07/09/2010 - 09:04

Đằng sau thông báo ngừng bắn của ETA?

Các phần tử ETA thông báo ngừng bắn. Ảnh: AFP

Việc Lực lượng vũ trang ly khai xứ Basque (ETA) ở Tây Ban Nha đơn phương thông báo ngừng bắn hôm 5-9 không có gì bất ngờ khi tổ chức này đã suy yếu sau quyết định trấn áp thẳng tay của chính quyền Madrid vài năm qua. Bên cạnh đó, trong nội bộ ETA cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi đình chiến.

Tuyên bố của ETA nhấn mạnh rằng tổ chức này vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu đòi độc lập cho xứ Basque, nhưng sẵn sàng “đồng ý các điều kiện dân chủ tối thiểu” để đạt được mục tiêu mà không tiến hành các hoạt động bạo lực. ETA nói rằng họ không tiến hành vụ tấn công nào trong vài tháng qua là “thể hiện một phần lệnh ngừng bắn không tuyên bố”. Đây dường như là “lời kêu gọi” cho một cuộc đàm phán hòa bình mới và cơ hội để kết thúc cuộc xung đột ly khai cuối cùng ở châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Tây Ban Nha tỏ ra nghi ngờ tuyên bố của ETA, bởi đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này đơn phương thông báo ngừng bắn.

Cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên giữa chính phủ Tây Ban Nha với ETA diễn ra vào năm 1998 sau khi lực lượng này kêu gọi “ngừng bắn vô thời hạn”. Thế nhưng, chỉ 14 tháng sau, ETA đã phá vỡ cam kết. Lần thứ hai, ETA tuyên bố “ngừng bắn vĩnh viễn” vào tháng 3-2006, và chính phủ Tây Ban Nha quyết định tổ chức đàm phán với tổ chức này để thiết lập hòa bình lâu dài, bất chấp một số người phản đối gay gắt. Rốt cuộc 9 tháng sau đó, tất cả mọi hy vọng đều tan vỡ, khi ETA đánh bom làm 2 người chết ở sân bay Madrid. Từ kinh nghiệm đó, chính phủ do đảng Xã hội cầm quyền ở Tây Ban Nha đã tỏ ra thận trọng hơn sau tuyên bố mới của ETA.

Mặt khác, tuy kêu gọi chính phủ Tây Ban Nha nối lại đàm phán, nhưng ETA không nói rõ về các điều khoản và không đề cập tới việc giải giáp vũ trang, vấn đề được chính quyền Madrid xem là then chốt của tiến trình hòa bình. Lập trường của Madrid là nếu ETA không từ bỏ bạo lực và giải giáp vũ trang, hai bên sẽ không có cuộc đàm phán hòa bình nào.

Thực tế, các quan chức Tây Ban Nha cho rằng phía sau việc ngừng bắn của ETA là nhằm che đậy sự suy yếu về quân sự của tổ chức này. Một số quan chức ở Madrid bác bỏ đề nghị của ETA vì coi đó là chiến thuật để tổ chức này tái cơ cấu và vũ trang. Vài năm qua, ETA bị tổn thất nặng do các chiến dịch truy quét của cảnh sát Pháp và Tây Ban Nha. Hồi tháng 3, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố đánh đuổi các phần tử ly khai xứ Basque, không để biên giới phía Tây Nam nước Pháp là nơi trú ẩn của ETA. Cảnh sát hai nước Pháp và Tây Ban Nha, cũng như các nước châu Âu khác, đã bắt giữ nhiều thủ lĩnh chủ chốt của ETA. Kể từ đầu năm đến nay, khoảng 58 thành viên ETA đã bị bắt, trong đó có thủ lĩnh Ibon Gogeaskotxea. Theo các nhà quan sát, ETA đang trong tình thế yếu nhất sau hơn 50 năm thành lập, khi có hơn 700 tay súng của tổ chức này đã xộ khám.

Mặt khác, ETA cũng đang thất thế về chính trị. Thông báo của ETA được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi chính đảng thân ETA là Batasuna và đồng minh Eusko Alkartasuna (EA) đề nghị tổ chức cực đoan này ngừng bắn. Trong hơn 5 thập kỷ qua, ETA đòi độc lập cho 7 tỉnh thuộc khu vực Basque, bằng con đường bạo lực. Tuy nhiên, khoảng 10 năm gần đây, cộng đồng xứ Basque đã có nhiều thay đổi. Chỉ khoảng 10-15% dân xứ Basque thường xuyên bỏ phiếu cho các đảng như Batasuna, nhưng năm 2003, đảng này bị cấm tham gia các cuộc bầu cử vì liên hệ với khủng bố. Trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đảng Dân tộc Basque (PNV) bảo thủ lần đầu tiên trong 3 thập niên qua bị mất quyền điều hành Basque. Tận dụng thời cơ lãnh đạo khu vực này, liên minh giữa đảng có cơ sở ở Madrid là đảng Xã hội (PSOE) và đảng Nhân dân (PP) đã tìm cách làm suy giảm sự ủng hộ ETA trong cộng đồng tự trị Basque (Euskadi) và ngăn cản các thành viên PNV trở lại nắm quyền.

Vì vậy, tuyên bố mới của ETA được xem là cách để các chính đảng đồng minh mở đường trở lại chính trường khi các cuộc bầu cử địa phương ở Basque sắp diễn ra vào năm tới và tạo điều kiện cho ETA có thêm thời gian củng cố lại lực lượng.

N. MINH (Theo BBC, THX)

Chia sẻ bài viết