01/08/2019 - 10:02

Chống chảy máu chất xám, Ba Lan miễn thuế thu nhập 

Bắt đầu từ hôm nay 1-8, luật miễn thuế thu nhập đối với gần 2 triệu lao động trẻ sẽ có hiệu lực tại Ba Lan. Ðây được xem là nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại tình trạng chảy máu chất xám mà nước này phải đối mặt kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004.

Lao động Ba Lan thu hoạch nông sản tại Hà Lan.

Theo luật mới, những người Ba Lan dưới 26 tuổi kiếm chưa tới 85.528 zloty (khoảng 22.547 USD)/năm sẽ được miễn thuế thu nhập (trước đây là 18%). Động thái này của Vác-xa-va được cho là rất hào phóng khi mà mức lương trung bình tại Ba Lan chưa tới 15.700 USD/năm. Chính phủ Ba Lan trong một tuyên bố cho biết, khoảng 2 triệu người dân nước này sẽ đủ điều kiện được miễn thuế thu nhập.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho hay, 1,7 triệu người đã rời khỏi nước này trong vòng 15 năm qua. Gần 580.000 người Ba Lan trình độ cao sống tại các quốc gia EU khác vào năm 2017, đông nhất trong số 28 quốc gia thành viên EU. “Cứ như thể toàn bộ người dân Vác-xa-va rời bỏ thủ đô vậy. Đó là một mất mát to lớn. Tình trạng này phải chấm dứt, những người trẻ tuổi phải ở lại Ba Lan” - Thủ tướng Morawiecki nhấn mạnh. Ông này cho rằng biện pháp miễn thuế sẽ đem đến cơ hội mới cho giới trẻ “tương tự như ở phương Tây”.

Song, luật mới cũng vấp phải nhiều tranh cãi. Kinga Kitowska, người đến học tập ở thủ đô Luân Đôn (Anh) và ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, cho rằng nó không đủ để thuyết phục cô quay về nước. “Để làm cho những người trẻ tuổi ở lại trong nước làm việc thì tôi không nghĩ giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả. Việc chính phủ cần làm là tạo cơ hội và mở ra những lĩnh vực hấp dẫn giới trẻ” - Kitowska kiến nghị.

Các chuyên gia về di cư cũng có ý kiến tương tự. “Vấn đề ở đây không phải là tiền bạc. Nghiên cứu được thực hiện trên những người di cư Ba Lan trẻ tuổi ở Anh cho thấy họ rời khỏi gia đình ở Ba Lan là để có thể tự lập” - Heather Rolfe, Trưởng nhóm chính sách xã hội và việc làm tại Viện Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Quốc gia, giải thích.

Ước tính, khoảng 1 triệu người Ba Lan sinh sống tại xứ sở sương mù. Mặc dù Ba Lan đã đạt được những tiến bộ về kinh tế trong những năm gần đây nhưng thu nhập ở Anh vẫn cao hơn nhiều. Theo Barbara Jancewicz, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế về Di cư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Di cư ở Vác-xa-va, dù miễn thuế thu nhập nhưng nó không thể thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa Ba Lan và Anh. Bà Jancewicz cho rằng tình trạng người trẻ rời khỏi Ba Lan đã mang lại tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này. Theo đó, trong 3 hoặc 4 năm qua, Ba Lan đã bắt đầu chứng kiến tình trạng thiếu nhân công.

Một nghiên cứu mới đây phát hiện, công nhân đến từ Ba Lan, Romania cũng như các nước Đông Âu và Trung Âu khác có mức lương thấp nhất trong tất cả các nhóm công nhân di cư làm việc tại các nước EU. Cụ thể, khoảng 80% trong số 180.000 công dân Ba Lan làm việc tại Hà Lan kiếm chưa tới 17 USD/giờ và 18% trong số họ kiếm chưa tới 11 USD/giờ (chỉ bằng một nửa so với lao động đến từ các nước khác), bởi đa số họ làm việc trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm. Hiện số công nhân Ba Lan đang làm việc tại Đức và Bỉ lần lượt là 46.000 và 28.000 người.

Chính phủ Anh cảnh báo có tới 1 triệu công dân Liên minh châu Âu (EU) hiện đang sinh sống tại nước này đối mặt với khả năng bị trục xuất sau khi Anh rời EU (Brexit). Theo số liệu Chính phủ Anh công bố, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, Anh đã nhận được 750.000 đơn xin cư trú lâu dài tại nước này của các công dân EU, trong đó có tới 103.000 người Ba Lan.

TRÍ VĂN (Theo CNN, Dutch News)

Chia sẻ bài viết