27/10/2018 - 17:30

Quan hệ Nhật-Trung:

Chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác 

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tái khẳng định cam kết thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Hội đàm diễn ra tối ngày 26-10 tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở Thủ đô Bắc Kinh. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Nhật Bản trong 7 năm qua.

Thủ tướng Abe (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm tại Điếu Ngư Đài. Ảnh: AP

Mở đầu cuộc đối thoại, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết quan hệ Nhật – Trung tuy trải qua rất nhiều trở ngại nhưng đã quay lại “đúng hướng” nhờ nỗ lực chung của hai bên. Trong tình hình mới, lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận Bắc Kinh và Tokyo ngày càng phụ thuộc vào nhau, cùng chia sẻ lợi ích và các mối quan tâm trong khuôn khổ đa phương. Qua đây, ông Tập khẳng định sự ổn định và lành mạnh trong mối quan hệ Nhật – Trung không chỉ có lợi cho hai nước mà còn là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

Đáp lại lời kêu gọi của ông Tập về việc đẩy mạnh trao đổi chiến lược, Thủ tướng Abe hy vọng chuyến thăm Bắc Kinh lần này sẽ thiết lập nền móng vững chắc phát triển quan hệ Nhật – Trung lên “tầm cao mới”, chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác. “Từ đua tranh đến cùng tồn tại, quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên mới. Hai nước ngoài tình láng giềng còn là đối tác, chúng tôi sẽ không trở thành mối đe dọa lẫn nhau” – Thủ tướng Abe khẳng định.

Theo giới quan sát, chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Abe là bước đi quan trọng “tái khởi động” quan hệ song phương sau thời gian dài nguội lạnh do tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông và bất đồng liên quan hành vi của quân đội Nhật trong Thế chiến thứ hai. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn ngờ vực việc Nhật Bản sửa đổi hiến pháp trong khi Tokyo chưa hết quan ngại tham vọng thống trị khu vực của Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc lãnh đạo hai bên thể hiện mặt trận thống nhất về thương mại tự do, duy trì chủ nghĩa đa phương và kinh tế mở toàn cầu phản ánh mối lo ngại chung buộc hai cường quốc châu Á tạm gác bất đồng để bắt tay nhau.

Theo đó, cuộc đối đầu “ăn miếng trả miếng” quyết liệt kéo dài nhiều tháng qua giữa Trung Quốc và Mỹ về thuế quan vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Bắc Kinh buộc phải tìm cách củng cố những thị trường lớn khác để giảm áp lực từ chiến tranh thương mại với Washington lên tăng trưởng kinh tế trong nước. Về phần mình, Nhật Bản không chỉ lo ngại sự hiện diện của Mỹ suy giảm trong khu vực, nước này còn đứng trước nguy cơ thiệt hại kinh tế do tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trong đó, ngoài mối lo chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế 25% lên xe hơi Nhật, Tokyo đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi nhiều thiết bị sản xuất và linh kiện điện tử Nhật phải xuất sang Trung Quốc để chế tạo các mặt hàng hoàn chỉnh cho Mỹ và những thị trường khác.

Với 500 thỏa thuận trị giá 18 tỉ USD ký giữa doanh nghiệp hai nước cùng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỉ USD trong thời gian diễn ra chuyến thăm của ông Abe, các công ty Nhật bao gồm các hãng ô tô lớn như Toyota kỳ vọng bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh cho phép họ tiếp cận thị trường đại lục khổng lồ, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ Mỹ và châu Âu. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc gấp đôi dân số Nhật Bản với khoảng 250 triệu người cũng tạo cơ hội cho nhóm ngành tiêu dùng Nhật giải bài toán kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số đang gia tăng nhanh chóng. Đổi lại, hợp tác với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể giúp Bắc Kinh giảm tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của Tokyo đối với Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. 

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết