05/02/2020 - 19:55

Canada vất vả tìm ghế HĐBA 

Trong nỗ lực tìm ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2021-2022, Thủ tướng Canada Justin Trudeau (ảnh) sẽ bắt đầu chuyến thăm Ethiopia và Senegal từ hôm nay 6-2 nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo châu Phi. Tuy nhiên, chiến dịch vận động ngoại giao này được cho là quá trễ.

Trước khi ông Trudeau đến Ethiopia,   Ngoại trưởng François - Philippe Champagne và Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Karina Gould của Canada đã sang châu Phi hồi tháng 1 để thúc đẩy chiến dịch trên. Ngoài các cuộc gặp với lãnh đạo nước chủ nhà để thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư song phương, Thủ tướng Trudeau sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 33 tại Ethiopia. Đây là cơ hội quý báu để ông Trudeau có thể đưa ra thông điệp và cam kết của Chính phủ Canada dành cho lục địa đen.

Lần cuối cùng Canada giữ ghế ủy viên không thường trực HĐBA là nhiệm kỳ 1999-2000. Cách đây 10 năm, Canada đã để mất cơ hội chiến thắng một lần nữa trước  Bồ Đào Nha, quốc gia nhỏ hơn và đang suy yếu về mặt kinh tế thời điểm đó. Adam Chapnick, Giáo sư tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, cho rằng sự thất bại này của Canada phần lớn là do chính quyền Ottawa dưới thời cựu Thủ tướng Stephen Harper không thể thuyết phục các nước châu Phi bỏ phiếu ủng hộ. 

Sau thất bại trước Bồ Đào Nha, Thủ tướng Trudeau năm 2015 đưa ra cam kết “Canada sẽ trở lại”. Nói về lý do Canada muốn trở thành ủy viên không thường trực HĐBA, ông Trudeau nhấn mạnh trong bài phát biểu mới đây với tờ Canadian Press rằng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Canada cần trở thành quốc gia dẫn đầu trên trường quốc tế và tiếp tục xây dựng các mối quan hệ mới. Để thực hiện mục tiêu của mình, Canada đã cử phái đoàn do hai cựu thủ tướng là Jean Chretien và Joe Clark sang dự khóa họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ nhằm quảng bá chiến dịch của Ottawa. Đại sứ Canada tại LHQ Marc-André Blanchard tuyên bố Ottawa đã cam kết xây dựng mối quan hệ dài lâu với châu Phi và chính ông đã vận động hơn 20 quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp ủng hộ Canada giữ ghế ủy viên không thường trực HĐBA. Ông Blanchard cho hay chính quyền Trudeau đã thể hiện vai trò quốc tế của mình khi đảm bảo gần 13 tỉ USD cho quỹ toàn cầu chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, cùng 3,8 tỉ USD dành cho lĩnh vực giáo dục trẻ em gái trong các cuộc khủng hoảng và xung đột. 

Song, giới phân tích cho rằng chuyến thăm châu Phi của ông Trudeau là chưa đủ và quá muộn bởi cam kết chi cho các khoản viện trợ nước ngoài và đóng góp nhân sự cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ của Canada luôn ở mức thấp. Mới đây, Canada còn cho rút các nhân viên gìn giữ hòa bình khỏi Mali. Ottawa còn bị cáo buộc phớt lờ lục địa đen với 54 quốc gia này, vốn giữ vai trò rất quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, nơi Canada sẽ cần ít nhất 128 phiếu để trở thành ủy viên không thường trực HĐBA. Khi đó, Canada sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Na Uy và Ireland, vốn chi rất nhiều cho viện trợ nước ngoài và gìn giữ hòa bình. “Không có sự ủng hộ từ châu Phi, nỗ lực giành ghế ủy viên không thường trực HĐBA của Canada không có hy vọng thành công” - Nicolas Moyer, Chủ tịch Hội đồng Hợp tác quốc tế Canada, nhận định.

Từ lâu, ông Moyer cùng với các chuyên gia khác kêu gọi Canada cam kết dành 0,7% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho viện trợ phát triển – mục tiêu mà LHQ đặt ra. Tuy nhiên, mức đóng góp hiện tại của Ottawa là chưa tới 0,3%, thấp nhất trong số gần 30 quốc gia giàu nhất thế giới. Ngược lại, mức chi cho viện trợ phát triển của Na Uy lên tới gần 1% GNI trong khi Ireland có kế hoạch chi 0,7% GNI. David Hornsby, Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Carleton, cho rằng với mức đóng góp như vậy, Canada có thể đánh mất cơ hội trở thành ủy viên không thường trực HĐBA. Hơn nữa, Canada đang hục hặc ngoại giao với Saudi Arabia và Trung Quốc vốn có tầm ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo và nhiều nước châu Phi. 

Trước viễn cảnh khó khăn trên, ông Colin Robertson, cựu quan chức ngoại giao hiện là Phó Chủ tịch Viện các quốc đề quốc tế của Canada, cảnh báo: “Thất bại năm 2020 sẽ gây chấn thương cho ông Trudeau. Và đó sẽ là cú sốc đột ngột cho những người Canada vốn nghĩ rằng thế giới đang yêu mến chúng ta”. 

TRÍ VĂN (Theo Global News, Canadian Press)

Chia sẻ bài viết