Theo tờ Wall Street Journal, Mỹ đang ráo riết đàm phán hậu trường nhằm yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) giảm hạn ngạch của khối này trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhường lại cho các nước đang phát triển.
Quyền sở hữu IMF được thể hiện theo cái gọi là hạn ngạch. Mỗi thành viên trong IMF (186 nước) được tính hạn ngạch theo công thức phản ánh tỷ trọng kinh tế của nước đó với kinh tế toàn cầu. Trách nhiệm tài chính và quyền bỏ phiếu ở IMF phụ thuộc vào hạn ngạch của nước đó. Trước sự vươn lên của một số nền kinh tế mới nổi, G20 đang tìm cách tổ chức lại các định chế quốc tế được thành lập sau Thế chiến thứ hai (ngoài IMF còn có Ngân hàng Thế giới- WB), nhằm phù hợp hơn với tình hình mới. Quá trình này sẽ có nhiều cuộc mặc cả và Mỹ đã đưa ra 2 kiến nghị:
Một là giảm số ghế trong ban điều hành IMF từ 24 xuống còn 20 vào năm 2012, với các nước đang phát triển được giữ nguyên số ghế hiện có. Không nêu tên quốc gia nào sẽ “hy sinh” ghế, nhưng người ta cho rằng Mỹ muốn đó phải là châu Âu. Hiện ban điều hành IMF có 8 giám đốc đại diện cho Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc, Nga và Arabie Séoudite, và 16 giám đốc đại diện cho các nhóm nước mà nhiều ghế loại này đang do châu Âu nắm giữ. Mỹ cho rằng như vậy là quá nhiều. Thế nhưng, không những không từ bỏ ghế nào mà mới đây Ủy ban châu Âu (EC) còn đòi trao thêm một ghế nữa cho 16 nước sử dụng đồng euro.
Hai là kêu gọi chuyển 5% quyền sở hữu IMF từ các nước công nghiệp phát triển (hiện chiếm khoảng 60%) cho các nước đang phát triển. Theo kiến nghị này thì EU cũng sẽ mất phần. Lập luận của Washington là Mỹ và EU có quy mô kinh tế gần như nhau, nhưng EU lại có phần sở hữu IMF gấp đôi Mỹ. Hiện Mỹ sở hữu 17,1% ở IMF với GDP trong kinh tế thế giới là 20,4%, so với EU có tỷ lệ lần lượt là 32,4% và 21,9%. Đáp lại, EU cho rằng quan điểm của Mỹ là “buồn cười” và quá ưu ái một số nước đang phát triển. EU nêu đích danh Arabie Séoudite, nước sở hữu 3,16% quyền bỏ phiếu tại IMF trong khi chỉ chiếm hơn 0,8% GDP thế giới. EU cũng đề nghị giảm hạn ngạch của Mỹ, vốn đủ để phủ quyết các quyết định cần đa số 85% của IMF.
Đang tìm cách nâng cao vị thế ở IMF, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và các nước mới nổi khác tất nhiên ủng hộ đề xuất của Mỹ. Không biết các “sáng kiến” trên có thành hiện thực hay không nhưng trước mắt Mỹ đã ghi điểm với các nước này (trong khi lại không mất gì). Điều đó rất có ý nghĩa khi Washington đang tranh thủ sự ủng hộ của họ cho các vấn đề khác ở hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Mỹ vào cuối tháng 9. Quả là một nước cờ cao tay!
N. MINH (Theo WSJ, Reuters)