09/11/2008 - 19:39

Công ty tnhh cho tôi nghỉ việc như vậy có thỏa đáng không?

Hỏi:

Tôi ký hợp đồng với Công ty TNHH T từ ngày 2-6-2008, ký hợp đồng lao động từ ngày 4-8-2008, thời hạn hợp đồng lao động là 1 năm. Đến ngày 5-10-2008, Ban giám đốc công ty thông báo giảm biên chế nên tôi phải nghỉ việc từ ngày 7-11-2008. Công ty T cho tôi nghỉ việc như vậy là không thỏa đáng?

L.V.N (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn L.V.N được Luật sư Ngô Công Minh, Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Cần Thơ, trả lời như sau:

“Hợp đồng lao động có hiệu lực từ ngày giao kết hoặc từ ngày do hai bên thỏa thuận hoặc từ ngày người lao động bắt đầu làm việc. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu thay đổi nội dung hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày; việc thay đổi nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

Trường hợp 2 bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết hợp đồng lao động mới thì tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo sự thỏa thuận của 2 bên (Điều 33 Bộ luật Lao động).

Hợp đồng lao động được chấm dứt trong những trường hợp như sau:

+ Hết hạn hợp đồng.

+ Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng.

+ Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

+ Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của tòa án.

+ Người lao động chết; mất tích theo tuyên bố của tòa án (Điều 36 Bộ luật lao động).

Ngoài ra, người sử dụng Lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 38 Bộ luật lao động), nếu như người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc, hoặc người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải hoặc người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị 6 tháng liền.

Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải trao đổi nhất trí với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, 2 bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định”.

BÍCH ANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết