08/12/2010 - 21:48

Ngăn chặn trẻ em vi phạm pháp luật

Còn nhiều bất cập

Theo nhận định của Công an TP Cần Thơ, tình trạng tội phạm ở trẻ em, thanh thiếu niên (TETTN) có khuynh hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, đa số TETTN vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm sâu sắc của ngành chức năng và cộng đồng xã hội đối với các em. Tuy nhiên, công tác vận động, hỗ trợ TETTN có hoàn cảnh khó khăn tránh nguy cơ vi phạm pháp luật đang gặp nhiều vấn đề bất cập.

Cuộc khảo sát gần đây của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, cho thấy trong 142 TETTN có hoàn cảnh khó khăn, có đến 86 em bỏ học sớm, 28 em đi làm phụ giúp gia đình. Chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ gia đình để các em được tiếp tục đến trường, học nghề miễn phí. Tuy nhiên, tình trạng TETTN nơi đây bỏ học sớm, đi làm kiếm tiền vẫn không giảm. Nguyên nhân là do gia đình nghèo, cha mẹ phải bươn chải kiếm sống, thiếu sự quan tâm đến tương lai của con em mình. Về phía các em, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải bỏ học, đi làm kiếm tiền tự lo bản thân và phụ giúp cha mẹ. Hầu hết các em làm những công việc có thu nhập thấp, không ổn định và có nguy cơ bị lạm dụng, vi phạm pháp luật cao. Nhiều phụ huynh cho rằng, gia đình khó khăn thì việc con cái phải nghỉ học, đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ là chuyện bình thường, nên cũng thờ ơ trước sự không an toàn của các em.

Ngoài ra, tình trạng con em trong gia đình có kinh tế ổn định, phạm pháp cũng có chiều hướng gia tăng. Thượng tá Huỳnh Văn Hạnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Một số gia đình không quan tâm quản lý, giáo dục con mà ỷ lại, dồn hết trách nhiệm cho nhà trường. Các gia đình này thường không kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường của con như bỏ học, tụ tập đi lang thang, nghiện ma túy dẫn đến trộm cắp, cướp giật. Mặt khác, khi phát hiện học sinh vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhà trường thường áp dụng hình thức đuổi học. Không ít trường hợp sau khi bị đuổi học, các em tiếp tục sa lầy vào con đường sai phạm, dẫn đến phạm tội”.

Ông Ngô Thành Thuận, Cử nhân tâm lý, chuyên viên tư vấn tâm lý, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ cho rằng, chính sự thiếu quan tâm, gần gũi của phụ huynh là một trong những yếu tố đưa TETTN đến gần với con đường vi phạm pháp luật. Các em còn nông nổi, hiếu thắng và liều lĩnh chưa được trang bị những kỹ năng sống cũng như hiểu biết về pháp luật nên dễ dẫn đến có những hành động phạm tội. Như trường hợp của em H. 14 tuổi ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều. Cha H. thường vắng nhà theo những công trình xây dựng, còn mẹ H. thì bận bịu với việc buôn bán. Khi H. bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản, mẹ H. mới biết H. đã bỏ học và thường xuyên tụ tập với nhóm thanh niên lêu lổng trong xóm. Thời gian đầu, H. theo nhóm thanh niên này phá phách bà con trong xóm, sau đó thì tham gia trộm cắp tài sản. Tại phiên tòa xét xử H. cùng các đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản, H. khai nhận vì ham vui cùng bạn nên tham gia trộm cắp tài sản chứ không phải trộm tài sản để bán lấy tiền tiêu xài. Đến lúc này, cha mẹ của H. mới thấy được hậu quả của sự thiếu quan tâm, gần gũi con trai.

Một thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở quận Cái Răng được tư vấn, hỗ trợ học nghề. 

Một bộ phận người dân hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ cũng là yếu tố làm tình trạng TETTN phạm tội gia tăng. Chị Nguyễn Thị Diễm, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH, kiêm cán bộ bảo vệ chăm sóc TE huyện Cờ Đỏ, nói: “Ngành chức năng cần tuyên truyền sâu rộng pháp luật bảo vệ chăm sóc TE, những hình thức xử phạt của Bộ luật Hình sự... đến từng gia đình, nhất là những gia đình lao động nghèo. Có như vậy, các bậc phụ huynh mới quan tâm, giáo dục con tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, công tác tuyên truyền này chưa được phát huy sâu rộng vì kinh phí ít, không đáp ứng được thực tế”.

Thực tế hiện nay, không ít địa phương còn cho rằng, việc chăm sóc và giáo dục TETTN là của gia đình và ngành công tác TE, nên chưa có sự quan tâm đúng mức để hỗ trợ TETTN có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, việc bảo vệ TETTN chưa được thực hiện đồng bộ, liên tục ở các cấp. Cũng chính vì lẽ đó, sự gắn kết giữa phòng ngừa, phát hiện sớm để can thiệp giảm thiểu hoặc loại bỏ nguy cơ TETTN rơi vào con đường phạm pháp chưa được thực hiện. Các chương trình trợ giúp TE có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ vi phạm pháp luật cao gần như chưa có được sự phối hợp giữa gia đình và cộng đồng.

Bà Trần Thị Thanh Hồng, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE và bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB&XH, trăn trở: “Hiện nay, hầu hết các xã, phường đều không có cán bộ chuyên trách về mảng TE, mà do cán bộ phụ trách công tác thương binh và xã hội của địa phương kiêm nhiệm. Do đó, các cán bộ này gặp không ít khó khăn về thời gian cũng như không đáp ứng được chuyên môn về lĩnh vực này. Từ đó, việc hỗ trợ TETTN, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức”.

TETTN vi phạm pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình các em hòa nhập với cuộc sống, vì gia đình không tin tưởng, dư luận chê cười, bản thân các em cũng sẽ mặc cảm, tự ti với lỗi lầm đã gây ra. Theo Thượng tá Huỳnh Văn Hạnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Cần Thơ, bên cạnh tăng cường vai trò của các ngành bảo vệ và chăm sóc TE, thì gia đình cần dành thời gian quan tâm, dạy bảo con. Địa phương cũng nên có những mô hình, hoạt động hỗ trợ TETTN có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục TETTN có nguy cơ vi phạm pháp luật, vừa bảo vệ các em được an toàn, vừa góp phần vào việc ngăn chặn TETTN phạm tội.

THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết