12/03/2012 - 08:31

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thanh Bình:

Coi trọng phát huy nội lực và vai trò chủ thể của phụ nữ

 

Nhân dịp Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc (PNTQ) lần thứ XI, bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đã dành cho báo chí cuộc phỏng vấn.

* Trước thềm Đại hội PNTQ lần thứ XI, xin bà cho biết một số đánh giá khái quát về những thành tựu nổi bật trong phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội LHPN Việt Nam?

- Trong 5 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân, các tầng lớp phụ nữ cả nước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, năng động sáng tạo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của địa phương và đất nước. Là người mẹ, người vợ có vai trò chủ chốt trong giữ lửa cho tổ ấm gia đình, chị em đã tích cực lao động, đảm đang tổ chức cuộc sống gia đình, góp phần nuôi dạy con trưởng thành, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Bám sát chức năng của Hội, nhiệm vụ chính trị của đất nước, xu thế hội nhập quốc tế và nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Luật Bình đẳng giới, các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan chi phối nhiều đến đời sống, văn hóa, tinh thần, vật chất của phụ nữ.

Các cấp Hội vừa tập trung đổi mới phương pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho phụ nữ phù hợp với đặc thù đối tượng và vùng miền, tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vừa tăng cường các hoạt động nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân, chăm lo cho phụ nữ , vừa tập trung đề xuất chính sách, tham gia xây dựng, phản biện xã hội, giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, thành lập, phát triển Trung tâm tư vấn chính sách, luật pháp ở cấp tỉnh, thành...

Phương thức hoạt động của Hội có sự đổi mới rõ nét. Tính liên hiệp và việc thực hiện chức năng đại diện, vai trò cầu nối giữa Đảng với phụ nữ có nhiều chuyển biến tốt. Tổ chức Hội có bước phát triển, tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức Hội, tham gia các hoạt động Hội ngày càng tăng (đến cuối nhiệm kỳ, đã thu hút, tập hợp 15.342.302 phụ nữ vào tổ chức Hội, đạt 72,73% (tăng 9,11%), chất lượng hội viên được nâng lên); bộ máy, cán bộ tiếp tục được kiện toàn, nâng chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác phụ nữ trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Sau một nhiệm kỳ nỗ lực phấn đấu, 15/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X đề ra đã đạt và vượt.

Trong điều kiện có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và những hoạt động hiệu quả của Hội, tôi thiết nghĩ rằng, cán bộ, hội viên, phụ nữ Việt Nam được nâng cao nhận thức sẽ tự chăm lo quyền lợi của bản thân mình được nhiều hơn trong phạm vi quyền được hưởng thụ của chị em.

* Hiện nay, vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển của đất nước đặc biệt được coi trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng XI đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” . Xin bà cho biết những quan điểm lớn trong chỉ đạo của Đại hội PNTQ lần thứ XI đối với công tác xây dựng gia đình trong các cấp Hội.

- Với sự tăng trưởng về kinh tế, sự phát triển về văn hóa, thông tin, sự giao lưu ngày càng mở rộng của đất nước, gia đình Việt Nam đang được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của con người, của các gia đình ngày càng được cải thiện; những giá trị nhân văn mới của gia đình cũng được tiếp thu, xây dựng và phát triển.

Xác định đúng mức vai trò quan trọng của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập và phát triển, là tổ chức đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, nhiệm kỳ tới này, một trong những nét đổi mới trong chỉ đạo của Hội là Định hướng lựa chọn đối tượng đích trong mọi hoạt động là phụ nữ và hộ gia đình, coi trọng phát huy nội lực và vai trò chủ thể của phụ nữ . Định hướng đó cho thấy quan điểm lớn và xuyên suốt của Đại hội PNTQ lần thứ XI đối với công tác gia đình.

* Trong tình hình hiện nay, công tác xây dựng gia đình của các cấp Hội đang đứng trước những tác động, ảnh hưởng nào, thưa bà?

- Gia đình Việt Nam hiện nay đang chịu tác động và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức: một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam bị mai một; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thiếu chặt chẽ, “tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, xuất hiện ngày càng nhiều; tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tình trạng buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp; tình trạng phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới không giảm...”; bạo lực gia đình còn là nỗi lo của các gia đình; phân hóa giàu-nghèo giữa các gia đình ngày càng tăng... đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động xây dựng gia đình của tổ chức Hội phụ nữ.

* Trước những khó khăn, thách thức của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, theo bà, nội dung nào là điểm trọng tâm trong chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện công tác xây dựng gia đình của các cấp Hội?

- Bên cạnh yêu cầu phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng , phổ biến luật pháp, chính sách liên quan đến gia đình trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ ; đề xuất chính sách hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới và các chức năng của gia đình phù hợp từng giai đoạn phát triển đất nước, điều mà tôi tâm đắc nhất đó là việc tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đến từng gia đình và trong cộng đồng dân cư. Cuộc vận động được thực hiện trên cơ sở phát huy tính chủ động của hộ gia đình, vai trò nòng cốt của phụ nữ; xây dựng và nhân rộng mô hình truyền thông, tư vấn, hỗ trợ xây dựng gia đình phù hợp với địa bàn dân cư, vận động sự tham gia của cộng đồng, nam giới và các thành viên gia đình. Đây được coi là đột phá nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng gia đình.

Để thực hiện cuộc vận động này, từ chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực cần thiết và thống nhất chỉ đạo điểm ở 6 tỉnh , thành Hội. Mỗi cấp Hội lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể từng bước, đảm bảo tính hiệu quả; quán triệt mục đích, ý nghĩa, nội dung, tiêu chí Cuộc vận động đến hội viên, phụ nữ; hướng dẫn các chi , tổ hội rà soát gia đình hội viên, phụ nữ nắm bắt tình hình những gia đình có nguy cơ cao về đói nghèo, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, sinh con thứ ba trở lên, gia đình có con bỏ học giữa chừng... để có kế hoạch vận động, giúp đỡ cụ thể. Tổ chức cho chị em đăng ký thực hiện các tiêu chí Cuộc vận động gắn phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; triển khai thực hiện tốt đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, các gương điển hình trong xây dựng gia đình hạnh phúc vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) hàng năm.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Đại hội PNTQ lần thứ XI, với những cố gắng có sự chỉ đạo tập trung thống nhất của các cấp Hội từ Trung ương tới cơ sở tôi tin tưởng rằng, cuộc vận động xây dựng Gia đình 5 không, 3 sạch do Hội phát động thực hiện sẽ tạo được hiệu ứng tốt góp sức giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 49 CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

* Trân trọng cảm ơn bà!

THANH HÒA (thực hiện )

Chia sẻ bài viết