21/07/2024 - 07:41

Giải ngân vốn đầu tư công - động lực thúc đẩy tăng trưởng 

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt như cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân của các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý còn thấp. Ðể đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Công nhân thi công trên công trường cao tốc Bắc - Nam phía Ðông đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: A.H

Tiến độ giải ngân thấp hơn cùng kỳ

Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là hơn 669.264,6 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 236.915,7 tỉ đồng; vốn trong nước hơn 216.915,7 tỉ đồng; vốn nước ngoài 20.000 tỉ đồng và vốn địa phương 432.348,9 tỉ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến ngày 10-7-2024, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án hơn 639.350,6 tỉ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng giao (vốn ngân sách Trung ương trên 228.672,6 tỉ đồng, đạt 96,5% và vốn ngân sách địa phương khoảng 410.678 tỉ đồng, đạt 95% kế hoạch Thủ tướng giao).

Theo Bộ Tài chính, về thực hiện và giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm 2024 đến ngày 30-6-2024 đạt gần 196.700 tỉ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%). Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao, vốn nước ngoài đạt 12%...

Trong 6 tháng qua, dù nhiều Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả 11/44 bộ, cơ quan Trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình cả nước. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Trung ương có sự cải thiện (đạt 30,51% so với cùng kỳ 28,34%), nhưng tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách địa phương lại thấp hơn cùng kỳ (đạt 28,77% so cùng kỳ 32,76%).

Mới đây, tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã có 3 Công điện, 9 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm, đường cao tốc, các công trình giao thông liên vùng… sử dụng vốn đầu tư công. Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng kết quả giải ngân thấp hơn cùng kỳ, do công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập; vai trò của người đứng đầu đôi lúc chưa thể hiện rõ nét… Vì vậy để đảm bảo tiến độ giải ngân cần sự quyết tâm cao hơn nữa.

Siết kỷ luật, kỷ cương

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó có tính đặc thù của đầu tư công là tỷ lệ giải ngân các tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong các tháng cuối năm. Kế đến là khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương, năm 2024 vốn đầu tư công giao các địa phương cao hơn khoảng 89.000 tỉ đồng so với kế hoạch năm 2023. Số vốn tăng thêm chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động, kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất của các địa phương chưa thể triển khai được cũng làm ảnh hưởng đến nguồn vốn bố trí cho các dự án. Khó khăn nữa là còn vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án; giải phóng mặt bằng; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư để đủ điều kiện phân bổ vốn hằng năm cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài mất nhiều thời gian…

Tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Ðồng thời phê bình nghiêm khắc 33 bộ, cơ quan ngang bộ và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước. Ðể giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% vốn đã phân bổ của năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “5 quyết tâm” và “5 đảm bảo”. Ðồng thời nhấn mạnh vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả nhất, không chậm trễ, không lãng phí. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ðề cao kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cố tình gây khó, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn.

Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, các tổ chức quốc tế nhận định, năm 2024 tăng tốc giải ngân đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12-7-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Chỉ thị nêu, tính đến 31-1-2024 số vốn tạm ứng quá hạn nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn tương đối lớn, khoảng 7.454 tỉ đồng (các bộ, cơ quan Trung ương khoảng 1.279 tỉ đồng; địa phương khoảng 6.175 tỉ đồng), làm giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Ðể khắc phục tình trạng chậm trong thu hồi vốn tạm ứng quá hạn, đảm bảo việc tạm ứng vốn thời gian tới đúng quy định, đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng hiệu quả, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn tạm ứng; chịu trách nhiệm trong công tác tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao; thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Chính phủ giao cơ quan thanh tra các cấp nghiên cứu, có kế hoạch thanh tra đối với các trường hợp tạm ứng vốn đầu tư quá hạn chưa thu hồi nguồn ngân sách nhà nước.

GIA BẢO

 

Chia sẻ bài viết