06/08/2009 - 22:02

Cô sinh viên khuyết tật đầy nghị lực

Dù bị tật nguyền nhưng cô sinh viên Khoa Luật, khóa 34, Trường Đại học Cần Thơ, Nguyễn Lý Hồng Nhung (SN 1990, ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) luôn có những thành tích cao trong học tập. Điều đáng quý là Hồng Nhung đã vượt qua mặc cảm để hòa đồng với mọi người và được mọi người thương yêu vì tính cách và lối sống.

Cuối tháng 7-2009, buổi chiều trời chuyển mưa, cũng là lúc tôi tìm đến phòng 9A, dãy B15, ký túc xá Trường Đại học Cần Thơ, gặp sinh viên Nguyễn Lý Hồng Nhung. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cô gái tật nguyền đang quét dọn trong phòng. Nhung vui vẻ chào tôi và nói: “Chị chờ em chút nhe! Em gần xong rồi!”. Tôi tìm chỗ ngồi và quan sát những động tác quét phòng rất thuần thục của Nhung. Nhung di chuyển bằng hai cái ghế nhựa nhỏ. Khi Nhung ngồi trên cái ghế trước, thì tay phải cầm chổi quét phạm vi bên tay phải, quét xong, Nhung lại dùng tay trái lấy chiếc ghế từ phía sau lên phía trước, lúc này, cây chổi được cặp vào nách, sau đó, Nhung nhẹ nhàng dùng hai tay di chuyển thân mình lên ghế trước để quét khu vực bên tay trái... cứ thế động tác được lặp đi lặp lại cho đến khi Nhung quét sạch sẽ hết phòng. Khoảng 5 phút sau, Nhung di chuyển đến bình nước lọc và rót nước mời tôi.

 Hồng Nhung luôn được bạn bè giúp đẩy xe đến lớp học.

Hồng Nhung có gương mặt khá xinh với mái tóc đen dài, óng mượt, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt to tròn tinh nghịch sau chiếc kính cận. Thấy tôi tò mò ngắm những bức tranh khổ lớn với những hình vẽ ngộ nghĩnh trên tường, Nhung cười, nói: “Em thích đọc truyện tranh và vẽ hình, nhất là vẽ nhân vật truyện tranh. Mỗi lần nhìn vào, em cảm thấy vui vui, mọi buồn phiền đều nhanh chóng tan biến”. Và có lẽ từ niềm vui đó, Hồng Nhung có điều kiện thư giãn, cân bằng tâm lý sau những giờ học mệt nhọc nên Nhung đạt thành tích cao trong học tập. Hồng Nhung là một trong những sinh viên có học lực khá giỏi của lớp, của Khoa Luật. Ngoài việc chăm học, Hồng Nhung còn tích cực tham gia các phong trào của trường, lớp. Hồng Nhung là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Người khuyết tật Trường Đại học Cần Thơ, luôn cùng các thành viên trong CLB tham gia các hoạt động từ thiện xã hội như: thăm trẻ mồ côi, phục vụ văn nghệ... Cô tâm sự: “Được tham gia CLB, em cảm thấy rất vui! Vì chung hoàn cảnh nên chúng em dễ gần gũi và thân thiện. Nhờ tham gia CLB, em học được nhiều điều bổ ích, vận dụng vào cuộc sống”. Bạn Huỳnh Thúy Niềm, Phó chủ nhiệm CLB Người khuyết tật Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Tính tình Hồng Nhung rất dễ thương, hòa đồng. Bạn vừa học giỏi lại vừa tích cực tham gia phong trào của CLB, thường xuyên đóng góp xây dựng, góp phần phát triển CLB”.

Để bước vào giảng đường Đại học với nhiều bạn trẻ bình thường đã khó, với Hồng Nhung càng khó khăn hơn. Năm 1993, khi vừa 3 tuổi, cô bé Nhung như chim non ham nhảy nhót, tung tăng, nô đùa cùng chúng bạn... Thế rồi, căn bệnh sốt bại liệt bất ngờ xuất hiện đã “cướp” đi đôi chân nhỏ bé của Nhung. “Mẹ em kể, hôm ấy, em đang chơi ở nhà, đến trưa lên cơn sốt. Chỉ trong một ngày, em được chuyển viện từ Sóc Trăng lên Cần Thơ. Em phải nằm viện điều trị hơn một năm trời, sau khi xuất viện thì đôi chân không còn đi lại được vì biến chứng của cơn sốt bại liệt” - Hồng Nhung nhớ lại. “Cảm giác không được đi đứng như mọi người thật khó chịu. Hồi đó, thấy bạn bè trong xóm chạy nhảy, vui đùa em rất muốn được chơi đùa như các bạn, nhưng nhìn xuống đôi chân của mình, nhiều lúc ứa nước mắt vì tủi thân” - Nhung tâm sự.

Nhưng với tất cả tình thương yêu, sự chăm sóc của cha mẹ đã giúp Nhung có động lực vươn lên trong cuộc sống. Năm 6 tuổi, Nhung đến trường như bao bè bạn đồng trang lứa. Quãng thời gian ấy, mẹ là người bạn đồng hành khi hằng ngày cõng Nhung đến trường. Còn cha của Hồng Nhung thì luôn có những lời an ủi, động viên con gái: “Con không có đôi chân nhưng con có cái đầu, vẫn có cơ hội thực hiện điều mình muốn, nếu con có nghị lực, ý chí quyết tâm cao. Khi đó, con sẽ thấy tự hào hơn là mặc cảm. Cố gắng lên con, hãy sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời và tự tin vào bản thân mình”.

Không chỉ cha mẹ mà Hồng Nhung còn đón nhận tình cảm yêu thương, quý mến từ đứa em trai. Mỗi khi Hồng Nhung muốn đi đâu là em trai đẩy xe cho Nhung đi, luôn giúp đỡ Nhung trong mọi việc. Rồi những bạn bè học cùng trường, từ tiểu học đến đại học luôn thông cảm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ để Nhung được sống vui vẻ, học tốt. Suốt những năm học phổ thông, Hồng Nhung luôn đạt danh hiệu là học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT (niên khóa 2007 - 2008) 52 điểm, đứng đầu Trường THPT Thuận Hòa - huyện Mỹ Tú cũ (sau đổi là huyện Châu Thành), chỉ kém thủ khoa toàn tỉnh Sóc Trăng năm ấy khoảng 4 điểm. Với thành tích này, tháng 9-2008, Hồng Nhung là một trong 486 học sinh xuất sắc nhất của khu vực phía Nam được trao tặng giải thưởng Hoa Trạng Nguyên - tổ chức tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Và niềm vui lớn nhất đối với Nhung khi cô bé trúng tuyển vào Khoa Luật - Trường Đại học Cần Thơ, ngành học mà Nhung mong muốn theo đuổi từ thuở bé.

“Hồi đi thi đại học, phòng thi ở tận tầng 2, người anh bà con phải cõng em lên xuống suốt 3 ngày thi” - Nhung kể. Khi trở thành sinh viên ngành Luật, thời gian đầu, Hồng Nhung phải tự đẩy xe đến lớp học, phải tự mình nấu ăn. Mọi thứ thật khó khăn, khác xa ở nhà, nhiều chuyện em phải tự làm. Nhưng giờ, Hồng Nhung vẫn được bạn bè cùng lớp giúp đỡ: người thì đẩy xe cho Nhung đến lớp, người thì nấu ăn cho Nhung, những lúc bệnh hoạn luôn có bạn bè bên cạnh... Nhung thố lộ: “Cách đây vài tháng, do quá ham học, lúc đó trong phòng không có ai, em đã bị xỉu vì bị hạ canxi. Cũng may, bạn Hà Thị Nỉ, sinh viên ngành Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ có mặt kịp thời đưa em đi bệnh viện”. Trước những tình cảm mọi người dành cho mình, Hồng Nhung vô cùng cảm kích và bày tỏ: “Nhiều người khóc vì buồn phiền, nhưng em thường khóc vì thấy mình hạnh phúc. Em không buồn gì hết. Bởi may mắn của đời em là em luôn được tiếp sức từ phía mọi người. Vì thế, em luôn tự nhủ: Ít ra, mình không phải là người bất hạnh nhất. Từ đó, em càng phấn đấu học tập và sống vui vẻ để không phụ niềm tin yêu của mọi người”.

* * *

Khi cơn mưa chiều vừa dứt, Hồng Nhung loay hoay chuẩn bị tập vở để kịp đến lớp học Anh văn. Từ biệt Hồng Nhung, ra về, lòng tôi đầy cảm phục đối với cô sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, nỗ lực vượt mọi khó khăn để học tốt, sống tốt ấy. Tuy tật nguyền nhưng Hồng Nhung không bi quan, chán nản mà luôn lạc quan, vui vẻ yêu đời. Với cách sống và niềm tin đó, tôi tin rằng, Hồng Nhung sẽ làm được những điều mơ ước và sẽ là tấm gương sáng cho các bạn trẻ hôm nay.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết