04/11/2017 - 12:33

Cân đối chi tiêu gia đình 

Chị Nguyễn Kim Huê (quận Bình Thủy) tâm sự: “Tôi là người nắm giữ tiền bạc và quyết định hầu hết chi tiêu gia đình, từ việc mua sắm đồ dùng, quần áo, học phí cho con đến đi chợ hằng ngày. Ông xã ít khi đóng góp cũng chẳng quan tâm chuyện tính toán các khoản chi tiêu”. Chia sẻ của chị Huê cũng là tâm sự chung của nhiều chị em khi gánh trên vai trách nhiệm “tay hòm chìa khóa”.

Cân, đong, đo, đếm…

Nhắc đến chuyện tính toán, cân đối chi tiêu gia đình hợp lý, nhiều chị em ngao ngán cho rằng, đó là câu chuyện dài và chỉ có “người trong cuộc” mới thấu rõ. Vốn là người sống khá tiết kiệm nhưng mấy năm qua, gia đình chị Huê vẫn không có dư. Nguyên nhân do chồng chị đi làm xa, có khi cả tháng mới về nhà một lần và hiếm khi phụ chị gánh vác kinh tế. Tất cả chi tiêu từ lớn đến nhỏ trong gia đình do một mình chị lo liệu. Theo chị Huê, trước đây, vì quá tin tưởng và muốn chồng thoải mái chuyện tiền bạc nên chị không yêu cầu chồng đóng góp; thậm chí, ít khi để tâm thu nhập mỗi tháng của chồng, chi xài việc gì… Chị Huê bộc bạch: “Tôi nghĩ thu nhập của mình đủ trang trải cho gia đình, không yêu cầu anh đưa tiền. Tôi thật sự không ngờ, sơ hở này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chồng tôi phát sinh mối quan hệ ngoài luồng, bỏ bê gia đình, vợ con.…”.

Phần lớn chị em giữ tay hòm chìa khóa, cân đối chi tiêu gia đình. Trong ảnh: Chương trình bán hàng khuyến mãi của Gốm Minh Long thu hút nhiều chị em mua sắm.

Khác với gia đình chị Huê, chồng chị Trần Thu Hồng (quận Ninh Kiều) là người quản lý tài chính. Chị Hồng bày tỏ: “Trước đây, tôi giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” nhưng vợ chồng làm hoài không có dư, do “tật” thích mua sắm của tôi. Từ ngày ông xã quản lý tiền bạc, tôi chi xài căn bản hơn, bớt mua sắm linh tinh…”. Để tiết giảm chi phí phát sinh không đáng, mỗi tháng vợ chồng chị Hồng cùng bàn bạc, thống nhất và lên kế hoạch những chi phí cần thiết. Thường vợ chồng chị tiết kiệm tối đa các khoản chi sinh hoạt, nhất là điện, nước, gas; các vật dụng hư, cũ trong gia đình đều được sửa chữa, tận dụng lại... Nhờ vợ chồng đồng lòng tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý, đến nay, gia đình chị Hồng tích lũy một số vốn, chăm lo con cái đầy đủ hơn.

Tay hòm chìa khóa

Nhiều người cho rằng, muốn cân đối chi tiêu gia đình, trước hết phải bắt nguồn từ việc tiết kiệm các khoản tiền nhỏ, dần dần đến những kế hoạch lớn hơn. Điều quan trọng là hướng các thành viên gia đình, nhất là ông xã chung tay tính toán, cân đối chi tiêu. Chị Nguyễn Thị Liên (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Lúc mới cưới, vợ chồng tôi quy định với nhau rằng “tiền ai nấy xài”, không ràng buộc hay lệ thuộc nhau. Khi có con, mọi thứ cũng phân định rạch ròi. Chồng tôi lo cháu lớn, tôi lo cháu nhỏ; còn “cưa” đôi chi phí sinh hoạt gia đình; thậm chí chuyện đám tiệc, hiếu hỉ mỗi gia đình mỗi người tự lo…”. Khi cần mua sắm vật dụng giá trị trong nhà, vợ chồng chị Liên “hùn” nhau. Chồng hết tiền “đột xuất” có thể mượn đỡ tiền vợ và ngược lại. Theo chị Liên, vì quá rạch ròi chuyện tiền bạc nên không ai có trách nhiệm tích lũy. Thế nên sau hơn 10 năm chung sống, vợ chồng chị Liên chưa tạo lập tài sản lớn, vẫn cảnh thuê trọ. Chị Liên cho biết: “Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn bạc, cuối cùng vợ chồng tôi quyết định, tuy “tiền ai nấy giữ” nhưng phải có khoản tiền góp chung để tích lũy xây nhà. Tôi quản lý số tiền này và thường xuyên “báo cáo” với chồng”.  

Khi bàn việc quản lý tài chính gia đình, nhiều người cho rằng, nên công khai, thống nhất và gom về một mối. Không quan trọng ai giữ tiền mà là vợ chồng đồng lòng và biết rõ nguồn tiền này. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (huyện Thới Lai) nói: “Ông bà ta thường khuyên “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Hằng tháng, ông xã lãnh lương đều mang về giao hết cho tôi và chỉ bỏ túi một ít để giao thiệp bạn bè. Tôi có trách nhiệm tính toán, cân đối chi xài và tích lũy lo tương lai con…”.

Bài, ảnh: TRÂM ANH

Chia sẻ bài viết