11/08/2017 - 22:16

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên tiếp tục leo thang 

“Khẩu chiến” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên chưa có dấu hiệu dừng lại sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 10-8 tiếp tục cảnh báo Bình Nhưỡng chớ động vào đảo Guam cũng như các đồng minh của Washington. Ông Trump cũng nói rõ  phát biểu trước đó về “lửa thịnh nộ” không phải đe dọa suông, mà là tuyên bố nghiêm túc gởi đến Triều Tiên.

Guam là nơi đồn trú căn cứ quân sự của Mỹ với rất nhiều khí tài quan trọng, bao gồm máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp báo an ninh quốc gia ở New Jersey, Tổng thống Trump trong phát biểu được cho nhắm đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nói: “Ông ấy đã quá coi thường nước Mỹ và đưa ra những tuyên bố gây sợ hãi. Với  tôi, ông ấy sẽ không thoát được sự trừng phạt”.

Bất chấp những chỉ trích trong và ngoài nước cho rằng cảnh báo trước đó là “con dao hai lưỡi”, ông Trump tuyên bố Bình Nhưỡng “ép” Mỹ và phần còn lại của thế giới đã quá lâu. Dù vậy, ông từ chối thảo luận những lựa chọn quân sự tiềm năng, bao gồm tấn công phủ đầu.

Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Triều Tiên chỉ trích cảnh báo của Tổng thống Mỹ là “vô nghĩa”, đồng thời công bố chi tiết kế hoạch phóng tên lửa nhắm vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hôm 11-8, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull khẳng định các quốc gia đồng minh bao gồm Canberra sẽ hỗ trợ Mỹ nếu Triều Tiên phát động tấn công. Ông tuyên bố trong trường hợp đó Úc sẽ “kích hoạt” hiệp ước an ninh ANZUS lần thứ hai trong lịch sử (hiệp ước ANZUS được kích hoạt lần đầu sau các cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ).

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ed Markey cho rằng, ông Trump đã có “phản ứng sai lầm và không cần thiết” trong cách đối phó hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Thậm chí có hơn 60 nghị sĩ đảng này gửi thư yêu cầu Ngoại trưởng Rex Tillerson kiềm chế những tuyên bố “vô nghĩa, không trách nhiệm và nguy hiểm” của tổng thống. 

Theo giới quan sát, tuyên bố của ông Trump về Triều Tiên thực sự khiến một bộ phận dân chúng Mỹ và các đồng minh châu Á quan ngại; đồng thời làm căng thẳng leo thang và không giúp giải quyết tình hình ngày càng bất ổn ở khu vực Thái Bình Dương.

Reuters trích cảnh báo của các quan chức quốc phòng và giới chuyên gia quân sự cho biết, bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Triều Tiên cũng sớm dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân mà hậu quả sẽ thảm khốc không thể đoán trước được.

Trong khi đó tại Trung Quốc, báo chí nước này cho rằng Bắc Kinh nên giữ thái độ trung lập trong trường hợp Triều Tiên phát động một cuộc tấn công đe dọa và Mỹ đáp trả. Nhưng Trung Quốc sẽ ngăn chặn nếu Washington và Hàn Quốc tấn công trước và cố lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng. Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, Trung Quốc không thể thuyết phục Washington hoặc Bình Nhưỡng thoái lui nhưng nước này “kiên quyết chống lại bất kỳ bên nào muốn thay đổi hiện trạng khu vực liên quan lợi ích của Bắc Kinh”.

Triều Tiên sẽ sở hữu 60 vũ khí hạt nhân vào năm 2021

Theo đánh giá của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế Mỹ (ISIS), Triều Tiên cuối năm 2016 đã chế tạo khoảng 13 đến 30 vũ khí hạt nhân. Tổ chức này dự đoán đến năm 2021, Bình Nhưỡng sẽ sở hữu 25-50 vũ khí hạt nhân, thậm chí lên tới 60.

Ngoài ra, báo cáo cho biết Triều Tiên cũng có thể có một số đầu đạn plutonium trang bị cho tên lửa đạn đạo Nodong tầm bắn trung bình 1.200km, có thể nhắm mục tiêu Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Dù vậy, Chủ tịch ISIS David Albright phủ nhận đánh giá trước đó của Lầu Năm Góc cho rằng Triều Tiên đầu năm tới có thể chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo ông Albright, đến năm 2020 Bình Nhưỡng mới có khả năng phát triển đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa ICBM vươn tới đất Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết