13/02/2008 - 22:09

Thực hiện công khai tài chính theo Quyết định 192/2004/QĐ-TTG của Chính phủ

Chưa đạt yêu cầu

Quyết định 192/2004/QĐ-TTg ngày 16-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách Nhà nước (NSNN) và 5 thông tư hướng dẫn thi hành quyết định này của Bộ Tài chính có hiệu lực từ năm 2005. Theo đó, các đối tượng phải công khai tài chính bao gồm: NSNN các cấp, các đơn vị dự toán NSNN, các dự án có sử dụng NSNN, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách và đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, tại TP Cần Thơ, việc công khai tài chính thực hiện vẫn chưa nghiêm, thậm chí nhiều nơi buông lỏng, để tham nhũng, tiêu cực phát sinh…

Cấp xã lơ là

Trên bảng công khai tài chính ở xã Định Môn (huyện Cờ Đỏ) chỉ có vài tờ giấy dán công khai về thu thuế các tháng cuối năm 2007. Các khoản chi lớn của xã năm 2007 không có; việc sử dụng quỹ đóng góp của nhân dân cũng không. Nói chung, người dân không thể tìm được thông tin đầy đủ về tài chính của xã (cả thu, lẫn chi). Tôi gặp anh Đào Văn Sơn, ở ấp Định Mỹ, khi anh đang dò đọc những con số trên bảng công khai tài chính của xã. Anh Sơn cho biết: “Tôi muốn tìm hiểu thông tin về quản lý, sử dụng các nguồn phí, quỹ do dân đóng góp như thế nào nhưng không thấy. Công khai tài chính mà chỉ nêu nguồn thu thuế thì không đầy đủ, không đáp ứng được mong muốn của người dân khi tìm hiểu, giám sát của dân về chi tiêu tài chính của chính quyền”. Giải thích cho nguyên nhân thiếu thông tin trong bảng công khai tài chính, ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Môn, cho biết: “Trước đây, xã có công khai đầy đủ nhưng từ khi chuyển về trụ sở mới, xã chưa kịp cập nhật, điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp”.

Không chỉ riêng xã Định Môn, tại nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, đều trong tình trạng như vậy. Thậm chí, một số nơi bảng công khai tài chính chỉ dùng để dán thông tin tuyển dụng, mất giấy tờ, thủ tục hành chính như xã Thới Đông, Trường Xuân, Trường Xuân A... Chính vì không nhận thức đầy đủ về yêu cầu công khai tài chính, nên các địa phương này thời gian qua xảy ra nhiều vi phạm về tài chính, bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với chính quyền.

Bảng niêm yết tại phường Thới Bình (quận Ninh Kiều) tương đối đầy đủ các loại biểu mẫu hồ sơ hành chính nhưng không có thông tin nào về tài chính được UBND phường niêm yết công khai.  (Ảnh chụp lúc 14 giờ, ngày 13-2-2008). 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Nội vụ, Phó Ban chỉ đạo cải cách hành chính huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Việc công khai tài chính ở cấp xã chưa được thực hiện đến nơi, đến chốn là do lãnh đạo xã, thị trấn nhận thức chưa đúng về yêu cầu, tầm quan trọng của việc công khai tài chính. Mặt khác, một phần cũng do đoàn thể, nhân dân chưa nắm được đầy đủ thông tin về công khai tài chính nên không biết mình có quyền được biết thông tin xung quanh việc chi tiêu ngân sách của chính quyền xã”.

Đối với các khoản phí, quỹ được phép thu năm 2007 của xã, phường, thị trấn (như quỹ vì người nghèo, khuyến học, phí an ninh quốc phòng, phí giao thông...), nhiều người dân có muốn cũng không biết làm cách nào để có được thông tin về thu, quản lý, sử dụng các loại phí, quỹ này. Anh Phan Quốc Quang, ở khu vực 4, phường Bình Thủy (quận Bình Thủy), nói: “Hàng năm, cán bộ khu vực, tổ dân phố đến tận nhà để thu các khoản đóng góp trong năm, trong đó nhiều khoản thu không ra biên lai. Là người trực tiếp đóng góp, tôi rất muốn biết số tiền tôi đã góp được quản lý, sử dụng ra sao. Theo tôi, khi đi thu cán bộ phải có trách nhiệm cho người dân biết những các khoản đóng góp này sử dụng ra sao, thừa thiếu thế nào. Thế nhưng, không năm nào phường Bình Thủy làm chuyện này cả!”.

Sở, ngành thiếu quan tâm

Công khai tài chính là công việc bắt buộc trong thực hiện giao tự chủ biên chế, tổ chức bộ máy, kinh phí quản lý theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ đối với cơ quan hành chính nhà nước và Nghị định 43/2005/NĐ-CP của Chính phủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tại TP Cần Thơ, tính đến nay tất cả cơ quan hành chính nhà nước cấp quận và thành phố và khoảng 40/150 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ. Theo số liệu báo cáo của UBND thành phố, năm 2007, nhờ được giao quyền tự chủ, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị này tăng bình quân từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu quan tâm trong thực hiện công khai tài chính theo yêu cầu của việc giao và thực hiện tự chủ tài chính, nên một số cơ quan đã chi sai nguyên tắc, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Theo số liệu báo cáo của UBND thành phố, năm 2007, thành phố đã thực hiện kiểm tra, thanh tra 199 cuộc trên các lĩnh vực bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách... phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 2 tỉ 908 triệu đồng. Điển hình về vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch chi tiêu tài chính, để tham nhũng, tiêu cực phát sinh là Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường (đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Cần Thơ). Từ năm 2003 trở về trước, việc lưu trữ chứng từ, sổ sách kế toán, công tác tài chính đều không có giá trị pháp lý. Riêng từ năm 2001-2003, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên - Môi trường không mở sổ sách kế toán theo quy định, báo cáo tài chính, công khai tài chính không đầy đủ, chi thanh toán tiền điện thoại di động nhà riêng cho các cá nhân không có chế độ với số tiền lớn... Ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP Cần Thơ, khẳng định: “Nếu việc chi tiêu tài chính tại cơ quan này được quan tâm công khai minh bạch theo đúng quy định, sẽ không thể phát sinh sai phạm, tiêu cực”.

Theo kế hoạch, năm 2008, UBND thành phố chủ trương giao tự chủ về tài chính, biên chế cho 100% đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, việc thực hiện công khai và giám sát công khai tài chính là việc cần phải được quan tâm thực hiện. Bà Trịnh Thị Mỹ Nhung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Về nguyên tắc, khi giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị này phải có đầy đủ thủ tục, trong đó quan trọng nhất là phải xây dựng được quy chế chi tiêu tài chính nội bộ rõ ràng, minh bạch. Công tác cải cách tài chính công trong giao chế độ tự chủ thành công chính là ở việc xóa bỏ cơ chế xin - cho tài chính, tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên thông qua tăng cường công khai chi tiêu tài chính”.

Để việc công khai tài chính đi vào cuộc sống

Từ khi có quy định công khai tài chính đến nay, dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước ở các cấp đã có tác dụng tích cực, phát huy tính dân chủ, tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đoàn thể, cán bộ, công chức viên chức trong hoạt động chi tiêu tài chính, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố, hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn một số sở, ngành, địa phương thực hiện công khai tài chính có tính chất hình thức, không đầy đủ và kịp thời. Nguyên nhân chính là do các sở, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của biện pháp công khai tài chính. Các đối tượng phải công khai tài chính chưa nắm vững mục đích yêu cầu, nội dung tài liệu, số liệu, hình thức và thời điểm cần công khai tài chính. Đối với các đối tượng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát (các tổ chức đoàn thể và nhân dân) cũng chưa nắm được yêu cầu, các nội dung tài chính phải công khai để thực hiện kiểm tra, giám sát.

Trao đổi về những biện pháp nhằm đưa việc công khai tài chính đi vào thực tiễn, ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Quy định công khai tài chính có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và dư luận xã hội. Do đó, để phát huy hiệu quả của biện pháp công khai tài chính, cần nâng cao kiến thức về tài chính, ngân sách cho cán bộ; tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về quy định công khai tài chính. Có như vậy, nhân dân mới có điều kiện để kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của cơ quan nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách tài chính công, chống lãng phí, tiêu cực có hiệu quả”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết