27/11/2013 - 22:34

Cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp

ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều rủi ro, thu nhập trên đơn vị diện tích chưa cao, nông dân vẫn tự bơi trong sản xuất. ĐBSCL đang chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng đe dọa sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, sản xuất nông nghiệp xanh để phát triển nông nghiệp bền vững là giải pháp hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng thu nhập cho nông hộ.

Sản xuất thiếu bền vững

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo để hiến kế, gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp và nhiều giải pháp được đưa vào thực tiễn sản xuất. Song, nông nghiệp ĐBSCL vẫn thiếu những mô hình sản xuất bền vững, có mô hình điểm, nhưng việc nhân rộng mô hình vướng rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong khuôn khổ MDEC- Vĩnh Long 2013, một lần nữa vấn đề "Phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh" được các nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương đưa ra bàn luận sáng 26-11. Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp xanh là yêu cầu tất yếu nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả, bền vững và ưu việt nhất hiện nay.

Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" mang lại hiệu quả thiết thực cho người trồng lúa ở ĐBSCL.

Hằng năm, ĐBSCL chiếm hơn 50% sản lượng lúa hàng hóa, cung ứng 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đặc biệt cung cấp đến 80% lượng tôm xuất khẩu và đóng góp khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tích cực triển khai đồng loạt nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, như: mô hình "ruộng lúa bờ hoa", "ba giảm ba tăng", mô hình "cánh đồng mẫu lớn", mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp xanh của Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), Hợp tác xã Bưởi Năm Roi (tỉnh Vĩnh Long), sản xuất rau an toàn các loại theo hướng GAP tại xã Tân Đông, Gò Công Đông (Tiền Giang), mô hình mẫu sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi heo… đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL hiện vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên mà chưa bền vững về môi trường. Giá bán nông sản sạch không cao hơn sản phẩm của mô hình sản xuất truyền thống, khiến nông dân không mặn mà tham gia mô hình.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nói: "Sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp rủi ro, thách thức do thiên tai, dịch bệnh và tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, liên kết "4 nhà" yếu kém, khâu tiêu thụ còn nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc nhân rộng mô hình. Một số nông dân tham gia mô hình sản xuất điểm được hỗ trợ chi phí sản xuất, khi mô hình kết thúc, thì họ không quan tâm duy trì mô hình, có khi quay về kiểu sản xuất truyền thống. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp cũng là thách thức lớn". Theo các địa phương vùng ĐBSCL, việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc tích cực hơn của các doanh nghiệp. ĐBSCL đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, xu thế toàn cầu hóa, nông sản sẽ chật vật trong cuộc cạnh tranh. Các đại biểu cho rằng, nông dân không đổi mới tư duy sản xuất, năng động hội nhập sẽ tụt hậu trong hội nhập.

Thay đổi để tồn tại

Ngày 25-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn tới năm 2050" với mục tiêu chung là tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên. Theo Bộ NN& PTNT, đối với ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp xanh sạch là việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Qua đó, giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải… đảm bảo bền vững trên cả trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

"Ngày nay, nông nghiệp xanh không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mà còn là yếu tố quan trọng cho sự ổn định kinh tế- xã hội. Đây là hướng đi bền vững và ưu việt nhất để ngành nông nghiệp nước ta vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tăng cường xuất khẩu nông sản ra thế giới. Hiện sản xuất nông nghiệp xanh hay nông nghiệp sinh thái, phòng trừ dịch hại tổng hợp theo hướng GAP… được nhiều tỉnh, thành quan tâm thực hiện. Đây là con đường tạo ra nông sản an toàn, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu"- ông Phan Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khẳng định. Song, phát triển nông nghiệp xanh cần thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo các nhà khoa học, trong sản xuất nông nghiệp xanh cần chú ý đến giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL- Đại học Cần Thơ, cho biết: Trong canh tác lúa, giảm khí thải nhà kính là thực thi chính sách kép, vì giảm yếu tố đầu vào mà hiện nay nông dân quản lý nước không tốt và sử dụng dư thừa về mật độ sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… vừa làm tăng chi phí vừa làm tăng khí gây hiệu ứng nhà kính. Do đó việc áp dụng mô hình "1 phải 6 giảm" sẽ giảm chi phí sản xuất trung bình từ 5- 10% nhờ cắt giảm được 40 đến 50% giống, giảm từ 15 đến 30% lượng phân, giảm 20 đến 40% lượng nước tưới, tăng năng suất từ 5 đến 10%, lợi nhuận mang lại cho nông dân cao hơn khoảng 10% và các đồng lợi ích cho môi trường như giảm lượng khí thải, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, môi trường.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, cần đánh giá thành tựu, hạn chế của các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh mà vùng ĐBSCL đã phát triển thời gian qua để có hướng đi cụ thể thời gian tới. Bởi, hiện tại lực lượng sản xuất (số lượng các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, khoa học công nghệ…) liên tục phát triển trong khi các quan hệ sản xuất trong nông nghiệp lại chưa có sự đổi mới tương xứng. Nhu cầu liên kết sản xuất cao, nhưng việc triển khai vẫn "nghẽn". Qui mô sản xuất manh mún, diện tích đất sản xuất bình quân trên nông hộ nhỏ. Vai trò của quy hoạch và chiến lược phát triển vùng chưa rõ ràng. Các mối liên kết dọc và ngành hình thành và phát triển khó khăn. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên tham gia… Những khó khăn này cần được giải quyết rốt ráo mới có thể tạo ra "cuộc cách mạng xanh" cho ngành nông nghiệp. Để thực hiện được điều này, cần sự nhập cuộc thực sự của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, doanh nghiệp, nông dân.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết