 |
Người biểu tình nêm chặt một con đường dẫn đến Tòa nhà Chính phủ hôm qua. Ảnh: Narong Sangnak/EPA |
Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng chính trị sâu sắc hiện nay, Thủ tướng Yingluck Shinawatra hôm qua (9-12) đã quyết định giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 2-2-2014. "Vào thời điểm này, khi có nhiều người từ nhiều nhóm phản đối chính phủ, cách tốt nhất là trao lại quyền lực cho người dân Thái Lan và tiến hành bầu cử. Người dân sẽ quyết định"- bà Yingluck tuyên bố trên truyền hình. Cùng ngày, Jarupong Ruangsuwan, người đứng đầu đảng cầm quyền Puea Thai, khẳng định: "Thủ tướng Yingluck chắc chắn sẽ điều hành đất nước. Chúng tôi mong muốn đảng Dân chủ tham gia bầu cử và không xuống đường biểu tình". Chính phủ Thái Lan cũng đã quyết định hủy kế hoạch mời các nhà ngoại giao nước ngoài tới quan sát tình hình tại Tòa nhà Chính phủ.
Hôm trước đó, bà Yingluck khẳng định "sẵn sàng từ chức" và giải tán quốc hội nếu điều này chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài từ hơn 3 tuần qua. Song, điều kiện mà nhà lãnh đạo 46 tuổi đặt ra là bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày tính từ ngày giải tán quốc hội như luật định, và các bên phải chấp nhận kết quả bầu cử. "Bất cứ chính phủ nào lên nắm quyền mà không qua bầu cử đều ảnh hưởng lớn đến hình ảnh và sự tín nhiệm trong nước"- bà Yingluck ám chỉ đến "hội đồng nhân dân" mà thủ lĩnh phe biểu tình Suthep Thaugsuban đang nhắm đến hòng thay thế bộ máy hiện thời. Theo hãng tin Reuters, thừa biết nếu tiến hành bầu cử, đảng Puea Thai sẽ chắc chắn giành chiến thắng, nên ông Suthep quyết theo đuổi yêu sách trên bất chấp việc Thủ tướng Yingluck cho là vi hiến và phản dân chủ. Hôm qua, ông này cũng nói rõ: "Hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tuần hành đến Tòa nhà Chính phủ (nơi làm việc của Thủ tướng Yingluck)
Việc giải tán quốc hội không phải là mục đích của chúng tôi". Theo ông Suthep, chính phủ phải từ chức.
Theo đó, các cuộc tuần hành của phe áo vàng chống chính phủ vẫn diễn ra rầm rộ trên khắp các đường phố ở Thủ đô Bangkok vào hôm qua, trong cái gọi là "trận chiến cuối cùng" hòng lật đổ chính quyền của bà Yingluck cũng như "dỡ bỏ" sự ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai bà Yingluck đang sống lưu vong ở nước ngoài. AP cho biết có khoảng 100.000 người tham gia biểu tình tại Bangkok. Trong dòng người tuần hành về Tòa nhà Chính phủ hôm qua còn có lãnh đạo đảng Dân chủ và cũng là cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, người trước đó đã kêu gọi tất cả 153 thành viên của đảng này từ bỏ ghế tại Hạ viện để xuống đường. Ông cho rằng chính quyền Yingluck "không còn hợp hiến" và đảng của ông không có lựa chọn nào ngoài việc rút chân khỏi Hạ viện 500 ghế.
Trong khi đó, do lo ngại tình hình tiếp tục xấu đi, hơn 60 trường học tại Bangkok đã được lệnh đóng cửa. Kể từ khi làn sóng chống chính phủ nổ ra hồi tháng rồi, ít nhất 5 người đã thiệt mạng và gần 300 người bị thương trong các cuộc xung đột giữa cảnh sát và phe áo vàng.
Dù giải pháp giải tán Hạ viện và bầu cử sớm đã được đưa ra, song giới phân tích cho rằng chính trường tại đất nước Chùa Vàng chưa biết sẽ đi về đâu. Theo chuyên gia Pavin Chachavalpongpun tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Kyoto (Nhật), việc kêu gọi bầu cử chỉ là giải pháp ngắn hạn bởi không có gì đảm bảo phe Dân chủ "sẽ trở lại và chơi theo luật". Còn nhớ hồi năm 2006 khi các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, phe Dân chủ đã từ chối tham gia tranh cử theo đề nghị của thủ tướng khi đó là ông Thaksin, người mà 5 tháng sau đã bị quân đội phế truất.
THANH BÌNH (Tổng hợp)