01/02/2013 - 09:29

Tình hình an ninh – chính trị thế giới năm 2012

Cục diện chiến lược mới tại châu Á - Thái Bình Dương

KIẾN HÒA

Mặc dù trong năm 2012 Trung Đông vẫn tiếp tục là khu vực nóng bỏng về vấn đề an ninh - chính trị của thế giới, nhưng châu Á - Thái Bình Dương mới thật sự gây chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Các cuộc tranh chấp hải đảo cực kỳ căng thẳng tại vùng biển lớn nhất và giàu tiềm năng phát triển bậc nhất hành tinh này luôn lôi cuốn các cường quốc khu vực cũng như toàn cầu vào cuộc…

Thái Bình Dương "dậy sóng"

Do lịch sử để lại, các nước châu Á - Thái Bình Dương luôn tồn tại vùng lãnh thổ, hải đảo tranh chấp, đến khi có cơ hội sự tranh chấp bùng phát. Điều này không có gì mới. Tiêu biểu nhất trong năm qua có lẽ là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo trên Biển Hoa Đông giàu năng lượng và hải sản mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, còn Tokyo gọi Senkaku, khiến dư luận quan ngại có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ngoài tầm kiểm soát và tác động đến tiến trình thay đổi cục diện địa chiến lược trong khu vực.

Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc tái phát "sóng gió" mâu thuẫn sau chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Lee Myung-bak (hiện đã mãn nhiệm) đến quần đảo mà Seoul gọi là Dokdo và Tokyo gọi là Takeshima trên vùng biển có tên gọi gây tranh cãi là "Biển Nhật Bản". Châu Âu và phương Tây nói chung gọi là "Biển Nhật Bản" từ thế kỷ 18, trong khi Hàn Quốc gọi nó là "Đông Hải". Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga cũng căng thẳng bởi chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới quần đảo Kuril ở phía Bắc Thái Bình Dương mà Nhật Bản gọi là "Vùng lãnh thổ phía Bắc".

 Các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác (Mỹ, Trung, Nhật, Hàn, Úc, Ấn, Nga và New Zealand) tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh (Campuchia) tháng 11-2012. Ảnh: XINHUA

Tuy nhiên, gay cấn nhất vẫn là những động thái của Trung Quốc. Qua yêu sách "đường lưỡi bò" thể hiện bản chất bành trướng của mình, Trung Quốc muốn "liếm" hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo trọng yếu nhất là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Bắc Kinh đã cho xây dựng cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa chiếm đóng trái phép của Việt Nam và còn mời thầu quốc tế thăm dò dầu khí trên vùng Biển Đông giàu tài nguyên thiên nhiên, gây bất bình, phẫn nộ dư luận khu vực.

Giống như tại Biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản, tàu hải giám và ngư chính của Chính phủ Trung Quốc còn "bảo kê" cho tàu ngư dân khai thác trái phép trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, thậm chí đã ít nhất hai lần cắt cáp thăm dò dầu khí của nước ta. Trung Quốc cũng đặt ra "luật biển" cho phép lực lượng phòng vệ biển của tỉnh đảo Hải Nam có quyền kiểm tra, bắt giữ và trục xuất bất kỳ tàu thuyền nước ngoài nào xâm nhập Biển Đông, gây bất bình dư luận khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng liên tục đưa tàu hải giám hỗ trợ tàu đánh cá của ngư dân nước mình đến khai thác hải sản tại khu vực bãi cạn Hoàng Nham mà Philippines đã khẳng định chủ quyền và gọi lên là Scarborough trên Biển Đông. Theo bản đồ của hải quân Philippines, bãi cạn này nằm cách đảo Luson của Philippines khoảng 230km, nhưng cách vùng lãnh thổ gần nhất của Trung Quốc tới 1.200km về phía Tây Bắc.

Cục diện mới tại châu Á - Thái Bình Dương

Những hành động bá quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông diễn ra trong bối cảnh nước này tăng cường sức mạnh quân sự, nhất là việc "trình làng" tàu sân bay, máy bay tàng hình và máy bay chiến đấu không người lái đầu tiên, khiến nhiều nước lo ngại tham vọng thống trị châu Á của Bắc Kinh. Vì thế, các nước trong khu vực xem đây là thời điểm thúc đẩy chiến lược "cân bằng nước lớn", thu hút nhiều cường quốc cùng can dự ở thế ngang nhau, chứ không để một nước lớn "xưng bá". Siêu cường quân sự-kinh tế Mỹ cũng coi đây là thời cơ "tái cân bằng", chuyển trọng tâm từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Cán cân quân sự của Mỹ hiện nay là 50/50 giữa hai vùng biển lớn nhất và nhì thế giới, và dự kiến sẽ chuyển thành 60/40 từ nay đến năm 2020. Sự chuyển đổi quân sự này còn xuất phát từ việc Mỹ đang dần rút khỏi "vũng lầy" Afghanistan sau hơn một thập niên chinh chiến.

Tàu hải giám của Trung Quốc  (giữa) bị hai tàu tuần duyên Nhật Bản khống chế tại khu vực gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông tháng 9-2012. Ảnh: AP

Tăng cường hiện diện quân sự đồng thời phát triển thương mại và đầu tư, Mỹ đang ráo riết tái lập mối quan hệ và vị trí đối với khu vực, đặc biệt là ở thị trường tiềm năng Myanmar. Mỹ triển khai hệ thống radar X-Band, máy bay ném bom chiến lược B-52, B-1, máy bay không người lái Global Hawk, tàu sân bay và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, máy bay chiến đấu F-35, máy bay do thám hàng hải P-8 Poseidon, hệ thống tên lửa tiên tiến Patriot không chỉ trên đảo Guam mà rộng khắp tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nam Thái Bình Dương. Hàn Quốc cũng đã được Mỹ "bật đèn xanh" nâng tầm bắn tên lửa lên gần gấp 3 lần, từ 300km lên 800km, để có thể bắn trúng mục tiêu ở bất kỳ địa điểm nào của Bắc Triều Tiên. Với năng lực hiện nay của mình, Hải quân Mỹ cũng không cần các căn cứ quân sự thường trực, mà sẵn sàng cơ động hiện diện khi cần đến New Zealand, Philippines, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… Vì thế, ngoài cặp quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Úc, Mỹ-New Zealand, Mỹ còn đang thúc đẩy các "bộ ba" Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Úc-Nhật.

Tuy nhiên, tại châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mới đóng vai trò trọng tâm vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng của cả khu vực. Đông Nam Á chính là "cửa ngõ" vươn ra "biển lớn" của Trung Quốc, và ngược lại đây là nơi các cường quốc dễ dàng tiếp cận Trung Quốc. Có điều, chuyến thăm Thái Lan, Myanmar và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 tại Phnom Penh (Campuchia) hồi tháng 11-2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho thấy Washington chỉ ưu tiên quan tâm đến lợi ích quốc gia và thúc đẩy các giá trị riêng của họ, chứ không phải để giúp giải quyết tranh chấp lãnh thổ vì nền hòa bình và an ninh của châu Á. Do đó, để tránh ảnh hưởng của Trung Quốc, ASEAN không chỉ muốn tăng cường quan hệ mọi mặt với Mỹ, mà cả với nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực, trong đó có Nga và Ấn Độ. Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Úc, nhấn mạnh: "Chúng ta lo ngại mối quan hệ trở nên đối kháng giữa một bên là nước Mỹ muốn duy trì quyền lực bá chủ với bên kia là Trung Quốc muốn trở thành quyền lực thống trị ở châu Á. Điều mà chúng ta muốn là không nước nào có quyền lực tối cao tại lục địa này".

Cải cách để đứng vững và phát triển

Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo của thời đại toàn cầu hóa thông tin, đầu tư và thương mại. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực năng động, có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và còn nhiều tiềm lực phát triển nhất thế giới. Châu Á hiện chiếm 26,9% GDP thế giới và dự báo lên 50% vào năm 2050, trong đó hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ được dự đoán sẽ đứng đầu hành tinh trong tương lai gần. Châu Á có tới 4,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm 60% dân số thế giới, có GDP tính theo sức mua trên đầu người hơn 24.000 tỉ USD và có tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất. Châu Á, vốn đang là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, sẽ trở thành thị trường giúp Mỹ và phương Tây vượt qua suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính.

Mở cửa kinh tế để phát triển là sự lựa chọn tất yếu của thời đại. Nhưng nó đồng thời đặt ra nhiều thách thức cạnh tranh mang tính sống còn. Cùng với sự chuyển biến tích cực ở từng quốc gia, đặc biệt là Myanmar, ASEAN đang khẩn trương tiến tới hình thành một cộng đồng thống nhất về kinh tế (AEC) vào năm 2015, một trong 3 trụ cột của Tầm nhìn ASEAN 2020 (cùng với Cộng đồng An ninh ASEAN và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN). Đây là nỗ lực của ASEAN trong quan hệ đối tác toàn diện với các cường quốc khu vực cũng như các cường quốc và khối quyền lực toàn cầu. Cục diện châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Á nói riêng sẽ diễn biến tích cực hay tiêu cực một phần cũng từ sự tác động của khối ASEAN và xu hướng "nhận thức lại" quan hệ đối ngoại của Bắc Kinh, nhất là đối với vấn đề chủ quyền lãnh hải và tự do hàng hải ở vùng biển quan trọng nhất thế giới này.

Vẫn còn đó sức nóng từ "lò lửa" Trung Đông

"Lò lửa" Vùng Vịnh-Trung Đông từ nhiều năm qua và đặc biệt là sau "cách mạng mùa xuân A-rập" bắt đầu ở Tunisie hồi tháng 3-2011 vẫn chưa thể dập tắt, thậm chí càng lan rộng và đe dọa tỏa ra ngoài khu vực.

Làn sóng gây bất ổn chính trị, xã hội đó sau khi tràn qua Ai Cập và Libye, giờ đây đã tới Syrie và có thể đến Iran. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong chiến lược Trung Đông có lẽ là Iran, nước từng là bạn nhưng đã trở thành "thù địch" từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo chống Mỹ năm 1979. Iran bị Mỹ cho là "đối thủ không đội trời chung" của Israel, đồng minh quan trọng bậc nhất của Washington tại Trung Đông. Các biện pháp cấm vận, trừng phạt hết sức ngặt nghèo của Mỹ và châu Âu có thể khiến Iran suy kiệt kinh tế, sức mạnh quân sự giảm sút. Đó là lúc Mỹ-Israel tiến hành không kích phá hủy chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, rồi đến thời điểm thích hợp họ có thể thực hiện chiến tranh xâm lược, dựng nên chế độ thân cận mới tại đây. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo chiến lược như vậy của Mỹ sẽ gây hiểm họa cho cả Vùng Vịnh-Trung Đông.

Một cường quốc khu vực như Iran không dễ dàng để Mỹ và đồng minh yên thân. Vùng đất A-rập-Hồi giáo giàu tài nguyên dầu khí này sẽ tiếp tục "bùng cháy", đẩy thế giới tới nguy cơ mất nguồn cung năng lượng từ khu vực này. Khi ấy phần còn lại của hành tinh sẽ bị tác động mạnh từ chiến lược đầy tham vọng của Mỹ tại Trung Đông. Châu Á – Thái Bình Dương, vốn vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng của Trung Đông, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trung Đông là khu vực địa chính trị, địa kinh tế và chiến lược không phải của riêng Mỹ và phương Tây. Các cường quốc khu vực thuộc khối A-rập, Nga và Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc cân bằng, kiềm chế, ngăn chặn Mỹ và phương Tây có thể "tự tung tự tác" tại vùng đất cực kỳ quan trọng này.

Chia sẻ bài viết