11/04/2010 - 21:05

Đào tạo nghề cho người khuyết tật:

Còn nhiều khó khăn

* Thạc sĩ HUỲNH NGỌC HỒNG NHUNG
Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) năm 2001, có 97.64% người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam không được đào tạo qua trường lớp chính thức, trong đó 1,22% đã có trình độ kỹ thuật đủ để đáp ứng nhu cầu công việc, 0,53% mới tốt nghiệp từ những trường dạy nghề và chỉ có 0,61% tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học. Thực trạng này dẫn đến tỷ lệ NKT không tìm được việc làm khá cao: 41,86% ở Đồng bằng sông Hồng và 35,77% ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long. Qua thực tế cho thấy, giải quyết việc làm cho NKT không đơn thuần chỉ là đào tạo tay nghề và nâng cao trình độ.

Những năm gần đây khi đất nước ngày càng phát triển thì cơ hội việc làm cho NKT ngày càng nhiều hơn bởi sự quan tâm của Nhà nước thông qua các chính sách và sự ra đời của các tổ chức tự lập, các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt là Luật NKT Việt Nam sắp được Quốc hội thông qua.

Thủ công mỹ nghệ, một trong những nghề phù hợp với sức khỏe và hoàn cảnh của người khuyết tật. Ảnh chụp người khuyết tật đang học nghề thủ công mỹ nghệ bằng gáo dừa tại Cơ sở Nhịp cầu. Ảnh: ĐOÀN LÝ. 

Song song đó, trình độ dân trí, phương tiện giao thông và thông tin đại chúng phát triển cũng mang đến cơ hội học tập cho NKT, cụ thể là ngày càng nhiều sinh viên khuyết tật và các Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật các trường đại học được thành lập. Người sử dụng lao động đã có cách nhìn tích cực hơn đối với lực lượng lao động là NKT. Họ tuyển NKT vì trình độ và năng lực chứ không nhìn vào sự “khuyết tật”, lòng nhân đạo hay một sự “quen biết” nào đó.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn rất nhiều. Hàng năm, Bộ LĐ-TB&XH đều có giao chỉ tiêu và ngân sách cho các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh và thành phố để đào tạo nghề cho NKT, nhưng số NKT sau khi đào tạo vẫn không có nhiều việc làm nên tình hình không được cải thiện bao nhiêu. Câu hỏi đặt ra là Bộ LĐ-TB&XH có đánh giá chất lượng của việc đào tạo nghề cho NKT sau mỗi khóa học? Trước và sau khi đào tạo nghề có tìm hiểu nhu cầu của NKT và tình hình thực tế của nghề đó liệu có phù hợp với thực tế?

Qua thực tế làm công tác đào tạo nghề cho NKT nhiều năm, ở Hội NKT TP Cần Thơ thì đánh giá chất lượng của việc đào tạo nghề cho NKT sau mỗi khóa học là điều rất cần thiết. Trong đó, cần chú ý đến: Trình độ và lòng nhiệt tình của người dạy. Đây là một vấn đề tế nhị vì người dân ta thường “tôn sư trọng đạo” nếu người dạy nghề không đủ trình độ chuyên môn sẽ đào tạo “hỏng” học sinh và hậu quả là người học sẽ thất nghiệp khi ra trường. Tôi đã từng gặp một bạn học nghề may trong vòng 6 tháng tại một cơ sở dạy nghề, sau khi hoàn thành khóa học vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa áo sơ mi nam và nữ. Thêm vào đó, thầy cô phải hiểu tâm lý học trò của mình và tránh làm tổn thương họ. NKT rất dễ tổn thương và suy diễn vì những hành động, lời nói vô tình của giáo viên. Ngoài ra, mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng nên ngành nghề cũng phải dựa trên đó. Chẳng hạn, không thể dạy làm nấm rơm ở Đắc Lắc và dạy thêu ở Bạc Liêu vì những nơi này không có đủ nguồn nguyên liệu và cũng không có nhu cầu tuyển dụng. Nghề đó có đáp ứng với nhu cầu thực tế cuộc sống? Có thể “sống” được với nghề? Điều quan trọng nữa là ngân sách, thời gian đào tạo và máy móc thiết bị có trang bị đủ cho việc đào tạo nghề? Có hợp lý chăng khi mà tiền ăn cho học viên chỉ 15.000đ/ngày và có một số nghề mà thời gian đào tạo chỉ một tháng? Đa số học viên khuyết tật xuất thân trong gia đình nghèo nên khi đi học họ không có sự giúp đỡ tài chính từ gia đình và cũng không có trợ cấp từ Nhà nước thì làm sao họ đủ ăn và sinh hoạt với số tiền ấy? Thời gian đào tạo nên được hiểu là thời gian đủ để học viên học, thực hành và sáng tạo để sau khóa học, họ khá thạo nghề và có thể kiếm sống được từ nghề đã đào tạo.

Ngoài ra, cũng cần chú ý đến cơ sở hạ tầng nơi đào tạo nghề có phù hợp với NKT không, đặc biệt là dạng khuyết tật vận động như không có đường cho xe lăn di chuyển, nhiều bậc tam cấp, nhà vệ sinh không tiếp cận được... Điều đặc biệt khi đào tạo nghề cho NKT là phải sắp xếp chỗ ăn, ở và học gần nhau vì họ không có phương tiện di chuyển và do hạn chế sức khỏe.

Còn một điều rất quan trọng và tế nhị khác là ai sẽ đánh giá khóa học? Người học sẽ không thể nêu lên những bức xúc khi người lượng giá khóa học lại chính là những thầy cô của mình vì “tôn sư trọng đạo”. Thiết nghĩ, sẽ công bằng và khách quan hơn khi được đánh giá bởi một tổ chức độc lập.

Ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước thì những năm gần đây, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tự lực của NKT cũng đã và đang tham gia vào việc đào tạo nghề cho NKT. Ngoài những khó khăn nêu trên, những tổ chức này lại gặp vấn đề nan giải khác: ý thức của NKT và gia đình họ. Đa số những NKT thường mặc cảm và tự ti về sự khuyết tật của mình nên rất ngại khi xa gia đình đi học nghề. Tâm lý tự ti và trở ngại về khoảng cách địa lý làm họ e ngại, không muốn vươn lên học nghề cũng như không tự tin là mình có thể làm việc tự nuôi sống mình và gia đình. Bên cạnh, hầu hết gia đình NKT là gia đình nghèo, ở nông thôn, dân trí thấp nên họ không khuyến khích con, cháu mình đi học nghề mà chỉ muốn họ ở nhà để giữ nhà và làm hết việc cho mọi người đi làm. Điều này đã làm tăng cao tỷ lệ thất nghiệp của NKT. Đây chính là cái vòng lẩn quẩn mà NKT luôn gặp phải.

Việc tìm hiểu nhu cầu của NKT và tình hình thực tế của nghề đó liệu có phù hợp với thực tế, cân nhắc thật cẩn thận trước khi đào tạo nghề gì và làm như thế nào giải quyết việc làm cho NKT không phải là việc dễ dàng. Trước hết, do điều kiện sức khỏe nên NKT khó tìm việc làm. Thông thường thì giờ làm việc của người lao động là 8 giờ/ngày, nhưng theo Luật Lao động thì NKT chỉ làm việc 7 giờ/ngày. Nếu người tuyển dụng là các doanh nghiệp sản xuất thì NKT sẽ không được tuyển vì thời gian làm việc ít sẽ mang lại lợi nhuận thấp. Ngoài ra, khi nhận NKT, các doanh nghiệp này phải xây dựng lại đường đi cho người đi xe lăn, phòng vệ sinh dễ tiếp cận,... điều này làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Nếu người tuyển dụng là các cơ quan ban ngành của Nhà nước thì việc tuyển NKT vào làm việc chính thức là chuyện “hiếm”.

Không khí nơi làm việc cũng là một rào cản rất lớn khi NKT tìm việc làm. Trước tiên, hãy nói về thái độ làm việc của NKT. Bên cạnh một số NKT thực sự đi làm vì muốn tự lực, còn có một số NKT làm việc chỉ vì ở nhà buồn, muốn tìm chỗ đông người để vui chơi, không cần kiếm tiền, vì đã có gia đình chu cấp. Chính quan điểm như thế nên thái độ làm việc không tích cực, không nỗ lực, cầu tiến, dẫn đến người sử dụng lao động có suy nghĩ lệch lạc về thái độ làm việc của NKT, không muốn tuyển dụng.

Định kiến xã hội ảnh hưởng không nhỏ tỷ lệ thất nghiệp của NKT. Người ta cứ nghĩ NKT thất nghiệp vì họ không đủ trình độ, thiếu sức khỏe và năng lực làm việc. Sự thật là không hoàn toàn như thế mà chỉ do định kiến mà ra. Ngay cả những NKT có trình độ thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về cũng chưa chắc tìm được việc làm đúng chuyên ngành của mình để phục vụ và cống hiến cho xã hội. Còn nhớ, ngày tôi mới tốt nghiệp trở về Việt Nam, đọc trên trang web của một trường ĐH thấy một viện nghiên cứu tuyển nghiên cứu viên. Tôi rất tự tin nộp đơn dự tuyển, thế nhưng chính thái độ của người nhận hồ sơ đã làm tôi chùn bước. Cô ấy nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi: “Đi đâu?”. “Nộp hồ sơ tuyển dụng ạ”. “Cho ai?”. “ Dạ cho chính tôi”. Sau khi xem hồ sơ, biết tôi tốt nghiệp thạc sĩ từ nước ngoài về thì thái độ cô ta có vẻ nể phục nhưng vẫn cứ bắt bẻ: “Bằng A Tin học và bằng B Anh văn đâu?”. Vẫn biết điều kiện cần để thi công chức Nhà nước là phải có bằng A Tin học và bằng B Anh văn, nhưng tôi cũng không thể nhịn cười khi một người học nước ngoài về vẫn cần những bằng cấp ấy để chứng minh trình độ. Sao không đặt những câu hỏi về thời gian du học, tôi học bằng ngôn ngữ nào? Nếu không có kiến thức về tin học nhất định, làm sao tôi sử dụng máy tính làm luận văn tốt nghiệp?...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như thế, nhưng hiện nay nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho NKT, tạo điều kiện cho các hội, nhóm và câu lạc bộ tự lực của NKT ngày càng phát triển, chứng tỏ đã có sự đồng hành cùng NKT. Vì vậy, cơ hội việc làm cho NKT đang phụ thuộc vào cách nhìn mới, phương pháp mới và sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân NKT.

Chia sẻ bài viết