15/03/2021 - 19:53

Đằng sau lý do phản đối song tịch ở châu Á 

Mặc dù nhiều nước trên thế giới chấp nhận quốc tịch kép như một hiệu ứng của quá trình toàn cầu hóa, châu Á lại là một ngoại lệ khi chỉ 65% quốc gia và vùng lãnh thổ (so với 91% ở châu Mỹ) chấp nhận công dân đa quốc tịch.

Sở hữu quốc tịch thứ hai vẫn bị cấm tại nhiều nước châu Á.

Sở hữu quốc tịch thứ hai vẫn bị cấm tại nhiều nước châu Á.

Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế, số lượng người thay đổi quốc gia cư trú trong ít nhất một năm đã tăng gấp 3 lần tính từ năm 1970 đến năm 2015. Tỷ lệ các nước chấp nhận công dân hợp pháp của hai quốc gia cùng lúc theo đó cũng tăng lên. Chẳng hạn như năm 1960, có không đến 1/3 quốc gia trên thế giới cho phép công dân sở hữu quốc tịch thứ hai so với gần ¾ hiện nay. Năm ngoái, Nga và Na Uy đã thông qua đạo luật sửa đổi cho phép công dân có hai quốc tịch.

Nhưng tại châu Á, ngoài Campuchia, Đông Timor, Úc, New Zealand và Fiji chấp nhận hai quốc tịch mà không cần báo trước cho chính quyền, hầu hết những nước còn lại đều phản đối hoặc đang thắt chặt các quy định về nhập quốc tịch. Điển hình như hồi tháng 1, một tòa sơ thẩm ở Nhật Bản đã ra phán quyết khẳng định luật quốc tịch của nước này là hợp hiến, qua đó bác bỏ đơn kiện của một nhóm người sinh ra tại Nhật Bản nhưng hiện sống ở châu Âu. Họ cáo buộc quy định pháp luật buộc công dân Nhật Bản từ bỏ quốc tịch khi có một quốc tịch nước ngoài là vi hiến. Theo điều 11 Luật Quốc tịch của Nhật Bản, công dân nước này muốn có quốc tịch nước khác sẽ tự động mất quốc tịch Nhật Bản. Luật cũng quy định những người dưới 20 tuổi có hai quốc tịch thì phải chọn lấy một trước khi tròn 22 tuổi, còn những người từ 20 tuổi trở lên bắt đầu có hai quốc tịch sẽ có hai năm để chọn giữ quốc tịch nào. Trung Quốc hồi tháng rồi cũng cứng rắn trong vấn đề kiểm soát quốc tịch khi tuyên bố không công nhận giá trị pháp lý của những người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại Anh (gọi tắt là BNO).

Lý giải việc phản đối sở hữu quốc tịch kép phổ biến tại châu Á, đồng Giám đốc Tổ chức theo dõi quốc tịch toàn cầu (GLOBALCIT) Jelena Dzankic cho rằng thực trạng này phản ánh chủ nghĩa dân tộc và lịch sử xung đột. Được biết, Luật Quốc tịch hiện hành của Nhật Bản được soạn thảo kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai khi nhiều công dân song tịch đã từ bỏ lòng trung thành với Nhật hoàng vì sự an toàn. Còn ở hiện tại, Giáo sư Atsushi Kondo tại Đại học Meijo cho rằng quan điểm về quốc tịch một phần bị ảnh hưởng bởi vấn đề sắc tộc. Một mặt ủng hộ sự bình đẳng giữa dân tộc và quyền công dân, nhưng người bình thường lẫn giới chính trị gia xứ Mặt trời mọc đồng thời tin Nhật Bản nên là quốc gia “đơn sắc tộc”. Trong khi ở các nước lớn như Trung Quốc, theo giảng viên lịch sử Low Choo Chin tại Đại học Sains Malaysia, mục tiêu cấm song tịch là vì muốn hạn chế chia rẽ giữa người dân một nước cũng như đảm bảo sự trung thành với tổ quốc. Trong chiến dịch chống tham nhũng, lệnh cấm này đồng thời ngăn các bị can lách luật trốn ra nước ngoài.

Dù lý do nào, các chuyên gia và cộng đồng những người sở hữu quốc tịch kép vẫn hy vọng có sự thay đổi khi tình hình di cư toàn cầu tăng lên. Đây sẽ không chỉ là nguyên tắc liên quan pháp luật mà còn là cơ chế giúp bảo vệ và mang lại cơ hội sống tốt hơn trong tương lai. Hiện một số nước châu Á đã ban hành quy định mới linh hoạt hơn. Ví dụ như Ấn Độ, nước này năm 2005 công bố chương trình cung cấp thẻ cư trú giống như hộ chiếu, không trao quyền công dân nhưng cho phép những người gốc Ấn sinh sống và làm việc tại nước này. Tuy vẫn là cấm công dân mang hai quốc tịch, nhưng động thái của New Delhi thể hiện sự thừa nhận quá trình toàn cầu hóa và từng bước thích ứng với xu hướng đó.

MAI QUYÊN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết