22/05/2018 - 07:52

Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế 

Hiện nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã xây dựng hàng trăm mô hình kinh tế hiệu quả, như: trồng thanh long ruột đỏ, trồng nấm bào ngư, trồng mít, chăn nuôi dê… Các mô hình kinh tế đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn CCB, cựu quân nhân (CQN) và người dân.

CCB Nguyễn Văn Oanh (trái) làm giàu với mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Ảnh: PHẠM TRUNG
CCB Nguyễn Văn Oanh (trái) làm giàu với mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Ảnh: PHẠM TRUNG

Tổ hợp tác (THT) cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái Hội CCB phường Phú Thứ, quận Cái Răng ra đời đầu năm 2016, với 34 thành viên, trong đó có 24 hội viên CCB, CQN. Những năm qua, các thành viên THT trồng nhiều loại cây: cam sành, bưởi, mít…; trong đó, mít được tập trung trồng nhiều, vì loại cây này ít bị sâu bệnh, công chăm sóc nhẹ, giá luôn ở mức cao, từ 35.000 đồng - 45.000 đồng/kg. Hiện nay, mỗi thành viên THT trồng mít đều có lãi từ 60 - 80 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. "Nhằm giúp các thành viên phát triển sản xuất, Hội CCB phường đã giới thiệu THT vay 810 triệu đồng. Mô hình trồng mít đạt hiệu quả đã giúp nâng cao đời sống các thành viên, giúp 10 CCB thoát nghèo"- CCB Võ Văn Út, Chủ tịch Hội CCB phường Phú Thứ cho biết.

Trước đây, gia đình CCB Nguyễn Văn Oanh, ở ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai có 17 công đất trồng lúa và hoa màu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2014, ông Oanh đầu tư trồng 450 gốc thanh long ruột đỏ trên 3 công đất. Cuối năm 2015, mỗi cây thanh long đã cho 20-40 trái, mỗi trái nặng 0,4-0,7 kg, đạt trọng lượng để xuất khẩu. Thấy trồng thanh long hiệu quả, ông Oanh tiếp tục mở rộng diện tích. Hiện nay, ông Oanh có 9 công đất trồng thanh long, với 1.350 gốc, thu lãi hơn 2 tỉ đồng/năm. Tháng 7-2017 được sự giúp đỡ của Hội CCB huyện Thới Lai và UBND xã Trường Xuân B, ông Oanh và 9 CCB, người dân thành lập THT trồng thanh long ruột đỏ. Ông Oanh cho biết: "Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, chính quyền địa phương phải hỗ trợ xây dựng nhà ở. Nhưng nay tôi đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng thanh long ruột đỏ. Sắp tới, tôi và CCB sẽ phấn đấu thành lập hợp tác xã để việc làm ăn phát triển tốt hơn".

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thịnh Phát (ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) do Hội CCB xã chủ trì, thành lập 8-2017, với 21 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 300 triệu đồng. HTX kinh doanh các ngành nghề: trồng lúa, chăn nuôi; hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi và sau thu hoạch; xử lý hạt giống để nhân giống, bao tiêu lúa giống. HTX tổ chức mời các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn nông dân cách làm đất, ủ giống, chăm sóc cây lúa… Trong vụ lúa đông xuân 2017-2018, HTX đã hợp đồng mua lúa giống của một công ty để phân phối cho các thành viên và người dân. Đồng thời liên hệ với các doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa. Ông Nguyễn Công Tốt, thành viên Ban Chủ nhiệm HTX, cho biết: "Các thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất cũng như vận động bà con bơm nước, bón phân đúng liều lượng để nâng cao chất lượng hạt lúa. HTX đã kết nối với các công ty lúa giống và thu mua lúa hàng hóa để giúp hội viên CCB, người dân không bị ép giá"...

Theo Hội CCB thành phố, hiện nay, toàn thành phố có 39 doanh nghiệp, 6 HTX, 63 THT, 7 trang trại và 158 mô hình kinh tế gia đình do CCB trực tiếp quản lý. Các mô hình đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 người. 2 năm qua, Hội CCB thành phố có 51 hội viên được Trung ương Hội CCB Việt Nam cấp Giấy chứng nhận hội viên sản xuất kinh doanh giỏi. Thời gian tới, Hội CCB thành phố tiếp tục hỗ trợ hội viên CCB phát triển kinh tế, giảm nghèo, như: hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho CCB, con em CCB và CQN… Đồng thời thành lập các THT để CCB đoàn kết, giúp nhau từng bước nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng.

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết