14/04/2019 - 19:20

Cuộc bầu cử phức tạp nhất trong lịch sử Indonesia 

Ngày 17-4 tới, khoảng 192 triệu cử tri Indonesia đi bầu tổng thống, quốc hội lưỡng viện  và hội đồng địa phương. Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là phức tạp nhất trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á  có nhiều người Hồi giáo nhất thế giới.

Bầu cử tổng thống Indonesia năm nay được xem là cuộc “so găng” giữa Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto, người từng trực tiếp đối đầu với ông Widodo trong cuộc bầu cử hồi năm 2014. Trong khi Tổng thống Widodo thu hút cử tri trẻ bằng cách mở cửa hàng thời trang bán áo phông, mũ và áo khoác, ông Subianto nỗ lực tạo quan hệ với các vlogger, YouTuber và những người có tầm ảnh hưởng. Được biết, ông Subianto có quan hệ mật thiết với giới thượng lưu Indonesia. Ông kết hôn với con gái nhà độc tài Suharto. Ông Subianto dưới thời ông Suharto bị vướng vào cáo buộc vi phạm nhân quyền. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, ông Subianto trở lại chính trường vào năm 2009.

Tổng thống Widodo (trái) và cựu tướng Subianto trong một buổi tranh luận trực tiếp. Ảnh: EPA

Mới đây, sau khi tham dự lễ khai trương hệ thống tàu điện ngầm mới ở thủ đô Jakarta, ông Widodo ngay lập tức bay đến thành phố Makassar tại đảo Sulawesi để có bài phát biểu về lợi ích của kết cấu hạ tầng. “Bạn có thể thấy rằng Sulawesi đã có một nhà máy điện gió. Đây là nhà máy điện gió đầu tiên ở Indonesia. Bạn có nghĩ rằng chúng ta có thể mở rộng nó không?” – Tổng thống Widodo nói với đám đông.

Trong 7 tháng qua, ông Widodo xem phát triển kết cấu hạ tầng là trọng tâm của chiến dịch tái tranh cử của mình. Đến nay, nhiều dự án phát triển của ông trên đảo Sulawesi đã được hoàn thành, trong đó đáng chú ý là các dự án xây dựng 19 cảng, 10 sân bay, 17 đập, 40km cầu, gần 3.500km đường mới và hơn 3 triệu héc-ta đất được tưới tiêu hoặc phục hồi.

Tuy nhiên, công tác thực hiện các dự án trên vốn được giao cho các công ty nhà nước Indonesia đã gây ra nhiều điều tiếng. Trong khi ông Widodo trong một phiên tranh luận hồi tháng hai tuyên bố không có bất kỳ tranh chấp đất đai nào trong việc phát triển kết cấu hạ tầng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, dữ liệu từ Hiệp hội cải cách nông nghiệp Indonesia cho thấy có ít nhất 210 vụ tranh chấp đất đai liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2016-2018. Ngay cả khi không xảy ra bất kỳ cuộc tranh chấp nào, kế hoạch phát triển của ông được cho không đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Tại tỉnh Đông Nusa Tenggara ở quần đảo Nusa Tenggara, nhiều dự án vẫn còn dang dở, trong khi tại quần đảo Maluku, đường bộ phát triển rất mạnh nhưng cử tri lại muốn xây dựng cảng bởi đa số người dân nơi đây sinh sống bằng nghề đánh cá.

Sự thất vọng của cử tri đối với Tổng thống Widodo có thể mang đến cơ hội cho đối thủ của ông là Subianto và các nhóm Hồi giáo bảo thủ. Ông Subianto dù được coi là  độc đoán nhưng vẫn thể hiện mình như một thủ lĩnh doanh nghiệp,  nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc và Hồi giáo.  Cựu tướng quân đội cam kết nếu đắc cử, ông sẽ ngăn chặn tình trạng “thất thoát tài sản quốc gia là tài nguyên thiên nhiên” và xem xét lại các dự án do Trung Quốc tài trợ. Các nhà phân tích vì thế cho rằng nếu ông Subianto giành chiến thắng sẽ gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tiền “phủ bóng” bầu cử Indonesia

Indonesia được cho là nơi có nền chính trị tiền bạc lộ liễu nhất Đông Nam Á. Việc phát tiền mặt và quà tặng dẫn đến tham nhũng tràn lan trong các trong cơ quan lập pháp Indonesia. Những phong bì kèm theo tiền mặt từ 20.000 đến 100.000 rupiah (1,42 - 7,08 USD) thường được trao cho cử tri. Đây là số tiền nhỏ nhưng tổng con số phải chi có thể là rất lớn trong một chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tháng. Đầu tháng này, Ủy ban chống tham nhũng Indonesia (KPK) đã tịch thu 6 rương chứa phong bì tại một tầng hầm thuộc sở hữu của Bowo Sidik Pangarso, một nghị sĩ thuộc đảng Golkar. Mỗi rương chứa 400.000 phong bì, mỗi phong bì được cho chứa 20.000 rupiah. Tổng cộng 6 rương này chứa khoảng 8 tỉ rupiah (566.000 USD). Ông Pangarso không phải là trường hợp duy nhất dùng tiền “mua phiếu bầu” tại Indonesia. Hai chính trị gia thuộc đảng Ủy thác Dân tộc (NMP) hồi tháng 12 năm ngoái bị kết án lần lượt 3 và 12 tháng tù vì phát phiếu ưu đãi tham gia cuộc hành hương đến thánh địa Mecca (Saudi Arabia) cho cử tri.

Theo hãng tin AFP, tham nhũng luôn gắn chặt vào mọi cấp độ xã hội ở Indonesia. Với con số kỷ lục 245.000 ứng viên tham gia tranh cử hơn 20.000 ghế đại biểu các cấp trong cuộc bầu cử năm nay, KPK khó mà kiểm soát nổi tình trạng mua phiếu bầu. Busyro Muqoddad, cựu phó chủ tịch KPK, nói rằng một ứng viên thật sự muốn chạy đua vào cơ quan lập pháp quốc gia 560 ghế năm nay cần phải chi số tiền lên đến khoảng 10 tỉ rupiah (708.000 USD). 

TRÍ VĂN (Theo BBC, Reuters, Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bầu cửIndonesia