13/02/2024 - 12:21

Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng sông nước Cửu Long 

Cần Thơ đã nỗ lực phát triển mở rộng không gian đô thị, với nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo, xứng tầm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Cầu Trần Hoàng Na đã thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2023.

Thành tựu mới…

Thời gian qua, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị TP Cần Thơ được triển khai đồng bộ, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của thành phố, dần hoàn thiện các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại I trực thuộc Trung ương; chất lượng hạ tầng đô thị tăng, hệ thống đô thị phát triển, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 74% vào cuối năm 2023.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch đô thị với tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Thành phố cũng đã lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn các quận và điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung thị trấn; thường xuyên rà soát các đồ án quy hoạch không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng; ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP Cần Thơ. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, thành phố luôn bám sát các chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương, triển khai các kế hoạch thực hiện cụ thể và từng bước lồng ghép các tiêu chí, chỉ tiêu hướng đến đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.

Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, TP Cần Thơ cũng đã đạt được kết quả tích cực. Một số công trình trọng điểm được đầu tư như nâng cấp các tuyến đường ở các quận trung tâm, xây dựng cầu Quang Trung đơn nguyên 2, đường tỉnh 922... Các dự án này góp phần giảm thiểu ùn tắc, tăng hiệu quả kết nối giao thông trong đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường và giảm thiểu phát thải trong giao thông. Thành phố đã đầu tư, nâng cấp các điểm tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện đại; xây dựng kế hoạch phân loại, thu gom, trung chuyển rác, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Xây dựng khu xử lý chất thải rắn với công nghệ hiện đại, ưu tiên tái chế, tái tạo năng lượng và các công nghệ đảm bảo an toàn môi trường.

Một góc TP Cần Thơ.

Thành phố từng bước đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị; xây dựng hệ thống hạ tầng kiểm soát và điều tiết chống ngập, giảm sự tổn thương do ngập lụt khu vực trung tâm thành phố; cải thiện hệ thống hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu đô thị mới, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều công trình ưu tiên Dự án 3 (Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị) hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả như cầu Quang Trung; tuyến đường mới Trần Hoàng Na... Ðặc biệt, công trình cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ là mạch nối, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ, đến đầu năm 2024 đã cơ bản và thông xe kỹ thuật. Dự án 3 có tổng mức đầu tư hơn 9.167 tỉ đồng (vốn vay Ngân hàng Thế giới), đến ngày 30-6-2024 kết thúc. Dự án ngoài mục tiêu bảo vệ vùng lõi trung tâm của thành phố (Ninh Kiều và Bình Thủy) trước rủi ro do ngập lụt, còn góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Ban và các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại của Dự án 3; đảm bảo hoàn thành toàn bộ từ cầu, đường, cống ngăn triều, cho đến cải tạo hệ thống thoát nước… khi kết thúc dự án vào tháng 6-2024.

Mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Ðịnh hướng phát triển đô thị của TP Cần Thơ đã được xác định tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðó là xây dựng và phát triển TP Cần Thơ gắn liền với bản sắc sông nước sinh thái trong bối cảnh quản trị đô thị thông minh, phát triển bền vững.

Theo ông Mai Như Toàn, đô thị Cần Thơ phát triển dựa trên nền tảng phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ. Bản sắc sông nước được phát huy giá trị một cách tối đa trong đời sống và đưa giá trị mới song song với khai thác hợp lý tài sản vô giá này. Nhìn rộng ra, việc phát triển đô thị TP Cần Thơ gắn bó hữu cơ với sự vận hành của hệ thống đô thị vùng ÐBSCL, liên kết với TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 12-2023), định hướng phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 là cực tăng trưởng của vùng ÐBSCL; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Ðô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ÐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế... Tầm nhìn đến năm 2050: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam.

Một góc thành phố đô thị sinh thái sông nước Cần Thơ.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để thành phố tăng tốc và bứt phá, hướng tới đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới xứng tầm với vị thế tiềm năng của Tây Ðô. Quy hoạch với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của thành phố, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hằng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của vùng và của cả nước, sẽ là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

QUY HOẠCH TP CẦN THƠ THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Một số chỉ tiêu phát triển cụ thể đến năm 2030 
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 11-15%/năm.
- Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP.
- Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80%; bảo đảm 100% đô thị loại IV trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị.

Phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ Năm trục động lực kinh tế
2  trục ngang: Tuyến phát triển dọc theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó phía Đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía Tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị; tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 920D, với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp. 3 trục dọc: dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng ĐBSCL. 

Ba vùng phát triển
Vùng thứ Nhất  gồm các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, huyện Phong Điền và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao; phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để TP Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. 
Vùng thứ Hai gồm phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics. 
Vùng thứ  Ba gồm một phần các huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới như chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại.

Phương án phát triển hệ thống đô thị
TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
TP Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL tập trung vào 3 chiến lược chính: các kết nối và nút hạ tầng liên vùng về đường sắt, hàng không, đường thủy và đường bộ cao tốc; bố cục các vùng chức năng tập trung, cung cấp các dịch vụ cho toàn vùng; phát triển đô thị theo hướng tiên phong cho những mô hình phát triển đô thị đặc thù của vùng ĐBSCL. 
Đô thị sinh thái sông nước cao cấp nhất dọc sông Hậu, lấy sông Hậu là mặt tiền chính cho toàn thành phố, phát triển bản sắc của từng quận, huyện thành đô thị bên các sông nhánh. 
Đô thị hiện đại: xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường. Phát triển trục hạ tầng đa phương thức dọc theo trục hành lang kinh tế Đông - Tây, đường sắt trên cao phục vụ cảnh quan, du lịch dọc sông Hậu; phát triển đô thị gắn với nhà ga đường sắt, sân bay. 
Đô thị thông minh: đô thị số gắn với phát triển kinh tế số, tích hợp kỹ thuật số để nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, nhất là hạ tầng giao thông.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết