02/10/2010 - 09:24

Đất nghèo hiếu học

Được tiếp sức đến trường, học sinh của huyện Hồng Dân luôn lạc quan, yêu đời và vững tin hơn vào con đường học vấn.

Vùng đất này ngày trước là khu căn cứ cách mạng, nhân dân địa phương không tiếc máu xương để đùm bọc, chở che cán bộ, chiến sĩ, góp phần cùng với nhân dân cả nước đánh thắng quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Nối tiếp truyền thống tốt đẹp ấy, vùng đất nghèo ngày nào lại tiếp tục nuôi dưỡng, tiếp sức cho những tài năng tri thức...

* “Còn bụi trúc cũng lo cho con!”...

Do phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, nên đến nay Hồng Dân vẫn còn là huyện vùng sâu nghèo nhất của tỉnh Bạc Liêu. Toàn huyện có 9 xã thì có tới 7 xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Tuy nghèo về mặt bằng chung nhưng xét về việc quan tâm, đầu tư cho thế hệ trẻ, lâu nay Hồng Dân được nhiều người biết đến là vùng đất hiếu học.

Nói về chuyện nuôi con ăn học ở vùng đất nghèo Hồng Dân, không ít gia đình đã gieo trong lòng tôi niềm cảm kích vô tận. Phần lớn trong số họ là những nông dân cả đời dốt chữ, chân lấm tay bùn... Thấm thía nỗi khổ cực, thiệt thòi của người nông dân dốt chữ, nên bà con nơi đây quyết chí thay đổi số phận con em mình bằng con đường học vấn.

Với suy nghĩ đó, vợ chồng ông Võ Thanh Long, ở ấp Ngang Kè, xã Ninh Quới, đã nuôi 5 người con của mình ăn học thành tài, dù gia đình không có “một cục đất chọi chim”. Để có tiền cho con đi học, hai vợ chồng ông làm mướn quần quật quanh năm. Số tiền chắt chiu dành dụm được hầu như chỉ đủ cho các con ông học hành trong điều kiện thiếu thốn. Vậy nhưng, vượt lên những khó khăn vật chất, 5 người con của ông Long đã công thành danh toại. Chị Võ Ngọc Cần bây giờ là hiệu trưởng trường mẫu giáo, chị Võ Ngọc Hiền là chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hồng Dân, 3 người con còn lại của ông cũng trở thành công chức của ngành giáo dục huyện. “Hồi ở ký túc xá trường sư phạm, tụi nó mấy tháng liền chỉ ăn cơm với cà chua, rau muống và đậu hủ. Thương con đứt ruột nhưng tôi không biết phải làm gì hơn, vì gia đình quá nghèo, chỉ biết động viên chúng nó thôi” - Mỗi khi khơi lại chuyện ngày trước, bà Lương Thị Tấn - vợ ông Long - nói mà đôi mắt ngân ngấn nước.

Cũng với quyết tâm làm thay đổi số phận các con mình bằng con đường học vấn, gia sản của gia đình ông Trịnh Văn Ky, ở ấp Bà Ai 1, xã Lộc Ninh, lần lượt ra đi. Để có tiền kịp gởi cho các con hàng tháng, nhiều lúc hai vợ chồng ông phải vay mượn khắp nơi, thậm chí bán lúa non trên ruộng. Đến ngày các con ông sắp ra trường, tài sản, đất đai gần như bán hết, ngay cả những bụi trúc sau cùng của vườn nhà cũng bán đi. Ông Ky tâm sự: “Đời tôi dốt chữ nên vất vả, cực khổ lắm. Bởi vậy, tôi không muốn các con mình dốt như tôi”. Cho đến tận bây giờ, bà Từ Thị Chẩn - vợ ông Ky - vẫn không tài nào nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần chèo xuồng từ huyện mang gạo lên tận Bạc Liêu cho các con. Không phụ công lao của cha mẹ, anh Trịnh Tấn Y- con trai lớn của ông bà - quyết tâm học tập rồi trở thành bác sĩ. Còn Trịnh Hoài Thanh, người con thứ, bây giờ cũng là kỹ sư nông nghiệp, hiện anh là một trong những cán bộ chủ chốt của huyện Hồng Dân. “Nhà nghèo, đông con nên mỗi đứa đi học chỉ được 2 bộ quần áo thôi. Hễ đi học đến đâu là tụi nó đem nồi niêu, xoong chảo theo đến đó. Lúc thằng Thanh học Đại học nông nghiệp, tôi lên thăm thấy nó ốm nhom tưởng nó bị bệnh, nhưng dò hỏi bạn bè xung quanh mới biết nó ăn cơm không đủ no” - Bà Chẩn kể lại chuyện xưa mà đôi mắt đỏ hoe!

Ông Danh Sang, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Hồng Dân, cho biết: Không riêng gì gia đình ông Long hay ông Ky, ở huyện Hồng Dân hiện có hàng trăm gia đình hiếu học, tiêu biểu như gia đình các ông: Lê Văn Vườn, Tăng Kim Nữa, Phan Minh Tuyền, Ngô Sơn Thạch, Nguyễn Văn Trì, Danh Đông... Họ đều là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa giáo dục, quyết tâm làm thay đổi số phận con cái từ nông dân nghèo sang tri thức. Những nhân tố tích cực ấy đã khiến phong trào chăm lo cho con cái ăn học của nông dân trong huyện ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...

* “Tiếp lửa” cho học sinh nghèo

Đầu năm học 2010-2011 này, chỉ tính riêng đợt xét tuyển nguyện vọng 1, huyện Hồng Dân đã có trên 100 tân sinh viên, trong khi ở thời điểm 4 năm về trước, toàn huyện chỉ có 14 tân sinh viên. Không phải ngẫu nhiên mà một huyện nghèo như Hồng Dân lại gặt hái được kết quả khả quan và đầy tự hào như vậy...

Nhằm tiếp sức cho con em địa phương đến được các trường đại học, từ năm 2006-2007, Hội Khuyến học huyện đã nỗ lực vận động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện chính sách hỗ trợ đối với con em trong huyện thi đậu năm đầu tiên vào các trường Đại học trên phạm vi cả nước. Chú Danh Mạnh, ở ấp Bà Gồng, thị trấn Ngang Dừa, có con gái là Thị Lương đậu vào đại học được nhận học bổng hỗ trợ của huyện trong năm học 2008-2009, vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi không có đất đai gì cả, chỉ làm mướn, làm thuê cắt củm từng đồng để nuôi con ăn học. Nhiều lúc không có tiền phải chạy làng, chạy xóm mượn. Vì vậy, suất học bổng mà huyện trao tặng như “chiếc phao cứu sinh” đối với gia đình tôi. Cái bữa nhận được giấy mời đi lãnh học bổng cho con, cả nhà tôi mừng lắm”.

Nhờ được huyện tiếp sức, đến nay, em Thị Lương, con chú Danh Mạnh, đã bước tiếp vào năm thứ 3 sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ. Mấy năm qua, em Lương vẫn nhớ hoài cái giây phút được huyện tặng học bổng. Em kể: “Hôm ấy, nâng niu trên tay phần học bổng của huyện mà em cứ tưởng như trong mơ vậy. Bởi từ trước giờ em chưa bao giờ cầm trên tay số tiền lớn như thế. Vượt qua giá trị về vật chất, nó như nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao, thôi thúc em phải cố gắng hơn nữa trong học tập để không phụ lòng của các cô, các chú lãnh đạo huyện nhà dành cho tụi em”.

Học bổng của huyện trao tặng cho các tân sinh viên gồm một sổ tiết kiệm ngân hàng không kỳ hạn trị giá 3 triệu đồng. Riêng với những sinh viên thuộc diện hộ nghèo, có thể nhận được học bổng đến 5 triệu đồng. Kèm theo suất học bổng là giấy khen của Hội Khuyến học huyện, bên dưới có dòng chữ “Mong em phấn đấu hơn nữa để phục vụ quê hương”. Đây như một lời nhắn nhủ chân tình mà huyện Hồng Dân muốn gởi đến những tân sinh viên đang miệt mài học tập trên giảng đường đại học chắt chiu tri thức, góp sức mình làm giàu đẹp cho quê hương. “Học bổng tuy chưa nhiều nhưng đây chính là tấm lòng mà đảng bộ và quân dân huyện nhà dành cho con em quê hương mình, giúp các em giải quyết phần nào khó khăn trước mắt khi bước chân vào giảng đường đại học”- Ông Trần Tấn Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, bày tỏ.

Ngoài hình thức hỗ trợ cho học sinh khi mới thi đậu vào đại học, thời gian qua, huyện Hồng Dân còn quan tâm sát sao đến tất cả các sinh viên đang học tại các trường. Hàng năm, huyện đều tổ chức đoàn đến thăm và động viên sinh viên ở các trường Đại học tại Bạc Liêu, Đại học Cần Thơ, Đại học Cửu Long, Đại học Tây Đô... tặng quà và học bổng cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ học, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các chi hội sinh viên... Chính sự quan tâm ấy đã tác động mạnh mẽ đến giới trẻ Hồng Dân, thôi thúc học sinh huyện nhà không ngừng cố gắng để bước vào đại học như trong thời gian qua.

Ông Trần Tấn Đạt tâm sự: “Huyện còn nghèo nên những nỗ lực của chúng tôi không ngoài mục đích để nuôi dưỡng chất xám cho tương lai. Chúng tôi chỉ hy vọng các em trở thành những trí thức trẻ, năng động nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo. Khi ra trường, các em muốn làm việc ở đâu tùy thuộc vào sự lựa chọn của các em, bởi lẽ các em có lập nghiệp, cống hiến ở đâu chăng nữa thì cũng chính là làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước. Còn em nào có nguyện vọng về địa phương công tác, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi”.

Những lời tâm tình đầy trách nhiệm của đồng chí lãnh đạo huyện khiến tôi tự hỏi lòng, có phải vì lẽ đó mà những năm qua, nền giáo dục huyện Hồng Dân đã có thêm những bước tiến mới, số con em của huyện thi đậu và tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều. Nhiều người cho rằng, đầu tư cho tri thức là hành trang vững chắc cho tương lai, điều đó hoàn toàn đúng. Nguồn tri thức trẻ sẽ là nguồn nhân lực vô giá, góp phần kiến thiết giúp quê nghèo vươn lên mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Từ năm 2004-2009, Hội Khuyến học huyện Hồng Dân vận động quỹ từ nhiều nguồn trên 1,7 tỉ đồng, trong đó có hơn 1 tỉ đồng dành chi hỗ trợ và trao học bổng cho gần 2.300 học sinh, sinh viên nghèo... có thành tích tốt trong học tập. Vào dịp khai giảng năm học mới hàng năm, Hội hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, xe đạp cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong huyện. Năm 2009, Hội Khuyến học huyện Hồng Dân được Trung ương Hội tặng bằng khen về thành tích tốt trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.


Chia sẻ bài viết