03/08/2019 - 18:59

Con người - tác nhân “thiêu nóng” châu Âu

Tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra là một trong những nguyên nhân dẫn tới đợt nắng nóng kỷ lục ở nhiều khu vực ở Bắc Âu tháng 7 vừa qua, kéo theo mức tăng nhiệt cao hơn từ 1,5-3 độ C. Đây là kết luận được các nhà khoa học thuộc tổ chức World Weather Attribution (WWA) đưa ra ngày 2-8.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã kết hợp mô hình khí hậu với các xu hướng nắng nóng trong lịch sử, đồng thời so sánh mô hình khí hậu với việc theo dõi mức nhiệt tại chỗ trên khắp châu Âu. Theo đó, nhiệt độ tại các địa điểm quan sát trong điều kiện khí hậu không thay đổi thấp hơn từ 1,5 đến 3 độ C so với nhiệt độ quan sát được trong đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu. Không chỉ vậy, sự nóng lên toàn cầu còn khiến nắng nóng ở một số nước dễ xảy ra từ 10-100 lần so với mô phỏng trên máy tính. 

Theo các nhà khoa học thuộc WWA, nếu con người không khiến nhiệt độ bầu khí quyển tăng thêm 1 độ C kể từ thời kỳ đại công nghiệp, mức nhiệt cực đoan như khu vực Bắc Âu vừa trải qua trung bình có thể chỉ xảy ra 1.000 năm/lần. Do đó, có thể thấy mối liên quan chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và nhiệt độ.

Không chỉ vậy, các nhà khoa học WWA cho rằng nhiều khả năng biến đổi khí hậu cũng chính là “thủ phạm” gây ra đợt nắng nóng trước đó trong tháng 6, với tỷ lệ cao gấp 5 lần so với các nguyên nhân khác và khiến nhiệt độ tăng thêm khoảng 4 độ C so với một thế kỷ trước. Theo bà Martha Vogel, một nhà nghiên cứu khí hậu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, gần như chắc chắn rằng đợt nắng nóng ở châu Âu trong năm 2018 - vốn kéo theo các vụ cháy rừng trên diện rộng, có thể đã không xảy ra nếu không có “bàn tay” của biến đổi khí hậu. Trong nghiên cứu tháng trước, bà Vogel và các cộng sự cho rằng chỉ cần nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, nắng nóng như trong năm 2018 sẽ xảy ra hằng năm.

Ngọc Hà (TTXVN)

Chia sẻ bài viết