10/05/2023 - 09:27

Canada - Trung Quốc leo thang căng thẳng 

MAI QUYÊN (Theo Guardian, CNN)

Trong động thái khiến Bắc Kinh nổi giận, chính quyền Ottawa đã trục xuất một nhà ngoại giao Trung Quốc sau cáo buộc đe dọa chính trị gia Canada và cố can thiệp vào bầu cử nước này.

Thủ tướng Trudeau (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị. Ảnh: Getty Images

Phát biểu ngày 8-5, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết Ottowa “không hoan nghênh” đặc phái viên Zhao Wei - người đang làm việc tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Toronto. Bà Joly xác nhận chính quyền đã yêu cầu nhà ngoại giao này rời Canada, sau khi cẩn trọng xem xét tất cả yếu tố liên quan. “Canada sẽ không bỏ qua cho bất kỳ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào công việc nội bộ. Tất cả các nhà ngoại giao hoạt động ở đây đều được cảnh báo bị trục xuất về nước nếu tham gia vào loại hành vi nói trên” - Ngoại trưởng Joly khẳng định.

Tuyên bố được đưa ra trong lúc các nhà lập pháp Canada bỏ phiếu về một đề xuất của đảng Bảo thủ đối lập, kêu gọi chính phủ trục xuất tất cả các nhà ngoại giao Trung Quốc dính líu cáo buộc can thiệp của nước ngoài. Trước đó, dư luận Canada “dậy sóng” sau những thông tin bị rò rỉ từ Cơ quan Tình báo An ninh. Cụ thể, theo tiết lộ của tờ Globe and Mail dựa trên tài liệu năm 2021, đặc phái viên Zhao bị cho nhắm mục tiêu nhà lập pháp đảng Bảo thủ Canada Michael Chong vì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Kế hoạch gây áp lực còn bao gồm các biện pháp trừng phạt người nhà nghị sĩ Chong sinh sống ở Hong Kong. Tranh cãi bùng lên khi nhiều người đặt câu hỏi tại sao nghị sĩ Chong không được thông báo việc gia đình ông bị Bắc Kinh nhắm tới, và lý do gì nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn được phép làm việc tại lãnh sự quán ở Toronto. Để trấn an dư luận, Bộ Ngoại giao Canada tuần rồi triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Ottawa để phản đối. Song, các cáo buộc trở thành vấn đề chính trị ngày càng tăng giữa lúc chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau đối mặt chỉ trích phản ứng quá chậm và không đủ sức răn đe Bắc Kinh.

Đây không phải lần đầu truyền thông đưa tin về cáo buộc Trung Quốc can thiệp vấn đề nội bộ của Canada. Trước đó, Thủ tướng Trudeau được cho đã nhận tin tình báo về nỗ lực của Trung Quốc can thiệp cuộc bầu cử năm 2019 và 2021 mà đảng Tự do của ông giành chiến thắng. Theo các cuộc thăm dò gần đây, 2/3 người dân Canada tin Trung Quốc tìm cách can thiệp bầu cử nước này; hơn 50% coi Bắc Kinh là mối đe dọa nghiêm trọng và muốn Thủ tướng Trudeau hành động nhiều hơn. Nhưng thay vì mở một cuộc điều tra công khai, ông Trudeau đã chỉ định một “điều tra viên đặc biệt” để kiểm tra bằng chứng và quyết định xem có cần thiết tiến hành điều tra hay không.

Trong bài phát biểu trước Hạ viện ngay sau khi nhà ngoại giao Trung Quốc bị trục xuất, nghị sĩ Chong lần nữa chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Trudeau. Theo ông, sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc đoán đã khiến các nền dân chủ phải lùi bước trong thập kỷ qua và Canada phải cho thấy họ sẽ không bị đe dọa hay lùi bước trong việc bảo vệ quyền dân chủ. Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada mô tả các cáo buộc can thiệp chính trị là “vô căn cứ”. Theo một phát ngôn viên giấu tên, Bắc Kinh nhất định có biện pháp đáp trả và Canada sẽ gánh chịu mọi hậu quả.

Canada muốn tham gia hiệp ước AUKUS?

Trong diễn biến khác, tờ Globe and Mail đưa tin Bộ Ngoại giao và Hội đồng Cơ mật Canada đang nỗ lực đưa Ottawa gia nhập Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh 3 bên (AUKUS) giữa Mỹ, Úc và Anh. Thỏa thuận AUKUS là nỗ lực của Mỹ và 2 đồng minh để xây dựng sự hiện diện lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vốn là thành viên cơ quan tình báo Five Eyes cùng Úc, Anh, Mỹ và New Zealand, Canada ban đầu không đánh giá cao ảnh hưởng của hiệp ước mới.

Nhưng những tháng sau đó, chính quyền Thủ tướng Trudeau đối mặt với chỉ trích gay gắt về khả năng Ottawa bị loại trừ khỏi việc chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ có giá trị. Về sau, Canada công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương riêng biệt nhằm “thúc đẩy và bảo vệ” lợi ích quốc gia. Trong phát biểu gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand khẳng định nước này “rất quan tâm” đến hợp tác chặt chẽ hơn về công nghệ mới nổi trong lĩnh vực quốc phòng với Anh, Úc và Mỹ.

 

Chia sẻ bài viết