06/02/2013 - 20:11

Cần xây dựng Hiến pháp mang tính ổn định lâu dài

Nguyễn Xuân Hải
Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo TP Cần Thơ về Phòng chống tham nhũng

Ðất nước ta đã trải qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, song song đó, tình hình thế giới cũng có nhiều thay đổi phức tạp, khó lường. Để phù hợp với tình hình mới, cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để tiếp tục thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, những định hướng phát triển toàn diện, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 11 chương, 124 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 99 điều và xây dựng 11 điều mới. Đặc biệt, dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, bổ sung những quy định mới về thẩm quyền của Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Bên cạnh đó, dự thảo Hiến pháp mới bỏ quy định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tạo sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế; khẳng định quyền sống, được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; quyền được hiến mô, hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác... Tuy nhiên, để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài, thực sự đi vào cuộc sống của người dân, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề sau:

* Thứ nhất: Về những vấn đề chung

- Ban soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng Hiến pháp mang tính ổn định, lâu dài, có sức sống khoảng trên 50 năm. Hiện nay, đất nước ta đã và đang xây dựng các đề án, quy hoạch chiến lược có tầm nhìn đến năm 2050, thì Hiến pháp được xây dựng phải có tính ổn định hơn, chiến lược hơn và lâu dài hơn. Trước đây, do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động nên chúng ta có Hiến pháp năm 1946, 1959 trong thời chiến tranh, và khi hòa bình, thống nhất đất nước thì có Hiến pháp năm 1980 và 1992 (trung bình, hơn 10 năm thì sửa đổi Hiến pháp một lần). Ngày nay, tình hình ổn định hơn, do đó các nhà soạn thảo cần có những dự báo về tương lai của đất nước và thế giới trong khoảng 50 năm sau để xây dựng Hiến pháp. Ví dụ như việc nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước chẳng hạn. Có thể trong tương lai gần chúng ta sẽ áp dụng mô hình này. Vì vậy, nên chăng trong dự thảo sửa đổi Hiến Pháp cần quy định rõ nguyên thủ quốc gia đồng thời là Tổng Bí thư. Hoặc thay vì thành lập Hội đồng Hiến pháp thì chúng ta có thể thành lập Tòa án Hiến pháp hoạt động chuyên trách và độc lập…

- Về câu từ, cần nghiên cứu dùng những từ thuần Việt để gần gũi, giúp người dân dễ hiểu, tránh dùng nhiều từ Hán-Việt (như đại xá, đặc xá…). Tương tự, cần dùng thống nhất câu, từ cùng nghĩa, như trong dự thảo có chỗ dùng "theo pháp luật", có chỗ thì "theo quy định của pháp luật", có lúc lại "theo luật định"… Theo tôi, nên dùng thống nhất "theo quy định của pháp luật".

* Thứ hai: Về những vấn đề cụ thể

Tại điều 57 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật". Đối chiếu với thực tế, ở nước ta hiện nay việc quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân vẫn còn chung chung, mang đậm tính chất tinh thần, không cụ thể được chủ sở hữu là ai, thực tế thì nhà nước vẫn là chủ sở hữu. Vì vậy nên chăng quy định rõ ràng trong Hiến pháp nhà nước là chủ sở hữu. Do đó, điều 57 trong dự thảo Hiến pháp có thể viết thành: "Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước quản lý theo quy định của pháp luật".

Tại khoản 3 điều 58 chỉ nên quy định "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật, trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia". Còn trong trường hợp "lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội", thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường cá nhân, tổ chức theo giá thị trường.

Chia sẻ bài viết