21/06/2009 - 09:56

Lập lại trật tự đô thị ở TP Cần Thơ

Cần mạnh tay với vi phạm xây dựng

Tình trạng nhà xây dựng không phép, sai phép, nhà “siêu mỏng”... chẳng những làm phức tạp thêm khâu giải phóng mặt bằng, gây cản trở việc triển khai các dự án, mà còn làm mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…

* XÂY DỰNG KHÔNG PHÉP, SAI PHÉP TRÀN LAN

 Một ngôi nhà “siêu mỏng” ở đường Nam Sông Hậu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Trong năm 2008, các cơ quan chức năng của quận Bình Thủy đã tiến hành kiểm tra 922 trường hợp xây dựng. Kết quả có tới 713 trường hợp xây dựng không phép, 121 trường hợp xây dựng sai phép, 23 trường hợp cải tạo không phép, không chấp hành quyết định 18 trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, các cơ quan chức năng của quận đã tiến hành kiểm tra 310 trường hợp xây dựng, thì trong đó có 232 trường hợp xây dựng không phép, 52 trường hợp xây dựng sai phép, 12 trường hợp cải tạo không phép, 3 trường hợp không chấp hành quyết định. Cùng thời gian này, cơ quan quản lý đô thị tại các phường trên địa bàn quận đã ra 425 quyết định xử phạt, trong đó 270 quyết định phạt tiền, 36 trường hợp buộc tháo dỡ, 66 trường hợp cưỡng chế tháo dỡ. Quận ra 51 quyết định xử phạt, trong đó buộc tháo dỡ 4 trường hợp, cưỡng chế tháo dỡ 4 trường hợp. Ông Nguyễn Tấn Dược, Phó Chủ tịch quận Bình Thủy, cho biết: “Các trường hợp xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn quận chủ yếu tập trung theo các trục đường giao thông lớn như: quốc lộ 91B, tỉnh lộ 917, 918 và tại một số khu đất đã được quy hoạch xây dựng các dự án. Nguyên nhân, do nhiều dự án triển khai chậm và nhiều đường được quy hoạch xây dựng với bề ngang khá rộng, nhưng trên thực tế đường chưa được làm rộng như quy hoạch nên nhiều người dân đã xây nhà ở và nơi kinh doanh. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm còn hạn chế do nhân sự ít và gặp khó về kinh phí để tiến hành tổ chức lực lượng đi cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm...”.

Tại quận Ninh Kiều, thời gian qua đã có nhiều trường hợp nhà xây dựng không phép, sai phép bị xử lý, phạt tiền và buộc tháo dỡ nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn phổ biến. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan quản lý trật tự đô thị của quận Ninh Kiều đã tiến hành kiểm tra phát hiện 113 trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà không phép, 96 trường hợp sai phép. Đến nay, quận đã phạt tiền trên 100 trường hợp và lập kế hoạch cưỡng chế 15 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp tự giác, 9 trường hợp phải tổ chức lực lượng đi cưỡng chế.

Các trường hợp nhà xây dựng trái phép trên diện tích còn lại không đủ quy chuẩn sau khi giải tỏa làm đường giao thông còn gọi là nhà “siêu mỏng” chỉ mới xuất hiện trên địa bàn quận Ninh Kiều. Nhưng nếu không kịp thời ngăn chặn ngay từ bây giờ, các ngôi nhà “siêu mỏng” sẽ có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê của UBND quận Ninh Kiều, hiện trên địa bàn quận có 126 trường hợp xây nhà “siêu mỏng”. Các ngôi nhà này được gọi là nhà “siêu mỏng” vì có cạnh nhỏ hơn 3m và diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu là 15m2 theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ và cạnh nhỏ hơn 2,5m và diện tích nhỏ hơn 25 m2 theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Hầu hết, các ngôi nhà “siêu mỏng” mọc lên sau khi có các dự án làm đường giao thông, mở rộng đường, hẻm như: Dự án Nâng cấp đô thị ở phường An Cư, An Hội, dự án đường Đinh Tiên Hoàng, Nam Sông Hậu (từ đường Tầm Vu đến đường 3 Tháng 2). Người dân đã xây dựng nhà trên phần diện tích còn lại thuộc chủ quyền của họ sau khi Nhà nước đã thu hồi 1 phần để làm cầu, đường giao thông. Song, phần diện tích còn lại quá nhỏ, không đảm bảo tiêu chí xây dựng (đương nhiên không được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng), nên những ngôi nhà “siêu mỏng” trông rất phản cảm, gây mất mỹ quan đô thị.

“Nhà “siêu mỏng” này sẽ còn tiếp tục xuất hiện khi thành phố tiến hành dự án cầu Rạch Ngỗng 1 và giai đoạn 2 của Dự án Nâng cấp đô thị tại hơn 100 con hẻm của thành phố, nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn” - ông Võ Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cảnh báo. Theo ông Chính, chỉ riêng tại dự án xây dựng cầu Rạch Ngỗng 1 có khả năng mọc lên 46 ngôi nhà “siêu mỏng” sau khi dự án này hoàn thành, bởi sau khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu, phần diện tích đất còn lại của các hộ nơi đây không còn đảm bảo tiêu chí xây dựng.

* TĂNG CƯỜNG NGĂN NGỪA, XỬ LÝ NGHIÊM

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: “Sau khi Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất để làm cầu, đường giao thông, nếu phần diện tích còn lại của người dân không đủ điều kiện xây dựng, UBND thành phố nên có quyết định thu hồi bằng nguồn ngân sách thành phố, sau đó tùy tính chất từng vị trí mà có mục đích sử dụng hợp lý (có thể là bán lại cho các hộ phía sau nếu họ có nhu cầu, hoặc để trồng cây xanh...). Như vậy sẽ tránh được việc người dân xây dựng các nhà “siêu mỏng”. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền giáo dục để người dân nắm rõ các chủ trương chính sách của Nhà nước và thành phố trong xây dựng nhằm tránh các vi phạm, thì việc kiên quyết xử phạt các vi phạm nhằm răn đe cũng phải được đặt ra”. Ông Nguyễn Tấn Dược, Phó Chủ tịch quận Bình Thủy, nói: “Trong tháng 7-2009, quận Bình Thủy sẽ chọn làm tháng cao điểm để tiến hành xử lý và cưỡng chế buộc tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng không phép, sai phép. Trong đó, tập trung trên các tuyến lộ như: quốc lộ 91B, tỉnh lộ 917...”. UBND quận Ninh Kiều cũng cho biết, trong tháng 6 và 7-2009, quận cũng sẽ tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt kiên quyết buộc tháo dỡ và cưỡng chế tháo dỡ đối với các nhà “siêu mỏng” ở đường Nam Sông Hậu.

Ngày 12-6-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh đã đi kiểm tra tình hình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: “Việc xây dựng không phép, sai phép đang khá phổ biến tại địa bàn các quận Ninh Kiều và Bình Thủy... Để chấm dứt tình trạng xây dựng nhà không phép, sai phép, nhà “siêu mỏng”, chính quyền quận Ninh Kiều và Bình Thủy phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, đồng thời phân cấp việc kiểm tra, xử lý có hiệu quả các vi phạm, kiên quyết không để tái diễn. Tiến hành xử phạt và buộc tháo dỡ các nhà “siêu mỏng”, nếu cần có thể cưỡng chế. Về lâu dài, các địa phương cần chủ động nắm bắt thường xuyên tình hình triển khai các dự án trên địa bàn và phối hợp với Ban quản lý các dự án để thu hồi và giải tỏa toàn bộ những diện tích đất không đủ tiêu chí xây dựng nhằm tránh việc người dân xây thêm các nhà “siêu mỏng”. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu biết về việc xây dựng không đúng phép và không được lấn chiếm lộ giới, đất công, kinh mương thoát nước...”

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết