31/12/2021 - 22:00

Chỗ nới lỏng, nơi siết chặt giãn cách trước thềm năm mới 

Trước sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron và diễn biến dịch bệnh phức tạp, các nước đã có những bước đi khác nhau nhằm phòng, chống dịch cũng như đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Tối 30-12, Chính phủ Nam Phi đã thông báo dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm tới 4 giờ sáng hiện hành cùng một số thay đổi khác nhằm nới lỏng hơn các quy định giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trước thềm Năm mới 2022.

Theo phóng viên TTXVN, quyết định được đưa ra sau khi chính phủ đã cân nhắc về những thông tin cập nhật về làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang diễn ra tại Nam Phi, với Omicron là biến thể chủ đạo, cùng với mức độ bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc và khả năng đáp ứng của ngành y tế. Theo đó, Chính phủ Nam Phi tin tưởng rằng đất nước đã vượt qua đỉnh dịch của đợt lây nhiễm lần này.

COVID-19 khiến không khí đón Năm mới 2022 khá ảm đạm. Ảnh: AFP

Theo báo cáo của Bộ Y tế Nam Phi, số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn quốc đã giảm 29,7% trong tuần trước - tuần lễ Giáng sinh - so với tuần sát trước đó.

Ngoài việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, Chính phủ Nam Phi quyết định nới lỏng một số quy định trong tình trạng cảnh báo cấp độ 1 - cấp độ thấp nhất trong 5 cấp độ hiện hành. Theo đó, số người được phép tụ tập trong nhà hiện nay tăng từ 750 lên 1.000 người trong khi số người được phép tụ tập ngoài trời vẫn là 2.000. Trường hợp địa điểm quá nhỏ so với sức chứa, để đáp ứng yêu cầu về khoảng cách xã hội phù hợp, ban tổ chức không được sử dụng quá 50% sức chứa của địa điểm.

Các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được phép hoạt động sau 23 giờ. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng vẫn là một yêu cầu bắt buộc và việc không chấp hành quy định này vẫn là một hành vi phạm tội.

* Trong khi đó, ngày 30-12, chính quyền tỉnh Quebec của Canada đã thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trước thềm năm mới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng vọt.

Tại một buổi họp báo, Thủ hiến Quebec Francois Legault cho biết lệnh giới nghiêm được thực hiện từ 22h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu từ ngày 31-12. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 6.000CAD (4.700USD). Bên cạnh đó, giới chức tỉnh Quebec cũng cấm các bữa tiệc tư nhân, nhà hàng và một số địa điểm công cộng buộc phải đóng cửa. Ông Legault không cho biết thời hạn thực hiện biện pháp nghiêm ngặt này.

Theo Thủ hiến Legault, biện pháp này được áp dụng trong một tình huống nghiêm trọng nhằm ngăn không để số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng và tránh cho bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Thời gian vừa qua, tại Quebec, tỷ lệ nhập viện đã tăng mạnh do số ca mắc COVID-19 tăng trong khi thiếu nhân viên y tế. Hồi đầu tuần trước, Quebec đã cho phép nhân viên y tế mắc COVID-19 không triệu chứng tiếp tục làm việc do lo ngại thiếu hụt nhân viên chăm sóc bệnh nhân.

Không chỉ Quebec, một số địa phương khác của Canada cũng thực hiện các biện pháp siết chặt, tỉnh Ontario đã yêu cầu các sự kiện thể thao trong nhà và các buổi hòa nhạc chỉ được hoạt động 50% công suất, tức là tối đa 1.000 người tham gia. Tỉnh này cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường thứ 4 cho người cao tuổi và nhân viên cơ sở dưỡng lão.

* Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Kim Boo-kyum ngày 31-12 cho biết nước này sẽ gia hạn áp dụng các quy định giãn cách xã hội hiện hành thêm 2 tuần cho đến giữa tháng 1-2022 nhằm giảm số ca nhiễm SARS-CoV-2 nghiêm trọng và ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Phát biểu trong cuộc họp chính phủ về ứng phó với dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Kim Boo-kyum nhấn mạnh: “Còn quá sớm để nghĩ rằng chúng ta đã vượt qua được khủng hoảng. Chúng ta vẫn còn rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và người tử vong”.

Chính phủ Hàn Quốc đã siết chặt các quy định về phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 18-12 vừa qua sau khi số ca mắc mới tăng đột biến. Hiện tại, các cuộc tụ họp riêng tư giới hạn tối đa 4 người, áp dụng trên toàn quốc; các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trong khoảng từ 21h hoặc 22h tùy ngành nghề. Theo dự kiến ban đầu, các hạn chế này hết hiệu lực vào ngày 2-1-2022. Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn áp dụng đến hết ngày 16-1-2022.

Nguy cơ Mỹ thiếu kinh phí hỗ trợ phân phối vaccine trên toàn cầu

Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) sắp sửa không còn đủ kinh phí để hỗ trợ cho chương trình của Chính phủ Mỹ phân phối hàng trăm triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới.

Một bài báo đăng tải trên tờ Politico số ra mới đây dẫn lời hai quan chức USAID cho biết nếu không được cấp thêm kinh phí, cơ quan này sẽ không thực hiện được cam kết giúp phân phối vaccine đủ số lượng theo mục tiêu đề ra cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào giữa năm 2022.

Theo bài báo, trong một loạt cuộc họp nội bộ trong những tuần gần đây, các quan chức của USAID đã bày tỏ lo ngại về chiến dịch này có thể bị đình trệ trong mùa Xuân tới nếu chính quyền Mỹ không hỗ trợ thêm kinh phí. Việc tạm dừng phân phối vaccine ngừa COVID-19 được cho là “lỗ hổng” để biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện và có khả năng lây nhiễm mạnh hơn.

Trước đó, vào tháng 9, giới chức Mỹ cho biết sẽ cần ít nhất 7 tỉ USD trong năm 2022 để đảm bảo cho hoạt động tiêm chủng trên toàn cầu.

USAID là cơ quan chủ chốt của Mỹ có nhiệm vụ giám sát hoạt động phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho cơ chế COVAX và cho các nước trên toàn cầu.

 

Chia sẻ bài viết