hay xấu, gia đình như thế nào- ông đều để tâm tìm hiểu và đưa ra lời khuyên đối với con cái. Ông bảo: “Phải theo dõi chặt việc học của con để thấy con lơi ra là mình nắm được nguyên nhân ngay và có hướng can thiep hợp lý, kịp thời”.

Nhờ sự sâu sát ấy, các con ông bà Ba Lập đều học hành thành đạt. Con gái lớn Lê Thị Cẩm Thanh, bác sĩ chuyên khoa 1, hiện là Trưởng Phòng Kế hoạch Bệnh viện Mắt - Răng - Hàm - Mặt TP Cần Thơ. Con trai thứ hai Lê Việt Trung là kỹ sư điện tử, đang công tác tại Bưu điện TP Cần Thơ. Con trai thứ ba Lê Việt Khoa có 2 bằng đại học: Tin học và Anh văn, hiện là Phó Phòng Kỹ thuật Đài Phát thanh Truyền hình TP Cần Thơ. Con gái út Lê Thị Cẩm Hường, cử nhân Anh văn, đang kinh doanh tại Đức. Gia đình ông Lê Thành Lập là một trong những gia đình hiếu học tiêu biểu của TP Cần Thơ, được chọn báo cáo điển hình tại đại hội biểu dương gia đình hiếu học toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.

***

Bà Ba Lập dẫn tôi đi một vòng quanh nhà, khoe hình con gái, hình cháu ngoại, mặt cứ rạng ngời hạnh phúc. Nét vất vả, khổ nhọc mấy mươi năm vì chồng vì con đã lặn vào từng nụ cười lấp lánh trên môi, trên mắt của bà. Còn ông Ba Lập đang đọc tài liệu, chuẩn bị cho những giờ giảng bài tại Trường Cao đẳng Y tế TP Cần Thơ và Trường Chính trị TP Cần Thơ. Không ngại công vất vả, ngày nay, ông bà mới có được niềm hạnh phúc, thảnh thơi tận hưởng “mùa quả ngọt” do chính đôi tay mình vun trồng, chăm bón.

SỸ HUIÊN

Chia sẻ bài viết