18/05/2019 - 10:32

Cuộc đấu “tay đôi” khó dự báo 

Hôm nay 18-5, cử tri Úc đi bỏ phiếu bầu nghị viện liên bang lần thứ 46, bao gồm toàn bộ 151 ghế hạ viện và 38 ghế trong tổng số 76 ghế thượng viện, đồng thời quyết định ai sẽ nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 3 năm tới.

Thủ tướng Morrison (phải) và đối thủ Shorten. Ảnh: EPA

Tại cuộc bầu cử lần này có gần 60 chính đảng tham gia với tổng số 1.514 ứng viên. Tuy nhiên, như thường lệ, tâm điểm sự quan tâm của dư luận vẫn chỉ là cuộc đấu “tay đôi” giữa liên minh hai đảng Tự do-Quốc gia cầm quyền và Công đảng đối lập.

Bước vào cuộc đua lần này sau hai nhiệm kỳ cầm quyền liên tiếp kể từ năm 2013, liên đảng của Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison gặp bất lợi rất lớn. Đó là lòng tin của cử tri vào đảng Tự do nói riêng và hệ thống chính trị của đất nước nói chung đã bị giảm sút nghiêm trọng sau cuộc “đảo chính” trong nội bộ đảng vào tháng 8 năm ngoái, phế truất ông Malcolm Turnbull khỏi chức chủ tịch đảng đồng thời là Thủ tướng và bầu ông Morrison lên thay thế. Như vậy, kể từ năm 2007, nền chính trị Úc đã luôn rơi vào cảnh “thay ngựa giữa dòng” khi không có thủ tướng nào hoàn thành đủ 3 năm nhiệm kỳ của mình trước khi bị chính các thành viên trong đảng lật đổ. Trong 5 năm qua dưới sự cầm quyền của liên đảng, Úc có tới 3 vị thủ tướng. Khó khăn nối tiếp khó khăn, chỉ 2 tháng sau khi ông Morrison lên làm thủ tướng, chính phủ liên đảng lại trở thành chính phủ thiểu số ở Hạ viện sau khi đảng Tự do thất bại tại cuộc bầu cử bổ sung ở khu vực Wentworth, Sydney, vốn lâu nay là thành trì vững chắc của đảng này. Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân của thất bại này là cử tri đã quá thất vọng với cảnh đấu đá nội bộ. Kết quả thăm dò dư luận vào thời điểm đó cũng cho thấy chỉ có 46% cử tri ủng hộ liên đảng so với 56% ủng hộ Công đảng đối lập.

Về phần mình, Công đảng đối lập dưới sự lãnh đạo của ông Bill Shorten cũng hết sức nỗ lực cho cuộc bầu cử liên bang. Trong thời gian qua, ông Shorten đã chứng tỏ được khả năng lãnh đạo và duy trì sự đoàn kết trong đảng. Cuộc bầu cử lần này là cơ hội thuận lợi để Công đảng quay trở lại nắm quyền lãnh đạo đất nước kể từ năm 2013.

 Kết quả thăm dò dư luận Newspoll công bố một tuần trước ngày bầu cử cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ liên đảng đã tăng lên 49%. Theo giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cả bên trong lẫn bên ngoài và người dân đang phải chịu sức ép của giá cả sinh hoạt, dường như những mục tiêu chi tiêu lớn của Công đảng chưa thật sự thuyết phục được hoàn toàn sự ủng hộ của cử tri. Trong khi đó, thông điệp về “tài quản lý kinh tế” của liên đảng cầm quyền trong suốt thời gian vận động tranh cử đã mang lại kết quả nhất định.

Thay vì dự đoán một chiến thắng vang dội cho Công đảng như lúc đầu, giới phân tích đã đưa ra hai khả năng chiến thắng cho Công đảng. Khả năng thứ nhất là Công đảng giành chiến thắng đa số phiếu tối thiểu. Khả năng thứ hai là Công đảng không giành đủ đa số phiếu, phải thỏa thuận với một đảng nhỏ và các nghị sĩ độc lập để thành lập một chính phủ thiểu số. Tuy nhiên, cũng chưa có ai dám loại trừ khả năng thứ ba là đảng Tự do giành đa số phiếu tối thiểu để có nhiệm kỳ cầm quyền thứ ba liên tiếp.

NGUYỄN MINH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết