15/01/2008 - 08:56

Cơ hội hay bẫy rập? 

Quốc hội Iraq vừa thông qua dự luật “Trách nhiệm và Công lý” nhằm cho phép các cựu thành viên Đảng Baath của cố Tổng thống Saddam Hussein trở lại làm việc hoặc nhận lương hưu. Đây là một trong những biện pháp quan trọng mà Washington buộc chính phủ do người Hồi giáo dòng Shiite dẫn dắt phải thực hiện nhằm tạo điều kiện để cộng đồng A-rập dòng Sunni thiểu số tham gia vào tiến trình hòa hợp dân tộc.

Cũng cần nhắc lại rằng thành viên Đảng Baath vốn phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni, bị chính quyền dân sự Mỹ tại Iraq dưới trào ông Paul Bremer (2003-2004) “phế truất” ra khỏi tất cả các cơ quan quân sự và dân sự vì xem đây là những kẽ đồng lõa với chế độ độc tài Saddam Hussein. Người ta gọi đây là hình thức “trừng phạt tập thể” nhằm xóa sổ hoàn toàn mọi vết tích chế độ cũ. Tuy nhiên, sau đó Washington nhận ra rằng chính sách trên đã vô tình đẩy các tướng lĩnh và binh sĩ dưới thời Saddam Hussein tham gia các phong trào nổi dậy và điều này làm tình hình an ninh trở nên bất ổn không có lối ra. Vì thế, sau khi trao lại quyền điều hành trực tiếp cho chính phủ lâm thời Iraq cuối năm 2004, Mỹ bắt đầu thúc giục các nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite nới lỏng các biện pháp cô lập đối với cựu thành viên Đảng Baath, nhất là thành phần quân đội.

 

 Một nhân viên an ninh người Sunni tuần tra tại Thủ đô Baghdad. Ảnh: AFP 

Trong tiến trình xây dựng lại bộ máy hành chính nhà nước, các cựu thành viên Đảng Baath dù ở cấp thấp cũng bị đẩy khỏi các bộ trọng yếu như tư pháp, nội vụ, quốc phòng, tài chính và ngoại giao. Nhiều giáo viên, giáo sư các trường đại học cũng bị thôi việc. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thành viên Đảng Baath là những người ưu tú và có kinh nghiệm, nên việc họ bị cách chức đồng loạt làm cho bộ máy hành chính hoạt động thiếu hiệu quả và gần như bị tê liệt.

Người phát ngôn của chính phủ Iraq tuyên bố luật trên sẽ bảo đảm quyền lợi cho tất cả các cựu thành viên Đảng Baath không có “nợ máu” với nhân dân. Không có số liệu cụ thể về các cựu thành viên Đảng Baath hiện nay là bao nhiêu, nhưng theo các nguồn tin có thể dao động từ 2- 6 triệu người. Trong số này, theo một chính khách dòng Shiite (giấu tên), sẽ có khoảng 27.000 người nhận được lương hưu. Một số quan chức khác cho biết luật mới sẽ cho phép từ 13.000-31.000 cựu thành viên Đảng Baath tái tham gia bộ máy quản lý nhà nước.

Dư luận cho rằng việc các cựu thành viên Đảng Baath được phép tham gia bộ máy hành chính sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình hòa giải ở Iraq. Tuy nhiên, phái cấp tiến dòng Shiite của giáo chủ Muqtada Sadr phản đối luật mới. Đảng người Kurd thì từ chối bỏ phiếu. Mặt khác, một số cựu thành viên Đảng Baath cũng bày tỏ lo ngại phải trở lại làm việc trong điều kiện an ninh hỗn loạn như hiện nay. Abu Saad, một thành viên Đảng Baath từng làm việc tại Bộ Thương mại, cho biết ông cảm thấy không an tâm khi trở lại làm việc vì lo sợ bị những kẻ cực đoan ám sát. “Tôi thà ở nhà sống nốt quãng đời còn lại trong yên bình còn hơn bị giết khi đang trên đường đi làm “, Saad thất vọng nói. Lo ngại này không phải là không có cơ sở khi mà các thế lực cực đoan thường xuyên cảnh báo rằng bất kỳ ai làm việc cho chính phủ Iraq do quân chiếm đóng Mỹ hậu thuẫn đều có thể trở thành mục tiêu tấn công trả đũa.

Một số khác lại hoài nghi đây là âm mưu của chính quyền nhằm “dụ” những nhân vật cấp cao của Đảng Baath (đang ẩn náu) xuất đầu lộ diện, để sau đó diệt sạch họ.

PHÚC NGUYÊN
(Tổng hợp từ AP, AFP, BBC, Reuters, Nytimes)

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp từ AP, AFP, BBC, Reuters, Nytimes)

Chia sẻ bài viết